Địa điểm du lịch

Đền Chử Đồng Tử tưng bừng lễ hội tổng

19/03/2016 - 2534 view
Đền Chử Đồng Tử tưng bừng lễ hội tổng

Ngày 18/3, lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung năm 2016 đã chính thức khai mạc tại đền Đa Hòa và đền Hóa Dạ Trạch (gọi chung là đền Chử Đồng Tử Hưng Yên), gắn với thiên tình sử lãng mạn của chàng trai nghèo họ Chử và con gái Vua Hùng thứ 18. Năm nay, lễ hội được tổ chức với quy mô hàng Tổng 3 năm một lần, là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương về dự. Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung 2016 diễn ra trong 3 ngày, từ 18 - 20/3 (tức 10 - 12/2 âm lịch).

Thiên tình ca bất hủ

Cách thủ đô Hà Nội khoảng 20 km nếu đi xuôi dòng sông Hồng và xa thêm dăm cây số nữa nếu đi theo đường đê, du khách đã tới Di tích đền Chử Đồng Tử (gồm đền Đa Hòa ở xã Bình Minh, và đền Hóa ở xã Dạ Trạch, cùng huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Nếu đền Đa Hòa là nơi mở đầu cho thiên tình sử trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam giữa công chúa Tiên Dung đài các và chàng trai đánh cá nghèo Chử Đồng Tử, thì ngôi đền Hóa theo truyền thuyết là nơi Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân “hóa” - tức bay về trời. Đền Đa Hòa đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1962, còn đền Hóa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1988, du khách thường gọi chung là đền Chử Đồng Tử, Hưng Yên.

Chuyện kể rằng, vào một ngày đẹp trời công chúa Tiên Dung đi du xuân trên sông Hồng, đến khu vực bãi Tự Nhiên thấy cảnh đẹp, muốn dừng chân đắm mình giữa chốn thiên nhiên thơ mộng. Tại đây, cuộc gặp gỡ bất ngờ với chàng Chử Ðồng Tử đã trở thành “Thiên duyên kỳ ngộ”. Khi nàng cho người quây màn để tắm, không ngờ lại đúng chỗ chàng trai họ Chử nghèo khó không có nổi tấm khố che thân đang phải giấu mình. Nước dội cát trôi, phút chốc nàng thấy lộ ra thân hình một chàng trai trẻ cũng không quần áo. Trước người con gái có thân thể ngọc ngà, Chử Đồng Tử sợ hãi định chạy trốn. Sau giây phút bỡ ngỡ ban đầu, nghe chàng Chử kể về số phận nghèo khổ của mình, Tiên Dung đã động lòng và bình tĩnh nói: “Ta và chàng tình cờ gặp nhau ở đây, đều mình trần như thế này, âu cũng là nhân duyên do trời sắp đặt”. Liền đó, Tiên Dung truyền mang quần áo cho Chử Đồng Tử và cùng chàng làm lễ kết duyên.

Và chuyện tình giữa hai người ở hai hoàn cảnh đối lập đã mãi trở thành tình yêu đích thực và bất tử, là sự vượt lên tất cả không phân biệt ranh giới giàu nghèo, đẳng cấp. Mối tình của Chử Đồng Tử - Tiên Dung đã dệt nên câu chuyện tình yêu đặc sắc, mãi là huyền thoại đẹp vang vọng đến muôn đời sau.

Giữ hồn cho văn hóa

Theo Sở Văn hóa Thể thao và du lịch Hưng Yên, đền Đa Hòa (đền Chử Đồng Tử) được tiến sỹ Chu Mạnh Trinh, người làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu (nay thuộc huyện Văn Giang) vận động nhân dân công đức, xây dựng trên nền một ngôi đền cổ. Đền không chỉ là nơi lưu giữ một huyền tích mang đậm giá trị nhân văn mà còn là một công trình kiến trúc đặc sắc của triều Nguyễn. Ngôi đền gồm 18 nóc nhà lớn, nhỏ với tổng diện tích 18.720m2. Con số 18 nhắc nhở người đời sau nhớ đến công chúa Tiên Dung khi đó 18 tuổi và là con vua Hùng Vương thứ 18. Đứng từ trên đê cao nhìn xuống, du khách sẽ thấy 18 nóc nhà với kiểu dáng con thuyền mũi cong, được đỡ bởi 2 con vật có mặt rồng, mình sư tử giống như 18 con thuyền đang quần tụ dập dềnh trên sóng nước. Hình ảnh này tái hiện cảnh đoàn thuyền của Tiên Dung công chúa đang du ngoạn trên sông thuở nào. Và giữa bốn bề cây cổ thụ, cả hai ngôi đền Chử Đồng Tử toát lên vẻ linh thiêng, cổ kính, rêu phong. Thu hút ánh nhìn là hình ảnh những cây gạo trăm tuổi tại đền Đa Hòa, cứ mỗi tháng 3 về lại khỏe khoắn trổ hoa đỏ rực như những cây đèn trời. Hai ngôi đền còn gìn giữ được nhiều cổ vật quý hiếm, trong đó có đôi lọ Bách Thọ (một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào). Đặc biệt là các pho tượng đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân đặt ở hậu cung được đúc bằng đồng...

Theo tục lệ, nước dùng làm lễ lau tượng, nước cúng ở đền phải là nước lấy ở giữa dòng sông Hồng. Vì vậy, vào dịp lễ hội đền Chử Đồng Tử đầu năm, người dân Tổng Mễ lại tổ chức lễ rước nước. Đây cũng là điểm nhấn của lễ hội. Mỗi chiếc thuyền rước nước có khoảng 50 - 60 người bao gồm đội tế, đội múa sênh tiền, đội múa rồng, đội khiêng kiệu... được gọi là các giai đồ. Người đại diện cho dân làng lấy nước là cụ già có đức độ trong làng. Đám rước uy nghi, rồng vàng dẫn đầu; hội rước cờ, trống, phường bát âm, múa sinh tiền, kiệu long đình, kiệu chóe nước, kiệu đặt nón gậy, kiệu “Bế ngư thần quan”, ba kiệu rước Chử Đồng Tử và 2 vị phu nhân là Tiên Dung và Tây Sa công chúa đi sau. Đoàn thuyền được trang trí cờ hoa, sắc màu rực rỡ, tiếng trống, tiếng nhạc âm vang cả khúc sông tái hiện lại cảnh nàng Tiên Dung đi du ngoạn trên sông thuở nào. Sau khi lấy nước ở sông Hồng, các kiệu trở về đền Hóa lễ thánh. Đi đầu là hai bô lão cùng hai nam, hai nữ dâng nước vào đền. Lễ rước nước đền Chử Đồng Tử là một sinh hoạt văn hóa dân gian, biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của những cư dân nông nghiệp. Hoạt động này thể hiện lòng mong mỏi của người nông dân về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Vào lễ hội, mở màn là rước kiệu thánh từ đình làng về đền Đa Hòa do các làng tổng Mễ xưa, nay là 2 xã Bình Minh (Khoái Châu) và Mễ Sở (Văn Giang) thực hiện. Đi đầu đoàn rước là con rồng dài trên 20 mét được ba mươi thanh niên khỏe mạnh thay nhau múa theo điệu trống thúc liên hồi khiến cuộc rước thật tưng bừng. Tiếp theo sau là hai hàng các bà, các chị, các cô trang phục đủ sắc màu rực rỡ tay cầm cờ hội, trống chiêng, cùng ngựa hồng, ngựa bạch, gươm trường bát bửu, phường đồng văn, đội múa sinh tiền, đội múa nón, đội nhạc lễ...

Sau lễ khai hội, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian được tổ chức tại khu vực đền như thi bơi chải, cờ tướng, bình thơ, hát văn, múa quạt, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, kéo co, chọi gà... Thêm điểm đặc biệt trong các đêm diễn ra lễ hội đền Chử Đồng Tử là đốt đèn trời. Bến sông Hồng ở khu vực đền khi ấy chật kín người, đa dạng tuổi tác, minh chứng sống động cho châm ngôn “Tình yêu không có tuổi”, bởi không chỉ có nam thanh, nữ tú háo hức và hồi hộp thả những lời cầu nguyện về tình yêu và hạnh phúc theo những ngọn đèn trời...

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung mang giá trị văn hóa sâu sắc, là bức tranh về đời sống phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng Bắc bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm trước. Ẩn sau câu chuyện còn là lời răn về lòng hiếu thảo, là minh chứng của nền văn minh lâu đời, gắn liền với sự di cư từ vùng núi cao xuống khẩn hoang đất đai vùng châu thổ đồng bằng, là quá trình manh nha cho một nghề mới của người dân: nghề đi buôn... Nhưng trước hết, các nhà nghiên cứu cho rằng, lễ hội đền Chử Đồng Tử là lễ hội tình yêu độc đáo nhất cả nước, thể hiện đậm nét về mảnh đất, con người Hưng Yên.

Đền Chử Đồng Tử tưng bừng lễ hội tổng 2

Đền Chử Đồng Tử tưng bừng lễ hội tổng 3

Đền Chử Đồng Tử tưng bừng lễ hội tổng 4

Đền Chử Đồng Tử tưng bừng lễ hội tổng 5


TTXT du lịch Hưng Yên

Mục lục

Du lịch Hưng Yên
          - Phố Hiến
                    - Văn miếu Xích Đằng
                    - Chùa Chuông
                    - Đền Trần
                    - Đền Mẫu
                    - Chùa Hiến
                    - Chùa Nễ Châu
          - Đền Chử Đồng Tử
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang