Địa điểm du lịch

Lăng Tự Đức - Huế

Lăng Tự Đức

Lăng Tự Đức (thành phố Huế) có phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn. Lăng được xây dựng trong bối cảnh lịch sử khó khăn của đất nước và của chính bản thân nhà vua.

- Trong số các vị vua thời nhà Nguyễn, vua Tự Đức được đánh giá là người uyên thâm nhất về nền học vấn Ðông Phương, nhất là Nho học. Ông giỏi về cả sử học, triết học, văn học nghệ thuật và đặc biệt là rất sính thơ. Vua đã để lại 600 bài văn, 4.000 bài thơ văn chữ Hán và khoảng 100 bài thơ chữ Nôm, biểu lộ tư chất nghệ thuật và sự đa cảm. Điều đó cũng thể hiện rõ trên kiến trúc của lăng Tự Đức (Khiêm lăng).


Đôi nét lịch sử Lăng Tự Đức

- Năm 1864, khi mới khởi công xây dựng lăng, vua Tự Đức đã lấy tên Vạn Niên Cơ đặt tên cho công trình, với ước vọng được trường tồn. Tuy nhiên, do việc sưu dịch xây lăng quá cực khổ, nhiều người oán giận. Tương truyền, dân thán: “Vạn Niên là Vạn Niên nào/ Thành xây xương lính, hào đào máu dân”.

- Năm 1866 tức năm Tự Đức thứ 19, cuộc nổi loạn Chày Vôi bắt đầu. Nhân sự bất mãn của những người đang uất hận vì bị bắt lao dịch khắc nghiệt để xây dựng Vạn Niên Cơ, Đoàn Hữu Trưng (cháu ruột Tự Đức) cùng với các em đã phát động khởi nghĩa, nhưng chỉ với võ khí thô sơ (chày vôi - một dụng cụ lao động) nên cuộc đảo chính nhanh chóng thất bại. Sau đó, vua Tự Đức phải đổi tên Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung, và viết bài biểu trần tình để tạ tội.

- Năm 1873, Khiêm Cung hoàn thành. Sau khi vua băng hà, gọi là Khiêm Lăng. Nay thường gọi lăng Tự Đức.


Giá trị kiến trúc Lăng Tự Đức

Trong vòng La thành rộng khoảng 12 hécta, toàn cảnh lăng Tự Đức có gần 50 công trình kiến trúc bề thế được dàn trải thành cụm trên những thế đất phức tạp, cao thấp hơn nhau gần 10m. Nhưng các hệ thống bậc cấp được lát đá thanh, các lối đi quanh co lát gạch bát tràng, đã nối tất cả các công trình lại thành một thể thống nhất, tương quan, gần gũi. Và tất cả công trình đều có chữ Khiêm trong tên gọi.

- Qua khỏi Khiêm Cung Môn (cửa tam quan hai tầng dựng trên một thế đất cao) của lăng Tự Đức, là hệ thống cung điện gồm vài chục tòa nhà lớn nhỏ được dành cho vua ở lại nghỉ ngơi, giải trí. Chính giữa là điện Hòa Khiêm, nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu, hiện còn lưu giữ nhiều đồ ngự dụng và các tác phẩm mỹ thuật đương thời. Đặc biệt, nơi đây còn có Minh Khiêm Ðường với giá trị nghệ thuật trang trí đặc sắc, được xem là một trong những nhà hát cổ nhất Việt Nam. Tạo thế đối với Khiêm Cung Môn là hồ Lưu Khiêm, giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm với những mảng hoa cỏ, bên bờ hồ có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ là 2 công trình thủy tạ, nơi nhà vua ngắm hoa, làm thơ, đọc sách...

- Nếu kiến trúc ở Khiêm Cung đều làm bằng gỗ thì các công trình ở khu vực lăng mộ đều được xây bằng gạch, đá. Nổi bật là tấm bia lăng Tự Đức bằng đá lớn nhất Việt Nam, cao 5m, nặng tới 22 tấn, được bảo vệ bằng một tòa nhà đồ sộ kiên cố (Bi đình) với cột to và vách dày. Bệ bia được tạo từ một phiến đá thanh nguyên khối với dáng chân quỳ và được chạm trổ công phu các đồ án rồng mây, mặt hổ phù và hồi văn chữ S gấp khúc. Trên bia có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do chính nhà vua biên soạn, là một bản tự thuật về cuộc đời, vương nghiệp cũng như kể công và nhận tội của vua Tự Đức trước lịch sử. Đặc biệt, bia Khiêm Cung Ký đã được công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2015.

- Trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm, là Bửu Thành xây bằng gạch, chính giữa có ngôi nhà nhỏ xây bằng đá thanh, là nơi vua yên nghỉ. Bửu thành được bao phủ bởi một rừng thông xanh ngát bốn mùa. Ngoài ra, hệ thống tháo thoát nước trong toàn lăng tẩm cũng được thiết kế, xây dựng ở trình độ cao và lưu thông rất tốt.

Nhìn chung, mỗi công trình kiến trúc trong lăng Tự Đức đều mang một đường nét khác nhau về nghệ thuật tạo hình, không trùng lặp và rất sinh động. Cách phân bố các khu vực và bố cục các công trình kiến trúc cũng phá bỏ thông lệ đối xứng thường thấy ở một số lăng khác. Khách đến tham quan lăng Tự Đức còn thấy các đường nét kiến trúc phóng khoáng, hài hòa với thiên nhiên, gợi nhiều cảm xúc thẩm mỹ và phản ánh được tâm hồn của một ông vua thi sĩ.
Lăng Tự Đức Huế với cảnh trí hữu tình
Lăng Tự Đức Huế với cảnh trí hữu tình
Lăng Tự Đức Huế đón du khách đến tham quan
Lăng Tự Đức Huế đón du khách đến tham quan
Lăng Tự Đức Huế - nhà bia Khiêm Cung Ký
Lăng Tự Đức Huế - nhà bia Khiêm Cung Ký

Mục lục

Du lịch Huế
   (I) Quần thể di tích Cố đô Huế
         (1) Kinh thành Huế
                  - Đại Nội Huế
                  - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế
                  - Quốc Tử Giám Huế
         (2) Lăng tẩm Huế
                  - Lăng Gia Long
                  - Lăng Minh Mạng
                  - Lăng Thiệu Trị
                  - Lăng Tự Đức
                  - Lăng Khải Định
         (3) Di tích khác
                  - Cung An Định
                  - Chùa Thiên Mụ
                  - Đàn Nam Giao
                  - Điện Hòn Chén
   (II) Quanh Huế
            - Chợ Đông Ba
            - Cầu Trường Tiền
            - Bãi biển Thuận An
            - Phá Tam Giang
            - Bãi biển Lăng Cô
            - Vườn quốc gia Bạch Mã
            - Làng cổ Phước Tích
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang