Địa điểm du lịch Kênh gym

Chùa Keo Thái Bình, bảo tồn và phát huy

20/10/2016 - 3103 view
Chùa Keo Thái Bình, bảo tồn và phát huy

Chùa Keo Thái Bình (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) nổi tiếng là ngôi chùa cổ linh thiêng; là điểm đến thưởng ngoạn thắng cảnh, nghiên cứu và sinh hoạt tâm linh của du khách thập phương; là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ người dân Thái Bình. Được công nhận “Di tích quốc gia đặc biệt” năm 2012, và “Điểm đến du lịch quốc gia” từ năm 2013, Chùa Keo ngày càng được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị.

Kiệt tác kiến trúc nghệ thuật cổ lớn nhất bằng gỗ

Giới thiệu về Chùa Keo Thái Bình, bà Bùi Thị Hải Yến, Trưởng ban Quản lý Di tích, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Chùa được xây dựng lại và hoàn thành vào năm 1632, là một quần thể công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lê đồ sộ, độc đáo. Tuy trải qua thời gian gần 400 năm với biết bao biến động của lịch sử, thiên tai, địch họa và nhiều lần tu bổ, song Chùa hiện vẫn tồn tại khá nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu.

Được đánh giá là công trình nghệ thuật có quy mô kiến trúc cổ rộng lớn bậc nhất trong các kiến trúc chùa chiền ở Việt Nam, bởi theo văn bia và địa bạ Chùa Keo Thái Bình thì diện tích toàn khu rộng 28 mẫu, quy mô các công trình gồm 21 dãy, 154 gian lớn nhỏ. Hiện tại Chùa còn tồn nguyên 102 gian, 12 tòa chính là Tam quan ngoại, Tam quan nội, Chùa Phật, tòa chùa Ông Hộ, tòa ống muống, tòa Tam bảo, Đền Thánh, tòa Giá roi, tòa Thiêu hương, tòa Phụ quốc, tòa Thượng điện và Gác chuông. Cùng với 4 tòa, 24 gian các công trình kiến trúc phụ trợ, Chùa hiện còn tổng số 16 tòa, 126 gian, tổng diện tích gần 56.000 m2. Ngoài là công trình kiến trúc đồ sộ nhất, Chùa Keo còn đặc biệt so với các kiến trúc chùa chiền khác bởi là kiến trúc nghệ thuật lớn nhất được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim với kỹ thuật cao, chạm trổ tinh tế; cách bố trí cũng khác biệt bởi có cao thấp, lớn nhỏ khác nhau tạo nên sự hấp dẫn cuốn hút người thưởng thức, khám phá nghệ thuật.

Ngoài đặc biệt về quy mô và chất liệu xây dựng, quần thể Chùa Keo Thái Bình chứa đựng trong đó nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật riêng độc đáo, không nơi nào có, tiêu biểu như Tam quan nội, tòa Giá roi, Hành lang đông tây, Gác chuông... Mỗi công trình nghệ thuật đặc sắc đó lại bao gồm những chi tiết nhỏ, là những kiệt tác nổi bật về giá trị nghệ thuật cũng như giá trị kiến trúc. Điển hình như bộ cánh cửa ở Tam quan nội chạm rồng gồm có hai cánh, được đánh giá độc đáo nhất trong cả nước. Khi đóng, bộ cánh cửa trở thành một bức phù điêu hoàn chỉnh hình 4 con rồng chầu nguyệt, rộng 2.47m, cao 2.25m, thể hiện tính nghệ thuật cao của điêu khắc Việt Nam thế kỷ XVII (bộ cánh cửa thật hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bộ cánh cửa hiện tại ở Chùa là bản sao phục chế). Gác chuông Chùa Keo Thái Bình làm theo kiểu chồng diêm cổ các, 3 tầng 12 mái (các gác chuông của các chùa cổ khác ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cao nhất chỉ có 2 tầng 8 mái) với kết cấu gần 100 đầu voi, tạo vẻ trầm mặc, thâm nghiêm và uy linh chốn linh thiêng, là công trình nghệ thuật được đánh giá có vẻ đẹp lộng lẫy, là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Tòa Giá roi cũng là công trình chỉ riêng có ở đây, lưu truyền là nơi được sử dụng như trung tâm hành chính của thôn xã cổ (theo các nghiên cứu, chưa thấy chùa chiền nào khác có tòa Giá roi). Những con sơn nội, sơn ngoại trong kiến trúc Chùa cũng đặc biệt, bởi được chạm trổ đa dạng, phong phú các hình con vật linh, không chỉ có tác dụng đỡ xà, đầu bẩy mà còn là yếu tố thẩm mỹ ấn tượng...

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt

Không phải bây giờ mà từ rất lâu, Chùa Keo ở Thái Bình đã được nhiều người biết đến bởi nổi tiếng là ngôi chùa cổ kính thâm nghiêm, tọa lạc trên địa hình đẹp; bởi lịch sử ra đời gắn liền với sự huyền bí linh thiêng, được cho là có sự sắp đặt của trời đất sau một cơn đại hồng thủy; bởi sự bề thế của quần thể di tích và kiến trúc bằng gỗ độc đáo; bởi khác biệt ở đối tượng thờ tự khi vừa thờ Phật, vừa thờ Thánh; bởi hệ thống Phật pháp, đồ tế khí phong phú hiện còn lưu giữ; bởi nét văn hóa dân gian đặc sắc được lưu truyền qua các mùa lễ hội. Vì vậy, Chùa Keo luôn được người dân trong tỉnh, du khách thập phương chọn là điểm đến trong các chuyến du ngoạn thăm thú, công tác, nghiên cứu, chiêm bái Phật, Thánh cầu tài, cầu lộc. Đặc biệt từ khi được công nhận “Di tích quốc gia đặc biệt”, và “Điểm đến du lịch quốc gia” thì du lịch Chùa Keo Thái Bình ngày càng thu hút đông khách và được các cấp ủy, chính quyền, nhân dân chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị. Theo Ban quản lý, sau khi được công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt”, Chùa đã được đầu tư sửa chữa một số hạng mục xuống cấp và triển khai dự án tôn tạo, sửa chữa, phòng chống mối mọt, cháy nổ, đồng thời quy hoạch mở rộng thêm khuôn viên, xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ du khách đến chiêm bái, tham quan Chùa Keo Thái Bình như khu bãi để xe, khu dịch vụ hàng quán, khu vệ sinh. Các hoạt động lễ hội cũng được tổ chức ngày càng khoa học, quy mô hơn; hoạt động tế lễ được duy trì đúng nghi thức truyền thống, đồng thời đã khôi phục thêm được nhiều hoạt động văn hóa thể thao dân gian ý nghĩa, đặc sắc. Do đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên ý thức của phật tử, người dân trong vùng và du khách được nâng lên rõ rệt, khi tham gia các hoạt động sinh hoạt tâm linh, dịch vụ, lễ hội cũng nền nếp, văn minh hơn. Đã từ lâu, Ban quản lý di tích không nhận được phản ánh của du khách về tình trạng giao thông lộn xộn, bán hàng kém chất lượng và chèo kéo phản cảm. Tình trạng lợi dụng tự do tín ngưỡng để hoạt động mê tín dị đoan và chen lấn, trộm cắp mỗi dịp lễ hội hầu như không còn. Ban quản lý di tích cũng được kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, thăm thú, tìm hiểu, nghiên cứu của đông đảo nhân dân, khách du lịch đi tour Chùa Keo Thái Bình. Những năm gần đây, du khách đến với Chùa mỗi năm một tăng, trong đó năm 2015 có 250.000 khách về lễ Phật tham quan, du lịch, tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước. Đặc biệt gần đây, Chùa đón nhiều đoàn nghiên cứu, tham quan, du lịch trong và ngoài nước, trong đó có nhiều các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành trung ương.

Theo ông Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý chủ trương và giao UBND tỉnh Thái Bình chủ trì lập Quy hoạch tổng thể Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo Thái Bình. Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định xây dựng Đồ án Quy hoạch tổng thể Di tích quốc gia đặc biệt này theo quy định hiện hành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, dự kiến Chùa sẽ được quy hoạch mở rộng thêm 16.5 ha, sẽ có hệ thống giao thông vòng quanh tránh ùn tắc, có trung tâm thương mại, dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ lữ hành phục vụ du khách. Trước mắt, UBND tỉnh đã đầu tư cùng với xã hội hóa mở rộng đường giao thông vào Chùa, trồng thảm cỏ, xây xanh, lát sân bằng gạch rỗng, cải tạo tổng thể hệ thống lưới điện và điện chiếu sáng, lắp đặt hệ thống camera an ninh. UBND huyện tích cực phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện chủ trương của Thủ tướng, đồng thời chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận lễ hội Chùa Keo Thái Bình là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông, các hiệp hội du lịch, lữ hành, các cấp ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, thu hút xã hội hóa nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa giá trị của di tích cấp quốc gia đặc biệt Chùa Keo, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Thái Bình và góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh.

TTXT du lịch Thái Bình

Mục lục

Du lịch Thái Bình
          - Bãi biển Đồng Châu
          - Cồn Vành
          - Cồn Đen
          - Chùa Keo Thái Bình
          - Đền Tiên La
          - Làng vườn Bách Thuận
          - Làng chạm bạc Đồng Xâm