Địa điểm du lịch

Du lịch Bình Định

Du lịch Bình Định

Bình Định là một tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam, có trung tâm là thành phố Quy Nhơn. Địa hình của tỉnh đa dạng với núi đồi hùng vĩ, đồng bằng, bãi bồi ven biển, và đường bờ biển trải dài hơn 100km với nhiều đảo lớn, nhỏ ngoài khơi... tạo nên cảnh quan hấp dẫn khách du lịch.

Vùng đất Bình Định tích tụ nền văn hóa lâu đời, nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích của người Chăm, điển hình như các cụm tháp Chàm với lối kiến trúc độc đáo và vẫn vững chải cùng thời gian... đặc biệt còn có thành cổ Đồ Bàn (Thành Hoàng Đế), nơi đã từng là cố đô của vương triều Chămpa xưa.

Tỉnh Bình Định còn sỡ hữu giá trị nhân văn phong phú, được mệnh danh là cái nôi của nghệ thuật tuồng, dân ca bài chòi, của điệu múa trống trận Quang Trung hào hùng khí phách và môn võ Tây Sơn nổi danh trong và ngoài nước...


Địa điểm du lịch Bình Định có gì hay

Hầm Hô Hầm Hô

Hầm Hô từ lâu đã được xếp vào hàng danh lam thắng cảnh, bởi vẻ đẹp non xanh nước biếc cùng một vùng thạch trận thiên hình, trở thành điểm sinh thái hấp dẫn trong các tour du lịch Bình Định, cuốn hút du khách tới vui chơi, thưởng ngoạn...
Tháp Đôi Quy Nhơn Tháp Đôi Quy Nhơn

Du lịch Bình Định, Quy Nhơn khó mà bỏ qua di tích Tháp Đôi, với cấu trúc khá độc đáo, đặc biệt là kỹ thuật mài dũa, lắp ghép các tảng đá chồng khít lên nhau rất vững chắc. Quanh tường phía ngoài, các góc và trên nóc tháp có nhiều bức phù điêu chạm khắc các hình tượng thần, chim, thú thần theo tín ngưỡng của người Chăm rất sinh động. Tháp Đôi một lớn một nhỏ đứng gần kề nhau như cặp vợ chồng quấn quít...
Suối nước nóng Hội Vân Suối nước nóng Hội Vân

Suối nước nóng Hội Vân phát nguyên từ vùng núi thấp phía bắc huyện Phù Cát, đến thôn Hội Vân thì tụ vào một hồ rộng chừng 400m², sâu hơn 1m. Đáy hồ có mạch nước nóng phun lên ùng ục, tỏa khói nghi ngút. Hồ nằm giữa một thung lũng cát mênh mông, xung quanh có núi non vây bọc. Nơi đây còn khá nguyên sơ, chỉ lác đác vài ba hàng quán dựng lên tạm bợ để phục vụ du khách một số món ngon địa phương, đặc biệt có món gà hấp cát độc đáo, trở thành điểm đến dân dã của du lịch bụi Bình Định ...
Thành Hoàng Đế Thành Hoàng Đế

Thành Hoàng Đế từng là kinh đô của 2 triều đại, trong 2 giai đoạn lịch sử cách nhau hơn 300 năm, và là kinh đô xa nhất của người Việt về phương Nam, thuộc xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá, thị xã An Nhơn. Nơi đây được ví như một quyển sách cổ ghi lại những dòng lịch sử quan trọng, và là điểm tham quan giá trị của Bình Định ...
Tháp Cánh Tiên Tháp Cánh Tiên

Tháp Cánh Tiên còn khá nguyên vẹn, và thuộc nhóm những tháp ít thấy trong lịch sử kiến trúc Chămpa, góp phần làm phong phú thêm cho các điểm du lịch Bình Định. Tháp vươn cao sừng sững, kiến trúc bề thế với những khối hình lớn gây ấn tượng từ xa. Mặc dù chỉ có một tháp đơn lẻ song hình dáng, cấu trúc của tháp Cánh Tiên lại tương đồng với các ngôi tháp vuông nhiều tầng xây bằng gạch vào loại lớn của Chămpa với chiều cao gần 20 mét...
Chùa Thập Tháp Chùa Thập Tháp

Chùa Thập Tháp Di Đà đã trải qua hàng trăm năm tồn tại, là một trong những trung tâm Phật giáo nổi tiếng của ngành du lịch Bình Định và khu vực miền Trung, thuộc địa phận thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Nơi đây được du khách biết đến bởi kiến trúc cổ kính bề thế, cùng những giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc...
Gành Ráng Tiên Sa Ghềnh Ráng Tiên Sa

Ghềnh Ráng Tiên Sa là một quần thể sơn thạch trải dài sát biển, dấu vết tận cùng phía đông của dãy núi Xuân Vân. Đá chồng lên nhau, đuổi theo nhau tạo thành hang, thành gành, thành rạn với nhiều hình thù gợi cảm, chạy sát chân sóng...
Tháp Dương Long Tháp Dương Long

Tháp Dương Long gồm ba tháp Chăm thẳng hàng trên một gò cao, tháp giữa cao 24 mét, hai tháp bên cao 22 mét. Phần thân của các tháp xây bằng gạch, các góc được ghép bởi những tảng đá lớn chạm trổ công phu. Tính quy mô của tháp Dương Long được thể hiện không chỉ ở chiều cao của nó (cao nhất trong các tháp Chăm còn lại ở Việt Nam) mà còn ở lối kiến trúc độc đáo, đặc biệt là các hoa văn, hoạ tiết được khắc tạc trực tiếp trên những tảng đá đồ sộ đặt ngay trên đỉnh tháp.
Tháp Bánh Ít Tháp Bánh Ít

Tháp Bánh Ít còn có tên gọi là tháp Bạc là một cụm các tháp cổ Chăm Pa. Tháp Bánh Ít không chỉ từng ngôi tháp mà còn là các lớp kiến trúc, là cả quả đồi tự nhiên cao gần 100 mét, tạo nên tổng thể kiến trúc khá đồ sộ. Ngôi tháp chính uy nghi; ngôi tháp nam mái cong hình yên ngựa; tháp đông nam với những hình trang trí dưới dạng quả bầu lọ trên các tầng, tạo cho người xem một cảm giác cởi mở; và tòa tháp cổng thì đĩnh đạc trầm tư.
Chùa Long Khánh Chùa Long Khánh

Được xây dựng vào khoảng năm 1715 ở thành phố Quy Nhơn, chùa Long Khánh là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Bình Định, là nơi sinh hoạt tôn giáo của tăng ni phật tử và là điểm tham quan du lịch của du khách gần xa. Hiện nay chùa còn lưu giữ một số đồ vật quý như: Thái Bình Hồng Chung (Khánh đồng) được đúc vào năm 1805 (triều Gia Long), Tấm Biểu Trưng (Long Khánh Tự) được làm vào năm 1813.
Chùa Hang Bình Định Chùa Hang

Chùa Hang Bình Định còn gọi là chùa Thiên Sanh, được xây dựng trong một hang đá tự nhiên giữa lưng chừng núi. Ngay trên vòm cửa là một khối đá khổng lồ tạo thành một mái che tự nhiên vững chắc cho chùa từ thuở khai sơn đến nay. Phía trước cửa hang có đặt tượng Phật Quan âm và bàn thờ các vị chư Phật. Trong lòng hang khá rộng, bàn thờ Phật được đặt trang trọng ở phần giữa hang. Cảm giác lặng người trước không gian thâm nghiêm, huyền bí tràn ngập khói hương trầm.
Bảo tàng Quang Trung Bảo tàng Quang Trung

Bảo tàng Quang Trung và điện thờ Tây Sơn là nơi mà trong cả nước còn lưu giữ khá đầy đủ những di tích hiện vật có liên quan tới phong trào Tây Sơn. Vẫn cảnh sắc quen thuộc của một vùng quê trù phú miền nam trung bộ với con sông Côn chảy giữa những nương dâu, những ngôi nhà thấp thoáng sau những rặng tre, gốc me cổ thụ và giếng nước xưa của gia đình anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ. Chính tại nơi đây đã phát sinh phong trào khởi nghĩa Tây Sơn lừng lẫy.

Du lịch Bình Định ăn gì ?

Du lịch tỉnh Bình Định cũng là dịp để thưởng thức đặc sản Bình Định với món ngon có tiếng như: gié bò Tây Sơn, chim mía Phú Phong, cua huỳnh đế Tam Quan, cá chua Phù Cát, cá bống lại giang, cá ngừ, gỏi cá chình, mực ngào tỏi ớt...

- Bún chả cá Quy Nhơn, bún tôm Châu Trúc, bún riêu cua vị sông Kôn, bún song thằn ... bánh ít lá gai, bánh xèo Mỹ Cang, bánh tráng nước dừa Tam Quan, bánh hỏi lòng heo, nem chả Chợ Huyện ... chả cá Quy Nhơn, tré Bình Định, mắm nhum Mỹ An, rượu Bàu Đá ...

Bình Định còn nổi tiếng với tơ lụa, yến sào, trầm hương, dầu thực vật, gạo, đá ốp lát và hàng thủ công mỹ nghệ.


Du lịch Bình Định mùa nào ?

Khí hậu Bình Định chia hai mùa rõ rệt:

- Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12, thường kèm bão và lũ vào các tháng 9 - 11. Riêng đối với khu vực miền núi của Bình Định có thêm một mùa mưa phụ từ tháng 5 đến tháng 8 do ảnh hưởng của mùa mưa Tây Nguyên.

- Mùa khô kéo dài từ tháng 1 đến tháng 8 hàng năm. Theo kinh nghiệm du lịch Bình Định tự túc thì đây là khoảng thời gian lý tưởng cho chuyến vi vu khám phá, bởi thời tiết lúc này khá ổn định.

Mục lục

Du lịch Bình Định
          - Hầm Hô
          - Tháp đôi Quy Nhơn
          - Suối nước nóng Hội Vân
          - Thành Hoàng Đế
          - Tháp Cánh Tiên
          - Chùa Thập Tháp
          - Khu du lịch Ghềnh Ráng
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang