Địa điểm du lịch Kênh gym

Thành Hoàng Đế, cặp tượng voi đặc biệt

06/09/2016 - 2178 view
Thành Hoàng Đế, cặp tượng voi đặc biệt

Khách có dịp đến tham quan Thành Hoàng Đế (Bình Định) - kinh đô của vương triều Tây Sơn, trước khi vào khu vực Tử Cấm Thành sẽ thấy có hai con voi đá đứng hai bên đường vào cổng thành, được tạo tác sống động như voi thật.

Thành Hoàng Đế, cặp tượng voi đặc biệt 2
Tượng voi cái: Cao 176cm; dài 220cm; rộng 85cm. Voi được tạo tác trong tư thế tĩnh, đứng yên, chính giữa hai chân voi được tạo liên khối nối giữa hai chân trước và sau; đầu to; trán nở, trên trán trang trí hình vương miện gồm những cánh sen nhọn hai lớp so le, kết dải vươn lên; cổ đeo yếm buông xuôi; đuôi dài chấm xuống đất. Thân tròn thon, căng đầy sức sống; bốn chân to vững chãi.

Thành Hoàng Đế, cặp tượng voi đặc biệt 3
Tượng voi đực: Cao 200cm, dài 240cm; rộng 100cm. Voi đực tại Thành Hoàng Đế được thể hiện đứng trên chiếc bệ đá hình chữ nhật, trong tư thế động, hai chân bên trái đang bước tới; mặt hơi ngoảnh sang bên trái; thân hình căng tròn, to khỏe, đầy sức sống; đầu to; trán nở; hai tai xòe rộng; hai mắt nhỏ; vòi buông xuống uốn vào chân trái; chân voi to khỏe trong tư thế động; đuôi voi thõng xuống đất.

Voi là con vật quen thuộc, sớm được thuần dưỡng, gần gũi và phổ biến trong đời sống của cư dân Chămpa. Trong Ấn Độ giáo, voi là linh vật, là vật cưỡi của thần Indra (thần sấm sét - thần chiến tranh hay thần hộ mệnh) gọi chung là Dikapala. Chính vì thế trong nghệ thuật Chămpa, hình tượng voi được thể hiện rất phong phú, sinh động. Hình voi thường được trang trí rực rỡ, khi thì được thể hiện độc lập; lúc được thể hiện từng cặp trên bệ thờ; khi thành từng đàn trên các dải băng trang trí. Các tượng tròn thể hiện voi thường mang tính độc lập.

Hai tượng voi trên là những tác phẩm thuộc nền điêu khắc Champa, được xem là hiện vật gốc, độc bản trong phong cách điêu khắc Chăm ở thế kỷ XII. Tượng voi được tìm thấy rất nhiều ở di tích Champa xưa như: Trà Kiệu, Chiên Đàn. Cặp tượng voi hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có nguồn gốc từ Trà Kiệu, hình dáng uyển chuyển như cặp tượng voi ở Thành Hoàng Đế nhưng kích thước, quy cách đều nhỏ.

Hai tượng voi ở Thành Hoàng Đế thuộc giai đoạn đầu của Phong cách Bình Định, bố cục về hình thể hoàn chỉnh, nghệ thuật tạo hình sống động như voi hiện thực ở ngoài đời (voi đực), phảng phất hình dáng như con voi chiến; nghệ thuật trang trí trang sức rực rỡ, mang ý nghĩa tôn giáo nhiều hơn tính hiện thực (voi cái); tỉ lệ tạo tác tượng cân đối hài hòa mang giá trị mỹ thuật cao. Cặp voi này là hiện vật nghệ thuật điêu khắc Champa xuất sắc.

Từ chất lượng nghệ thuật hai tượng voi, ta có thể tin chắc rằng nghệ thuật điêu khắc Champa ở thời kỳ này đã vươn tới đỉnh cao. Và từ trình độ tạo tác tượng, kết hợp với một số dữ kiện khác (kỹ thuật xây dựng đền tháp, hệ thống giao thông, thủy lợi...) ta còn có thể hình dung khá rõ về kinh tế, xã hội vương quốc Chămpa thời ấy. Với những giá trị cao về nghệ thuật, cộng với yếu tố độc bản, hai tượng voi tại Thành Hoàng Đế có thể xếp vào danh mục các bảo vật quốc gia.

TTXT du lịch Bình Định

Mục lục

Du lịch Bình Định
          - Hầm Hô
          - Tháp đôi Quy Nhơn
          - Suối nước nóng Hội Vân
          - Thành Hoàng Đế
          - Tháp Cánh Tiên
          - Chùa Thập Tháp
          - Khu du lịch Ghềnh Ráng