Địa điểm du lịch

Thành cổ Quảng Trị và những kỷ vật biết nói

01/08/2018 - 958 view
Thành cổ Quảng Trị và những kỷ vật biết nói

Nhiều kỷ vật của những người lính từng vào sinh ra tử trên chiến trường Quảng Trị đã trở về và đang hiện diện giữa đời thực tại Khu di tích Thành cổ Quảng Trị. Mỗi kỷ vật là mỗi câu chuyện của quá khứ, làm lay động lòng người.

Như một lời hẹn ước, cứ vào dịp tháng Bảy hằng năm, rất nhiều du khách từ mọi miền đất nước lại tụ hội về Thành cổ Quảng Trị để dâng hương hoa, kính cẩn nghiêng mình trước các anh hùng liệt sĩ. Thành Cổ là một nghĩa trang độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Khác với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 và rất nhiều nghĩa trang khác, Thành Cổ chỉ có một nấm mồ chung cho những người đã khuất. Cũng vì thế nên khi đến đây, du khách thường chỉ làm nghi lễ dâng hương, dâng hoa tại đài tưởng niệm, rồi sau đó ghé thăm nơi trưng bày những kỷ vật của một thời hoa lửa. Tuy lịch trình tham quan Thành cổ Quảng Trị chỉ đơn giản là vậy nhưng luôn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khách thập phương.

Cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã biến nhiều cuộc đời trở thành ký ức. Trong đống đổ nát của chiến tranh, những kỷ vật của người lính lại trở nên vô cùng quý giá đối với cả dân tộc. Một cuốn sổ tay đã ngả màu, cây súng khắc hai chữ “cảm tử” hay những lá thư viết vội chưa kịp gửi của các chiến sĩ giải phóng quân được tìm thấy ở Thành Cổ sau ngày hòa bình đã mở ra nhiều câu chuyện đầy xúc động, còn mãi với thời gian. Người ta nói rằng, khúc tráng ca Thành Cổ được lưu giữ trong những kỷ vật như thế.

Tại Thành cổ Quảng Trị, một trong những kỷ vật khiến nhiều du khách phải rơi nước mắt chính là lá thư của liệt sĩ Lê Binh Chủng. Vào năm 2000, khi đang làm công trình đường ống dẫn nước ở phía tây Thành Cổ, đơn vị thi công đã phát hiện một hầm chữ A có 5 hài cốt, 4 hài cốt chưa xác định được danh tính, chỉ có một số giấy tờ, 2 lá thư và hai tấm hình còn nguyên vẹn, được gói rất kỹ trong bao ni lông. Đó là di vật của liệt sĩ Lê Binh Chủng, cấp bậc Trung úy, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3, Tỉnh đội Quảng Trị. Năm 1970, trên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu, anh Chủng ghé qua xã Đông Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ở đây, anh có quen và yêu chị Phạm Thị Biển Khơi. Đơn vị đứng ra tổ chức lễ cưới cho anh chị trước khi anh tiếp tục vào chiến trường Quảng Trị, nơi diễn ra cuộc chiến 81 ngày đêm khốc liệt. Ở quê nhà, chị Khơi sinh được một cậu con trai. Những bức thư người vợ viết cho anh Lê Binh Chủng như tiếp lửa cho người lính nơi bom rơi, đạn lạc. “Anh thương yêu! Anh có khỏe không, báo tin cho em và con biết với. Đã lâu rồi không thấy anh biên thư, con đã bỏ bú, đã ăn được cơm cá nên khỏe hơn trước nhiều anh ạ. Máy bay oanh tạc thường xuyên nên lúc nào cũng phải ngủ hầm. Gần đây chúng bắn vào làng và giữa đồng làm một chị bị chết... Biên thư cho anh trong lúc chiến trường Trị Thiên đang thắng to. Tin vui bay về hậu phương làm cho mọi người dân lòng đầy sung sướng. Tự hào thay trong những người chiến thắng đó có anh, người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ...” (Trích lá thư được chị Khơi viết vào ngày 15/5/1972). Sau này, những bức thư, tấm ảnh mà liệt sĩ Lê Binh Chủng trân quý như sinh mệnh của mình đã giúp chị Biển Khơi và người con trai đoàn tụ với gia đình nội. Con trai anh chị được công nhận là con liệt sĩ.

Đến thăm Thành cổ Quảng Trị, nhiều du khách lắng lòng khi nghe dòng nhắn gửi của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Anh Huỳnh là sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Sau khi cưới vợ được 6 ngày, chưa kịp có con, tháng 5/1972 anh đã theo lệnh tổng động viên vào tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Đầu tháng 9/1972, anh nhận nhiệm vụ đưa hàng tiếp tế qua sông Thạch Hãn. Dự cảm sẽ hi sinh, anh đã bình thản làm cho mình một tấm bia bằng tôn ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán... Tiếp đó, anh viết thư vĩnh biệt và gửi về cho gia đình. Sau khi hoàn thành bức thư đúng 3 tháng 20 ngày, ngày 2/1/1973, anh Lê Văn Huỳnh đã anh dũng hi sinh khi đang làm nhiệm vụ. Những dòng thư anh viết rất xúc động, đầy trách nhiệm trước gia đình và Tổ quốc: “Toàn gia đình kính thương! Hôm nay, con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đã đi “nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột... Con rất hiểu đời mẹ đã khổ nhiều, bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh, thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái ra đi. Bố con đã đi xa để lại cho mẹ biết bao khó nhọc, nay con đã đến ngày khôn lớn thì... Thôi nhé mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.

Ngoài hai bức thư, trong khuôn viên nhà bảo tàng Thành cổ Quảng Trị rộng vỏn vẹn 360m2 còn trưng bày hàng trăm kỷ vật khác. Mỗi kỷ vật là một câu chuyện của những người lính đang sống hay đã khuất. Ít ai biết, cách đây tầm 8 năm, khi Trung tâm Bảo tồn Di tích và Danh thắng Quảng Trị tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật, kỷ vật kháng chiến đợt đầu tiên, nhiều cựu chiến binh tham gia chiến đấu trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 đã nhiệt tình ủng hộ. Không chỉ các cựu chiến binh, hay tin, một số thân nhân liệt sĩ, người dân địa phương cũng tìm đến để chia sẻ những kỷ vật ẩn chứa một phần lịch sử. Trao tặng không một điều kiện, ai cũng mong muốn truyền lại thông điệp hòa bình cho thế hệ mai sau. Cứ thế, sau lễ tiếp nhận hiện vật, kỷ vật kháng chiến đợt đầu tiên, Trung tâm Bảo tồn Di tích và Danh thắng Quảng Trị, Ban quản lý Thành cổ Quảng Trị còn đón tiếp nhiều cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, người dân địa phương đến thăm và trao lại những kỷ vật rất giá trị.

Không hề ngẫu nhiên khi ngoài các cựu chiến binh và thân nhân, ngày có càng nhiều bạn trẻ về với Thành cổ. Dẫu bộn bề kế hoạch nhưng họ vẫn dành thời gian để nghe thuyết minh về Thành cổ Quảng Trị, lắng nghe câu chuyện về những kỷ vật của một thời hoa lửa. Nhiều bạn trẻ đã rơi nước mắt khi thấy chiếc ba lô, mũ tai bèo đã sờn bạc cùng đôi dép cao su, bi đông nước và khẩu súng AK trong lòng đài tưởng niệm trung tâm; nghe những dòng thư chứa chan tình cảm gia đình và đầy trách nhiệm với Tổ quốc của liệt sĩ; cảm nhận rõ niềm tin chiến thắng trong bức ảnh người lính Thành Cổ... Từ khói lửa chiến tranh, những kỷ vật đã hiện diện giữa đời thực, thay những người lính từng xông pha trận mạc nói lên bao điều ý nghĩa.

TTXT du lịch Quảng Trị

Mục lục

Du lịch Quảng Trị
          - Bãi biển Cửa Tùng
          - Địa đạo Vịnh Mốc
          - Thành cổ Quảng Trị
          - Cửa khẩu Lao Bảo
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang