Địa điểm du lịch

Điện Hòn Chén - Huế

Điện Hòn Chén

Thuộc quần thể di tích cố đô Huế, điện Hòn Chén không chỉ là một di tích lịch sử và tôn giáo mà còn là một thắng cảnh, một điểm tham quan văn hóa độc đáo, nhất là vào dịp lễ hội tháng 3 và tháng 7 Âm lịch hàng năm.


Sự tích điện Hòn Chén

Trước đây, điện Hòn Chén là ngôi đền thờ nữ thần PoNagar của người Chăm. Theo truyền thuyết, bà có công tạo ra trái đất và các loại gỗ trầm, lúa gạo. Có lẽ vị Nữ thần của người Chăm xét trên bình diện tâm linh có nét tương đồng với các Nữ thần của người Việt. Nên về sau, người Việt tiếp nhận và thờ bà dưới danh xưng Thánh Mẫu Thiên Y A Na.

Điện Hòn Chén còn gắn với nhiều giai thoại. Dân gian lưu truyền rằng: trước kia, điện có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc”, vì vua Minh Mạng trong một lần đến đây đã đánh rơi chén ngọc xuống dòng sông Hương, tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một cụ rùa to lớn nổi lên, ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua. Đến thời vua Đồng Khánh (1886-1888), ngôi điện được đổi tên là Huệ Nam Điện (hàm ý mang lại ân huệ cho nước Nam)...


Kiến trúc điện Hòn Chén

Điện Hòn Chén là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc, nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương, ẩn mình dưới những tàng cây cao bóng cả. Trong đó, kiến trúc chính là Minh Kính Đài tọa lạc ở giữa; bên phải có nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, chùa Thánh; bên trái là dinh Ngũ Hành, bàn thờ các quan, động thờ ông Hổ, am Ngoại Cảnh. Sát bờ sông còn có am Thủy Phủ...

Minh Kính Đài chính là nơi tổ chức tế lễ ở điện Hòn Chén, được triều đình xưa quy định mỗi năm tổ chức 2 lần vào thượng tuần tháng 3 và tháng 7 Âm lịch, có cả quan chức được cử về làm chủ tế. Minh Kính Đài chia làm 3 cung, theo thứ tự từ cao xuống thấp. Đệ nhất cung (còn gọi là Thượng cung), nơi thờ Nữ thần Thiên Y A Na, Thánh mẫu Vân Hương, vua Đồng Khánh và một số vị thần khác. Đệ nhị cung thờ hàng chục tượng thần thánh khác nhau, là nơi bày biện các đồ thờ cúng để rước sắc trong những dịp lễ lớn. Đệ tam cung thiết hương án, hai bên đặt trống, chuông, là chỗ cử hành lễ, cũng là nơi khách thập phương dâng hương cúng bái. Minh Kính Đài còn là một công trình kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật khảm sành sứ đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19, và lấy hình ảnh con phụng để trang trí, biểu trưng cho những điềm lành trên mảnh đất này.


Điện Hòn Chén linh thiêng có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân xứ này và cũng là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian; giữa lễ hội và đồng bóng; giữa tâm linh và mê tín. Đến tham quan điện Hòn Chén sẽ là dịp để du khách chiêm ngưỡng một nét kiến trúc cổ kính bên dòng sông Hương thơ mộng, tìm hiểu về tôn giáo, lịch sử, văn hóa và con người bản địa. Đặc sắc nhất là dịp lễ hội điện Hòn Chén ở Huế, thu hút hàng ngàn người, hàng trăm thuyền rồng với cờ phướn, hương án đủ sắc màu...
Điện Hòn Chén với cụm kiến trúc cổ kính
Điện Hòn Chén với cụm kiến trúc cổ kính
Điện Hòn Chén thờ tượng Thánh Mẫu
Điện Hòn Chén thờ tượng Thánh Mẫu
Điện Hòn Chén đậm sắc màu trong ngày lễ hội
Điện Hòn Chén đậm sắc màu trong ngày lễ hội

Mục lục

Du lịch Huế
   (I) Quần thể di tích Cố đô Huế
         (1) Kinh thành Huế
                  - Đại Nội Huế
                  - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế
                  - Quốc Tử Giám Huế
         (2) Lăng tẩm Huế
                  - Lăng Gia Long
                  - Lăng Minh Mạng
                  - Lăng Thiệu Trị
                  - Lăng Tự Đức
                  - Lăng Khải Định
         (3) Di tích khác
                  - Cung An Định
                  - Chùa Thiên Mụ
                  - Đàn Nam Giao
                  - Điện Hòn Chén
   (II) Quanh Huế
            - Chợ Đông Ba
            - Cầu Trường Tiền
            - Bãi biển Thuận An
            - Phá Tam Giang
            - Bãi biển Lăng Cô
            - Vườn quốc gia Bạch Mã
            - Làng cổ Phước Tích
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang