Địa điểm du lịch

Địa đạo Vịnh Mốc, hồi ức tết xưa

17/02/2018 - 788 view
Địa đạo Vịnh Mốc, hồi ức tết xưa

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù bom gào đạn rú, dù khổ cực trăm bề nhưng mỗi độ xuân về, quân và dân sống trong lòng địa đạo Vịnh Mốc Quảng Trị vẫn quây quần bên nhau đón tết. Ở độ sâu âm gần 20 mét so với mặt đất, lại ẩm thấp, ngột ngạt, thiếu thốn trăm bề nhưng hào khí dân tộc, khát vọng hòa bình và ý thức về cái Tết cổ truyền của dân tộc luôn rực cháy trong tim mỗi người...

Địa đạo Vịnh Mốc có hệ thống đường hầm trục chính dài 1.060m, có 13 cửa, 7 cửa thông ra biển và 6 cửa thông lên đồi. Hai bên trục đường hầm cứ cách 3 - 5 m lại có những ô được khoét sâu vào làm căn hộ cho các gia đình. Cấu trúc của địa đạo chia làm 3 tầng, tầng thứ nhất có độ sâu cách mặt đất từ 12 - 15 m, là nơi chiến đấu và trú ẩn tạm thời; tầng thứ hai sâu 18 m là nơi sống và sinh hoạt của nhân dân, đóng trụ sở của Đảng ủy, UBND và Bộ Chỉ huy quân sự; tầng ba sâu 22 m, dùng làm kho chứa hậu cần cung cấp cho đảo Cồn Cỏ và phục vụ chiến đấu của quân dân Vịnh Mốc. Trong mỗi tầng của địa đạo có rất nhiều nhánh đường hầm rẽ ngang dọc, chạy zích zắc, ngoằn ngoèo nhưng được nối thông nhau một cách liên hoàn. Làng địa đạo Vịnh Mốc có đầy đủ những công trình thiết yếu được bố trí hợp lý như giếng nước, bếp Hoàng Cầm, nhà vệ sinh, nhà trẻ, trạm gác, trạm phẫu thuật, hội trường hội họp và biểu diễn văn nghệ... để tổ chức cuộc sống trong thời gian dài.

Thế hệ những người từng sinh sống, chiến đấu ở dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc như ông Hồ Văn Triêm, Hoàng Phụ, Hồ Văn Tân, Hồ Hữu Cõng, Nguyễn Tri Phương; các bà Nguyễn Thị Lựu, Ngô Thị Nuôi, Nguyễn Thị Lan... đều đã già. Thế nhưng trong họ luôn tràn đầy khí thế về một thời oanh liệt, hào hùng và lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về những cái tết trong lòng địa đạo. Ông Hồ Văn Triêm, ở thôn Vịnh Mốc kể lại: “Thời ấy, những ngày giáp tết cổ truyền, hễ nghe thấy tiếng bom B52 ném hay tàu hạm đội bắn pháo trượt mục tiêu, rơi xuống biển gần bờ là trong lòng quân và dân sống trong hầm địa đạo Vịnh Mốc niềm vui lại nhân đôi. Vui bởi tránh khỏi tang thương, mất mát và vui vì có cá để cải thiện bữa ăn. Sau những trận bom, cá biển chết nổi trắng mặt nước và các chiến sĩ ta men theo bờ biển nhặt cá về làm thức ăn. Mọi người dí dỏm gọi cá biển bị chết bởi bom B52, pháo hạm đội là “cá B52” và “cá hạm đội”. Cá nhặt được thường chia đều cho các bếp và mấy ngày tết hầu như bếp ăn nào cũng “thịnh soạn” hơn bởi rau, cá, cơm đầy đủ”. Để nấu cơm, quân và dân sống trong hầm địa đạo dùng mũ cối sắt, cối đá xót thóc thành gạo và chọn ra những mẻ gạo ngon nhất dành cho dịp xuân về.

Những ngày gần tết, những người được cắt cử đi làm nhiệm vụ luôn tranh thủ hái cho bằng được bó chè xanh để đón xuân sang. Và trong những đêm xuân, ở độ sâu gần 20 mét dưới lòng đất, những bát nước chè xanh với những lá chè còn vương mùi đạn bom được nấu bằng thứ nước giếng đào ngay dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc trở nên đậm đà khó tả..

Đón xuân về không thể thiếu lời ca, tiếng hát nên trước Tết cổ truyền vài tuần, các tổ, đội văn nghệ dưới lòng địa đạo bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chiến đấu sẽ tích cực tập luyện, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ đặc sắc để phục vụ quân và dân. Ngày đó, quân và dân dưới hầm địa đạo Vịnh Mốc luôn chọn phòng hội trường (có sức chứa khoảng 50 - 60 người) để tổ chức vui xuân, đón tết. Dẫu ở độ sâu gần 20 mét gây ngột ngạt, khó thở hơn trên mặt đất và chỉ với ấm chè xanh, đôi ba cái kẹo và những câu hát, điệu hò nhưng Tết cổ truyền vẫn diễn ra trong không khí ấm áp và thắm tình đoàn kết. Quân dân quây quần bên nhau, vừa chắc tay súng vừa cất cao câu hát giọng hò. Dẫu ngoài kia tiếng súng rền vang nhưng dưới hầm địa đạo Vịnh Mốc xuân về rất ấm áp, bình yên.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, những cán bộ, chiến sĩ từng đón tết trong lòng địa đạo năm xưa giờ người còn người mất. Những người còn sống cũng đã bước qua cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng mỗi độ tết đến xuân về, họ lại tìm đến với nhau để ôn lại những kỷ niệm của một thời oanh liệt. Họ cùng nhau đến thăm địa đạo Vịnh Mốc, tựa lưng vào những ô cửa thông hơi và kể cho nhau về những con “cá B52”, “cá hạm đội” trong bữa ăn đón tết năm nào!

TTXT du lịch Quảng Trị

Mục lục

Du lịch Quảng Trị
          - Bãi biển Cửa Tùng
          - Địa đạo Vịnh Mốc
          - Thành cổ Quảng Trị
          - Cửa khẩu Lao Bảo
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang