Địa điểm du lịch Kênh gym

Hang Tú Làn và du lịch cộng đồng ở Tân Hóa

17/02/2015 - 2823 view
Hang Tú Làn và du lịch cộng đồng ở Tân Hóa

Nhằm phát huy tiềm năng du lịch hang Tú Làn, đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, người dân xã Tân Hóa đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) làm du lịch cộng đồng. Đây được coi là hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế địa phương của xã Tân Hóa (Minh Hóa) hiện nay.

Phát huy tiềm năng du lịch

Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch mới ở tỉnh ta, mang lại lợi ích không chỉ về kinh tế - xã hội cho cộng đồng, mà còn góp phần vào công tác bảo tồn các nét văn hóa bản địa và giữ gìn cảnh quan tự nhiên của vùng. Đây loại hình du lịch dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân địa phương. Tham gia du lịch cộng đồng, du khách sẽ ăn, ngủ tại nhà dân, sinh hoạt và lao động cùng với người dân để tự khám phá những nét văn hóa bản địa độc đáo.

Đặc trưng của vùng quê Tân Hóa là có khu du lịch văn hóa, sinh thái khám phá và bảo tồn hệ thống hang Tú Làn. Điểm nhấn của Tú Làn là các hang động kỳ thú, các thác nước lớn ở trong hang, du khách được trải nghiệm bơi trong hang tối từ thung lũng này đến thung lũng khác để khám phá thiên nhiên hoang dã, kỳ thú. Với lợi thế đó, hai năm qua, UBND xã Tân Hóa phối hợp với Công ty lữ hành Oxalis phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở địa phương, góp phần tăng thu nhập ngoài công việc đồng ruộng cho người dân bản địa.

Theo ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Công ty Chua Me Đất: “Hiện nay công ty sử dụng khoảng 40 người làm công việc mang vác, nấu ăn, dẫn đường, tùy theo từng vị trí mức lương của họ được trả từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng/ngày, công ty bao ăn uống và trang thiết bị. Trung bình thu nhập mỗi người từ 2-4 triệu đồng/tháng. Công ty hoạt động từ tháng 11 đến tháng 8 dương lịch (tháng 9 và tháng 10 do mưa lũ không tổ chức tour hang Tú Làn). Ngoài ra, công ty còn tuyển 5 nhân viên bản địa làm việc tại văn phòng đặt ở trung tâm xã Tân Hóa”.

Anh Đinh Minh Liên, thôn Yên Thọ 3 cho biết: “Công việc của tôi là mang vác vật dụng và hướng dẫn đường đi cho khách du lịch khám phá hang Tú Làn. Từ khi chúng tôi phối hợp với Công ty lữ hành Oxalis làm du lịch thì thu nhập của gia đình khá hơn trước, chúng tôi đã có việc làm ổn định từ tiềm năng du lịch của địa phương. Trong tương lai, nếu có nguồn vốn, chúng tôi sẽ góp phần xây dựng Tân Hóa thành nơi du lịch cộng đồng nổi tiếng của tỉnh”.

Để người dân có thể cùng doanh nghiệp làm du lịch cộng đồng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Bình đã mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho người dân tham gia làm du lịch, đồng thời, Công ty lữ hành Oxalis cũng đã mời giảng viên tập huấn về sơ cấp cứu, an toàn vệ sinh thực phẩm cho những người phụ trách nấu ăn và cứu hộ, mỗi lớp tập huấn khoảng 40 người; tổ chức dạy tiếng Anh cho hướng dẫn viên phục vụ tour du lịch hang Tú Làn và các hộ gia đình làm nhà nghỉ cộng đồng để họ có thể hiểu và giao tiếp với khách du lịch quốc tế.

Hiện nay, công ty đã hỗ trợ kinh phí cho 2 hộ gia đình làm nhà nghỉ cộng đồng với mức đầu tư là 15 triệu đồng/1 hộ. Trong xã có hộ anh Thái Xuân Lực, thôn Yên Thọ 5 đã tự bỏ kinh phí đầu tư nhà nghỉ cho khách du lịch qua đêm tại nhà. Theo anh Lực, từ khi gia đình có nhà nghỉ cho khách du lịch thì thu nhập tăng lên đáng kể, năm 2014, khách du lịch đã ở lại nhiều hơn với giá 80.000 đồng/người/đêm. Nhà nghỉ của anh có thể chứa đoàn từ 12 đến 15 người”.

Việc người dân triển khai làm du lịch cộng đồng không có nghĩa là họ bỏ nghề nông và trông chờ vào du lịch, mà duy trì các hoạt động nghề nông hàng ngày, lấy những hoạt động này để khách cùng tham gia. Vì vậy, tham gia du lịch cộng đồng không làm thay đổi nếp sống, văn hóa hiện có của người dân Tân Hóa nơi đây.

Vẫn còn đó nhiều khó khăn

Ông Cao Văn Lục, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết: “Năm 2014, khách đến du lịch hang Tú Làn số lượng ngày càng nhiều, khoảng 2.000 lượt khách (80% là du khách nước ngoài và 20% khách nội địa). Năm 2015, dự kiến sẽ đón 5.000 khách đến với Tú Làn. Thế nhưng, lượng khách tới nghỉ qua đêm còn rất ít, đa số khách nội địa họ đi trong ngày rồi về thành phố hoặc lên nghỉ lại thị trấn Quy Đạt. Nguyên nhân chủ yếu là do chỗ ngủ, nghỉ, ăn uống cho du khách chưa bảo đảm, trên địa bàn mới có chỗ ngủ chứ chưa có nơi phục vụ ăn uống cho du khách hài lòng”.

Người dân từ trước tới nay chỉ làm nông nên không có chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho khách du lịch, những việc này có thể đào tạo, tuy nhiên rào cản ngôn ngữ là khó khăn lớn đối với người dân. Bởi lẽ, đến khám phá hang Tú Làn đa số là người nước ngoài nhưng vốn tiếng Anh của người dân nơi đây chưa có. Công ty lữ hành Oxalis đang lập kế hoạch thường xuyên mở lớp tập huấn lớp tiếng Anh giao tiếp cho người dân trong thời gian tới để phá bỏ rào cản ngôn ngữ cho những người dân làm du lịch cộng đồng, ông Lục chia sẻ.

Không chỉ khó về ngôn ngữ mà còn phải nói đến những cái khó về cơ sở hạ tầng, giao thông. Tân Hóa có cảnh đẹp tự nhiên, nhưng do điều kiện giao thông đi lại khó nên việc phát triển du lịch cộng đồng ở đây gặp không ít trở ngại. Theo quan sát của chúng tôi thì xe ô tô lớn khi tới đây rất khó khăn vì đường nhỏ hẹp, trên đường đi nếu gặp một chiếc xe ô tô khác ngược chiều là có thể bị tắc đường. Mặt khác, hệ thống đường liên thôn, liên xóm của xã chưa được bê tông hóa, mưa xuống thường bị lầy lội nên đó cũng là rào cản trong việc phát triển du lịch cộng đồng.

Đào tạo nguồn nhân lực chính là “chìa khóa” cho việc phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Những trải nghiệm của khách du lịch phụ thuộc hoàn toàn vào chính chất lượng dịch vụ do người dân cung cấp. Người dân vừa là chủ nhà, người hướng dẫn, người tiếp chuyện, người chia sẻ kinh nghiệm sống, người thể hiện bản sắc văn hóa... Thế nhưng, trình độ dân trí người dân nơi đây còn hạn chế, phần lớn họ làm theo kinh nghiệm, bản năng. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực là rất cần thiết hiện nay.

Theo ông Cao Văn Lục thì khó khăn nhất hiện nay của người dân địa phương là chưa tiếp cận nguồn vốn để nâng cao cơ sở vật chất cho khách lưu trú; chưa tổ chức được các đêm văn hóa, văn nghệ cho du khách thưởng thức... Vậy nên, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch thì các cơ quan chức năng cần quan tâm, tạo điều kiện cho người dân vay vốn để xây dựng cơ sở vật chất cho khách du lịch lưu trú.

Tuy là loại hình du lịch mới nhưng du lịch cộng đồng ở Tân Hóa bước đầu đã đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động, xóa đói giảm nghèo, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Qua đó, người dân Tân Hóa cũng được giao lưu học hỏi, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tiềm năng to lớn ở Tân Hóa hiện nay là về cảnh quan thiên nhiên nhất là hệ thống hang Tú Làn, văn hóa bản địa, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực khá phong phú nếu biết khai thác.

Đây là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Vấn đề là cần có cơ chế chính sách hợp lý, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo tồn văn hóa truyền thống để du lịch cộng đồng tại Tân Hóa có thể trở thành điểm sáng và lan tỏa trên các vùng khác của tỉnh.

Hang Tú Làn và du lịch cộng đồng ở Tân Hóa 2

Hang Tú Làn và du lịch cộng đồng ở Tân Hóa 3


TTXT du lịch Quảng Bình

Mục lục

Du lịch Quảng Bình
   (1) Phong Nha Kẻ Bàng
              - Động Phong Nha
              - Động Tiên Sơn
              - Động Thiên Đường
              - Suối Nước Moọc
              - Sông Chày Hang Tối
              - Thung lũng Sinh Tồn hang Thủy Cung
              - Hang Én
              - Hang Sơn Đoòng
   (2) Mở rộng điểm du lịch
              - Hang Tú Làn
              - Bãi biển Nhật Lệ
              - Bãi Đá Nhảy