Địa điểm du lịch

Trường Quốc Tử Giám của kinh đô Huế xưa

Quốc Tử Giám Huế

Quốc Tử Giám (địa chỉ - số 1 đường 23 tháng 8, nằm trong khuôn viên Kinh Thành Huế) là trường đại học tại Kinh đô Huế xưa, nay là Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế. Đây là di tích trường đại học thời phong kiến duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam.

Trường Quốc Tử Giám được thành lập lần đầu tiên từ năm 1076, dưới thời Lý, vị trí ở kinh đô Thăng Long, trong khuôn viên Văn Miếu Hà Nội ngày nay. Đến đầu triều Nguyễn, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đã quyết định xây dựng kinh đô tại Huế.

Tháng 8 năm 1803, một trường học mang tính quốc gia đã được thành lập tại đây với tên gọi là Đốc Học Đường (hay Quốc Học Đường). Lúc này, quy mô kiến trúc của trường còn nhỏ, chỉ gồm một tòa chính ở giữa và hai dãy nhà hai bên, dùng làm chỗ để quan Chánh, Phó Đốc Học giảng dạy.

Tháng 3 năm 1820, vua Minh Mạng đổi tên thành Quốc Tử Giám. Tên này tồn tại mãi đến năm 1945, sau đó trường Quốc Tử Giám chấm dứt vai trò của mình cùng với sự sụp đổ của vương triều Nguyễn. Năm 1821, vua cho mở rộng quy mô trường, dựng Di Luân Đường, một tòa giảng đường và hai dãy nhà học, mỗi dãy 19 phòng học.

Đến đầu thời vua Tự Đức, Quốc Tử Giám đã khá bề thế nhưng trường vẫn tiếp tục được mở mang, xây cất. Năm 1848, xây thêm một tòa nhà 9 gian, xung quanh có tường gạch bao bọc và hai dãy cư xá, mỗi bên 2 gian cho sinh viên. Lúc bấy giờ, cả nước chỉ có một trường đại học ở Kinh thành nên sinh viên qui tụ về đây rất đông.

- Năm 1854, trong một lần tới thăm Quốc Tử Giám, vua Tự Đức đã làm một bài thơ và một bài văn gồm 14 chương để răn dạy và khuyến khích sinh viên học hành. Toàn bộ văn thơ đã được khắc vào một tấm bia đá thanh lớn, dựng trước sân trường.

Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, quy mô Quốc Tử Giám đã trở nên rộng lớn với nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ. Trong đó, Di Luân Đường, Tân Thơ Viện và tòa nhà dành cho vị Tế Tửu (hiệu trưởng) ở là những công trình kiến trúc gỗ theo phong cách truyền thống có giá trị nghệ thuật cao.  

Năm 1923, Tân Thơ Viện trở thành Bảo Tàng Khải Định (Musée Khải Định) nên trường Quốc Tử Giám phải lập một thư viện mới mang tên Thư Viện Bảo Đại ở phía sau Di Luân Đường. Từ đó đến tháng 8 năm 1945, kiến trúc của trường hầu như không thay đổi.

Quốc Tử Giám đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo những nhân tài cho đất nước. Trong số hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn, có không ít vị đã từng dùi mài kinh sử tại ngôi trường này. Đây còn là một di tích lịch sử - văn hóa rất có giá trị. Ngày 11 tháng 12 năm 1993, Quốc Tử Giám cùng với hệ thống di tích cung đình Nguyễn đã được ghi tên vào danh mục Di sản văn hóa thế giới.

Mục lục

Du lịch Huế
   (I) Quần thể di tích Cố đô Huế
         (1) Kinh thành Huế
                  - Đại Nội Huế
                  - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế
                  - Quốc Tử Giám Huế
         (2) Lăng tẩm Huế
                  - Lăng Gia Long
                  - Lăng Minh Mạng
                  - Lăng Thiệu Trị
                  - Lăng Tự Đức
                  - Lăng Khải Định
         (3) Di tích khác
                  - Cung An Định
                  - Chùa Thiên Mụ
                  - Đàn Nam Giao
                  - Điện Hòn Chén
   (II) Quanh Huế
            - Chợ Đông Ba
            - Cầu Trường Tiền
            - Bãi biển Thuận An
            - Phá Tam Giang
            - Bãi biển Lăng Cô
            - Vườn quốc gia Bạch Mã
            - Làng cổ Phước Tích
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang