Địa điểm du lịch

Làng cổ Phước Tích - Huế

Làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích ở Huế, nằm nép mình bên dòng sông Ô Lâu hiền hòa, có sức hấp dẫn đặc biệt bởi vẻ đẹp yên bình, cổ kính của những ngôi nhà rường đã trên 500 tuổi, cùng nghề làm gốm truyền thống đã gắn bó lâu đời với mảnh đất này. Đây còn là ngôi làng cổ thứ 2 của Việt Nam được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.


Giới thiệu về Làng cổ Phước Tích

Theo lịch sử, làng cổ Phước Tích được khởi dựng từ khoảng những năm 1470, dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đầu làng là cây thị đã hơn 500 tuổi, và miếu thờ Khổng Tử. Cuối làng có miếu Đôi thờ người khai canh Hoàng Minh Hùng được phong làm Thần Hoàng của làng, và thờ ông tổ khai sinh nghề gốm.

Làng còn giữ được nguyên vẹn 27 ngôi nhà cổ và 10 đền thờ cổ của dòng họ, thuộc kiểu nhà rường ba gian hai chái, mang dáng dấp và đặc điểm của vùng Bắc Trung bộ thuở xưa. Những ngôi nhà được tổ chức, sắp đặt có nền nếp giữa không gian đường làng, ngõ xóm thân thương.

- Mỗi nhà đều có khu vườn rộng chừng 1.000 - 1.500m2, trồng các loại cây ăn trái theo mùa. Bao quanh ngôi nhà và lối vào, đều có hàng rào trồng chè, cắt tỉa thẳng tắp. Bên trong nhà được trang trí bằng những đường nét chạm khắc tinh xảo, bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng mộc Mỹ Xuyên.

Huế vốn có nhiều nơi rất nổi tiếng về nhà rường như Phú Mộng - Kim Long, Nguyệt Biều, Lại Thế... nhưng chỉ ở Phước Tích mới có hệ thống nhà rường cổ dày đặc và gần nguyên trạng như thế. Hiện có 12 nhà rường tại làng được xếp vào danh sách các công trình có giá trị văn hóa đặc biệt.

Không chỉ là nhà rường, ở Làng cổ Phước Tích Thừa Thiên Huế vẫn còn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa khác của người xưa như dấu tích của nền văn hóa Chăm cổ, những thiết chế tổ chức làng Việt, hệ thống các công trình tôn giáo, tín ngưỡng... phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng của làng.


Nghề gốm ở Làng cổ Phước Tích

Nơi đây nổi danh với nghề làm gốm truyền thống. Thời trước, cả làng có 12 lò suốt ngày đêm đỏ lửa nung, cho ra những sản phẩm gốm bền bỉ và bắt mắt. Sau đó được vận chuyển bằng thuyền từ bến sông Ô Lâu đưa đi bán ở các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi... và lan tỏa khắp cả nước.

- Đặc biệt, làng gốm cổ Phước Tích là nơi sản xuất những chiếc om nấu cơm cho vua ngày xưa (Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/ Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân). Những kiểu sản phẩm gốm thời xưa vẫn được nhiều người già trong làng lưu lại như trách, chậu, om, niêu, âm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè...

Suốt mấy trăm năm tồn tại, nghề gốm đã gắn kết chặt chẽ với cư dân trong làng và trở thành thương hiệu vang tiếng. Nhưng khoảng 1989, nghề gốm ở làng Phước Tích bắt đầu xuống dốc, và đến 1995 thì lò gốm cuối cùng cũng tắt lửa.

Những năm gầy đây, trong các kỳ Festival Huế, được giới thiệu thông qua các hoạt động triển lãm gốm truyền thống và lễ hội “Hương xưa làng cổ Phước Tích”, nơi đây đã thu hút sự chú ý của đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Nhờ đó, sau hai mươi năm tắt lửa lụi nghề, ngày nay nghề gốm Phước tích đã được hồi sinh.


Hiện du lịch làng cổ Phước Tích đã trở thành tiêu biểu trong các làng cổ ở Huế, với những chuyến tham quan nhà rường, thưởng thức các món ngon dân dã địa phương, thăm các di tích văn hóa lịch sử như Lò Gốm cổ, di tích văn hóa Chăm, hay du lịch Homestay, đi thuyền trên sông... đang hút du khách về thăm làng cổ Phước Tích.
Làng cổ Phước Tích - mái đình xưa
Làng cổ Phước Tích - mái đình xưa
Làng cổ Phước Tích - nhà rường
Làng cổ Phước Tích - nhà rường
Tham quan Làng cổ Phước Tích và xem làm gốm
Tham quan Làng cổ Phước Tích và xem làm gốm

Mục lục

Du lịch Huế
   (I) Quần thể di tích Cố đô Huế
         (1) Kinh thành Huế
                  - Đại Nội Huế
                  - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế
                  - Quốc Tử Giám Huế
         (2) Lăng tẩm Huế
                  - Lăng Gia Long
                  - Lăng Minh Mạng
                  - Lăng Thiệu Trị
                  - Lăng Tự Đức
                  - Lăng Khải Định
         (3) Di tích khác
                  - Cung An Định
                  - Chùa Thiên Mụ
                  - Đàn Nam Giao
                  - Điện Hòn Chén
   (II) Quanh Huế
            - Chợ Đông Ba
            - Cầu Trường Tiền
            - Bãi biển Thuận An
            - Phá Tam Giang
            - Bãi biển Lăng Cô
            - Vườn quốc gia Bạch Mã
            - Làng cổ Phước Tích
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang