Địa điểm du lịch
Hue

Lăng Tự Đức, bia Khiêm Cung Ký là bảo vật quốc gia

22/05/2016 - 5675 view
Lăng Tự Đức, bia Khiêm Cung Ký là bảo vật quốc gia

Bia Khiêm Cung Ký thuộc khu di tích lăng Tự Đức, một quần thể các công trình kiến trúc nằm trong một thung lũng hẹp ở làng Dương Xuân Thượng, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Cùng với Bộ sưu tập Vạc đồng thời chúa Nguyễn và 3 hiện vật khác, Bia Khiêm Cung Ký đã được công nhận là Bảo vật quốc gia trong đợt 4.

Bia Khiêm Cung Ký ở lăng Tự Đức được đặt trong nhà bia, xây bằng gạch cao, có mái được đỡ bằng 4 cột gạch to. Bia được thiết kế theo phong cách đặc trưng của bia ký thời Nguyễn và được đặt trên bệ bia cao 100 cm, rộng 309 cm và dầy 162,5 cm. Bệ bia được tạo từ một phiến đá Thanh Hóa nguyên khối với dáng chân quỳ và được chạm trổ công phu. Mặt ngoài bệ bia chạm nổi và chạm lộng các đồ án rồng mây, mặt hổ phù và hồi văn chữ S gấp khúc.

Theo ước tính thì Bảo vật Quốc gia Bia Khiêm Cung Ký ở lăng Tự Đức có trọng lượng lên tới 22 tấn, chiều cao 407 cm, rộng 259 cm. Trong đó, trán bia cao 97 cm, rộng 287,5 cm, tai bia mỗi bên rộng 22 cm, chỗ dầy nhất đạt 48 cm. Bia được khắc cả hai mặt, mặt trước được khắc theo thể chữ khải gồm 2.319 chữ và mặt sau khắc theo thế chữ hành gồm 2.537 chữ. Trên thân bia được khắc 4.854 chữ; trong đó bài Khiêm Cung Ký được xem là một bản “tự kiểm điểm” trước lịch sử của vua Tự Đức bởi nhà vua đã tự nhận rất nhiều lỗi lầm, khuyết điểm của bản thân.

Khác với văn bia của Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị là những văn bia của do vua con soạn, thường có nội dung ca ngợi tính tình, đức độ và công nghiệp của vua cha. Khiêm Cung Ký do chính vua Tự Đức tự soạn khi còn sống. Bài Khiêm Cung Ký gồm 5 đoạn đề cập đến công việc dựng lăng Tự Đức, mô tả cảnh quan trong lăng, nỗi lòng của nhà vua đối với đất nước và việc riêng tư của nhà vua. Phần một nhà vua viết về giai đoạn ấu thơ của mình. Phần hai viết về giai đoạn vua gánh vác việc nước. Phần ba mô tả đôi nét về Khiêm lăng (lăng Tự Đức) và các công trình trong lăng cùng công dụng hiện tại và về sau của các công trình ấy. Phần bốn trình bày tâm tư cùng những mong ước bình dị của nhà vua. Và phần năm là phần nhà vua nêu rõ nội dung của bài Khiêm Cung Ký - bài văn bày tỏ tấm lòng, ghi về những điều đã làm, những lỗi lầm và những lời trần tình của vua.

Theo tài liệu lịch sử ghi lại, năm 1871, vua Tự Đức đã soạn bài văn bia này nhưng mãi đến năm 1875 mới tự chép mẫu và cho cho thợ khắc vào bia đá ở lăng Tự Đức. Tuy có nhiều vợ nhưng vua Tự Đức lại không có con nối dõi vì vậy đã viết bài văn bia này thay cho “Thành đức thần công” như thường thấy ở các lăng khác.

Lúc mới xây dựng, lăng được đặt tên là Vạn Niên Cơ, sau được đổi thành Khiêm Cung rồi tới khi vua Tự Đức băng hà thì được đổi thành Khiêm Lăng. Toàn cảnh lăng Tự Đức sơn thủy hữu tình và được đánh giá là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hoàng gia nhà Nguyễn. Bia Khiêm Cung Ký ở lăng Tự Đức được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính Phủ.

TTXT du lịch Huế

Mục lục

Du lịch Huế
   (I) Quần thể di tích Cố đô Huế
         (1) Kinh thành Huế
                  - Đại Nội Huế
                  - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế
                  - Quốc Tử Giám Huế
         (2) Lăng tẩm Huế
                  - Lăng Gia Long
                  - Lăng Minh Mạng
                  - Lăng Thiệu Trị
                  - Lăng Tự Đức
                  - Lăng Khải Định
         (3) Di tích khác
                  - Cung An Định
                  - Chùa Thiên Mụ
                  - Đàn Nam Giao
                  - Điện Hòn Chén
   (II) Quanh Huế
            - Chợ Đông Ba
            - Cầu Trường Tiền
            - Bãi biển Thuận An
            - Phá Tam Giang
            - Bãi biển Lăng Cô
            - Vườn quốc gia Bạch Mã
            - Làng cổ Phước Tích
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang