Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Quảng Trị hướng tới mũi nhọn kinh tế

10/07/2017 - 1130 view
Du lịch Quảng Trị hướng tới mũi nhọn kinh tế

Tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 10, khóa XVI, các đại biểu đã dành thời gian tập trung thảo luận về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch Quảng Trị được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, du lịch có vị trí hết sức quan trọng, là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa, có tính liên ngành, liên vùng.

Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Quảng Trị, những năm qua công tác quản lý nhà nước về du lịch từng bước được nâng cao; tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách về lưu trú, tham quan, nghỉ dưỡng. Công tác nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, danh thắng được chú trọng. Tỉnh đã phối hợp với các địa phương khác trong vùng, trên Hành lang kinh tế Đông Tây tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động xúc tiến, quảng bá về du lịch. Tiếp tục định hình và nâng cao chất lượng các sản phẩm mang du lịch đặc trưng của tỉnh như du lịch lịch sử cách mạng, du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, biển, đảo, mua sắm, từng bước hình thành một số tuyến, địa bàn, khu du lịch Quảng Trị trọng điểm.

Theo đó, kết quả kinh doanh du lịch có sự tăng trưởng khá. Giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng lượng khách đạt 18,6%/năm. Năm 2016, lượng khách đi du lịch Quảng Trị đạt trên 1,1 triệu lượt khách, gấp 2,2 lần so với năm 2011, trong đó lượng khách quốc tế chiếm khoảng 15%. Tổng doanh thu du lịch tăng qua các năm, tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%/năm, giá trị gia tăng ngành du lịch chiếm 4,7% GRDP. Ngành du lịch đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế; đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, khẳng định vị trí bản đồ du lịch Quảng Trị trong vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và cả nước.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, còn nhiều dư địa phát triển chưa được khai thác hiệu quả. Một số quy hoạch, định hướng phát triển du lịch thiếu tầm nhìn dài hạn. Công tác xây dựng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch còn chậm, quản lý quy hoạch còn hạn chế. Chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các dự án quy mô lớn có vai trò dẫn dắt, tạo động lực phát triển. Một số di tích văn hóa, lịch sử tuy được quan tâm tu bổ, nâng cấp nhưng còn thiếu đồng bộ, chưa tương xứng với tầm vóc lịch sử. Còn thiếu các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, có sức hấp dẫn, giữ chân khách; chất lượng dịch vụ, kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch, chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác thu hút đầu tư, quảng bá, xúc tiến, khai thác cổng thông tin du lịch Quảng Trị hiệu quả chưa cao. Các công ty du lịch Quảng Trị, hoạt động lữ hành có quy mô nhỏ, còn hạn chế trong xây dựng các tour đưa khách đến địa phương, đa số là các tour du lịch Quảng Trị 1 ngày, ngắn ngày, thiếu chương trình dài ngày. Sự cố ô nhiễm môi trường biển năm 2016 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch nói chung, du lịch biển Quảng Trị nói riêng...

Để đẩy mạnh phát triển du lịch, mục tiêu chung được đề ra là phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiếm tỉ trọng 7-8% tổng GRDP của tỉnh; đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỉ trọng trên 10% tổng GRDP; góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo bước đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Xây dựng thương hiệu địa danh du lịch Quảng Trị là: “Ký ức chiến tranh, khát vọng hòa bình”, “Hành lang kinh tế Đông - Tây và Con đường di sản”. Nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện là đổi mới, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. Xây dựng và bổ sung, điều chỉnh quy hoạch ngành. Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, trong đó coi trọng cơ cấu thị trường khách du lịch và sản phẩm du lịch. Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch. Phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch.

Tiếp tục xúc tiến quảng bá du lịch, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; tạo sự liên kết vùng trong phát triển du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó tập trung thu hút đầu tư và tiếp tục đầu tư cho hạ tầng du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Huy động nguồn lực xã hội kết hợp với đầu tư công để xây dựng một vài khu du lịch Quảng Trị có quy mô trong tương lai, đặc biệt là phát triển tam giác du lịch Cồn Cỏ - Cửa Tùng - Cửa Việt gắn với khai thác di tích lịch sử đặc biệt quốc gia địa đạo Vịnh Mốc (đang được lập hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thế giới). Có kế hoạch đào tạo kỹ năng quản trị, điều hành du lịch theo hướng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nhất là kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên ở các khu du lịch, điểm du lịch, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Chú trọng xây dựng thương hiệu du lịch, tăng khả năng cạnh tranh; coi trọng cả phát triển du lịch nội địa và du lịch quốc tế.

Phát triển du lịch Quảng Trị phải gắn với việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người và mảnh đất Quảng Trị, đảm bảo sự phát triển bền vững.

TTXT du lịch Quảng Trị

Mục lục

Du lịch Quảng Trị
          - Bãi biển Cửa Tùng
          - Địa đạo Vịnh Mốc
          - Thành cổ Quảng Trị
          - Cửa khẩu Lao Bảo