Địa điểm du lịch

Cung An Định - Huế

Cung An Định

Cung An Định là một công trình kiến trúc bề thế, tọa lạc bên bờ sông An Cựu, thuộc Quần thể di tích cố đô Huế. Cung điện này được xem là một đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn tân cổ điển.


Đôi nét lịch sử Cung An Định

Trước kia, nơi đây có tên là Phủ Phụng Hóa, được vua Đồng Khánh (1886 - 1889) cho xây dựng vào đầu thế kỷ 20 để làm quà cho hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo. Năm 1917, hoàng tử sau khi lên ngôi vua lấy niên hiệu Khải Định (1916 - 1925) đã cho xây dựng lại phủ. Đến năm 1919 thì hoàn thành và đổi tên thành biệt cung An Định.

- Năm 1922, theo ý nguyện vua Khải Định, Cung được ban cho Hoàng tử Vĩnh Thụy, sau này là vua Bảo Đại.

- Sau cách mạng tháng Tám 1945, gia đình cựu hoàng Bảo Đại đã chuyển từ hoàng cung qua sống tại Cung.

- Sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tịch thu Cung, trưng dụng làm nơi ở cho một số công chức.

- Sau năm 1975, Cung đã được bàn giao lại cho chính quyền cách mạng.

- Về sau, di tích cung An Định được trùng tu và mở cửa cho du khách tham quan.
   

Giá trị kiến trúc Cung An Định

Cung quay mặt về phía sông An Cựu, nằm trên địa thế bằng phẳng, có tổng diện tích mặt bằng 23.463m², xung quanh có khuôn viên tường gạch kiên cố, dày 0.5m, cao 1.8m, trên có hàng rào song sắt.

Khi còn nguyên vẹn, Cung có khoảng 10 công trình: bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, hai dãy nhà ngang, chuồng thú, vườn hoa, hồ nước, cổng hậu. Trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, đến nay chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là: cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường:

- Cổng cung An Định được xây theo lối tam quan, gồm hai tầng. Đỉnh mái tầng trên gắn biểu tượng một viên trân châu lớn. Toàn bộ cổng được đắp nổi sành sứ, thủy tinh với các đề tài trang trí truyền thống Việt Nam. Đặc biệt, dòng chữ Hán ghi tên cung và các câu đối ở cổng đều được ghép bằng các mảnh sứ màu rất độc đáo.

- Đình Trung Lập với kết cấu hình bát giác, mái có 2 lớp theo dạng cổ lầu. Lớp mái dưới có 8 cạnh, lớp trên 4 cạnh. 12 bờ quyết của mái đắp nổi 12 con rồng, trên nóc chắp thiên hồ. Ở các góc đình có đặt tượng bát tiên với tạo hình rất sinh động. Trước đây, trong đình có đặt bức tượng đồng vua Khải Định đúc năm 1920, tỉ lệ như người thật. Nhưng đến năm 1960, bức tượng đã được chuyển vào lăng Khải Định.

- Lầu Khải Tường là công trình chính của Cung với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn phương Tây, nằm trên diện tích gần 750m². Toàn bộ mặt trước của tòa nhà được trang trí công phu, tỉ mỉ các mô típ kiến trúc Roman cận đại (bắc đẩu bội tinh, thiên thần...) xen lẫn các đề tài trang trí phương Đông truyền thống (rồng, phượng, bát bửu, hoa văn cách điệu...). Lầu Khải Tường bao gồm 3 tầng: tầng 1 có 7 phòng, trong đó nổi bật nhất là phòng khách với bộ 6 bức tranh sơn dầu được vẽ trực tiếp lên tường mô tả các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh và Khải Định; tầng 2 có 8 phòng, là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi; tầng 3 có 3 phòng lớn và 4 phòng nhỏ được dùng làm nơi thờ tự.

Có thể nói, cung điện này là sự kết hợp tài tình giữa các đề tài trang trí truyền thống Việt Nam với đề tài trang trí châu Âu, tạo nên bức tranh kiến trúc ấn tượng. Và tham quan cung An Định đã trở thành hoạt động hấp dẫn khách du lịch.


* Địa chỉ cung An Định ở đâu : số 97 đường Phan Đình Phùng, thành phố Huế.
Cung An Định Huế với nghệ thuật tranh tường
Cung An Định Huế với nghệ thuật tranh tường
Cung An Định Huế với nội thất sang trọng
Cung An Định Huế với nội thất sang trọng
Cung An Định Huế đón khách tham quan
Cung An Định Huế đón khách tham quan

Mục lục

Du lịch Huế
   (I) Quần thể di tích Cố đô Huế
         (1) Kinh thành Huế
                  - Đại Nội Huế
                  - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế
                  - Quốc Tử Giám Huế
         (2) Lăng tẩm Huế
                  - Lăng Gia Long
                  - Lăng Minh Mạng
                  - Lăng Thiệu Trị
                  - Lăng Tự Đức
                  - Lăng Khải Định
         (3) Di tích khác
                  - Cung An Định
                  - Chùa Thiên Mụ
                  - Đàn Nam Giao
                  - Điện Hòn Chén
   (II) Quanh Huế
            - Chợ Đông Ba
            - Cầu Trường Tiền
            - Bãi biển Thuận An
            - Phá Tam Giang
            - Bãi biển Lăng Cô
            - Vườn quốc gia Bạch Mã
            - Làng cổ Phước Tích
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang