Địa điểm du lịch

Thảo Cầm Viên Sài Gòn, lâu đời và hấp dẫn

19/06/2019 - 3961 view
Thảo Cầm Viên Sài Gòn, lâu đời và hấp dẫn

Trong suốt lịch sử hơn 320 năm của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, ít có công trình nào tồn tại và gắn bó như một phần cơ thể của đô thị, đứng vững trong mọi thăng trầm của lịch sử và trở nên thân quen với mọi tầng lớp nhân dân như Thảo Cầm Viên Sài Gòn, tức Sở thú - theo cách quen gọi của người dân Nam bộ. Cách nay ngót 150 năm, Sở thú đã là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn của nhiều du khách. Nằm trong top 10 vườn thú có tuổi thọ cao nhất của thế giới, nơi đây hiện không chỉ là nơi có bộ sưu tập “khủng” về thú, cây quý hiếm mà đây còn là nơi gắn với nhiều câu chuyện thú vị...

Những cổ vật độc đáo

Trên trục đường chính của Sở thú có cột bia gắn bức tượng bán thân một “ông Tây” bằng đá hoa cương màu hồng. Đó là tượng J.B. Louis Pierre, người có công sáng lập và cũng là giám đốc đầu tiên của Sở thú. “Để tưởng nhớ và ghi công J.B. Louis Pierre, nhân 100 năm ngày sinh của ông, tháng 2/1933, Hội đồng khoa học Pháp đã cho xây dựng một cột bia bằng đá hoa cương đặt phía sau khu vườn kiểng. Năm 1994, nhân 130 năm thành lập Sở thú, cột bia đã được tôn tạo và đặt tại đây”, ông Phạm Quốc Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cho biết.

Gần đó là Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, một công trình rêu phong được xây theo lối kiến trúc “Đông Dương cách tân”. Ngày 1/1/1929, bảo tàng được khánh thành nhưng mãi đến ngày 3/9/1958, bảo tàng mới chính thức mở cửa đón khách tham quan. Trong bảo tàng có nhiều di vật “độc nhất vô nhị”, có di vật được xác định có từ thời nguyên thủy. Nhiều cổ vật của văn hóa Champa, văn hóa Óc Eo, điêu khắc Campuchia, súng thần công - đại bác, gốm một số nước châu Á, xác ướp Xóm Cải, văn hóa các dân tộc phía Nam Việt Nam, tượng Phật giáo một số nước châu Á... cũng được trưng bày tại đây. Cùng với đó là các hiện vật và hình ảnh về lịch sử Việt Nam, văn hóa của một số nước láng giềng...

Đền thờ Vua Hùng ngày nay trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn được dựng năm 1926. Lúc đầu, đền này gọi là đền Kỷ niệm - nơi tưởng niệm những người Việt Nam tử trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Sau năm 1954, đền được chuyển sang thành đền thờ Vua Hùng. Trong đền còn thờ một số nhân vật lịch sử khác như Trần Hưng Ðạo, Lê Văn Duyệt... Đền thờ Vua Hùng nơi đây có kiến trúc khá giống kiến trúc các đền ở Huế, với bộ mái chồng diêm, thêm một hàng hiên phía trước, tạo thành 3 tầng mái cong. Các họa tiết trang trí, chạm khắc tinh xảo đẹp mắt. Mỗi năm, bảo tàng và đền thờ Vua Hùng đón trên 300.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng là nơi đặt tượng voi đồng lớn nhất Việt Nam, được đặt trên bệ có gắn 4 biển đồng lớn hình chữ nhật ở 4 mặt, có khắc dòng chữ lưu niệm giống nhau, bằng 4 thứ tiếng: Việt, Thái, Anh, Pháp. Bản tiếng Việt ghi: “Đức hoàng đế Paramindr Maha Prajadhipok, vua nước Xiêm La, đã tặng để làm kỷ niệm trong việc Ngài ngự qua bên nước Indochine (tức Việt Nam) lần đầu, ngự lên tại Sài Gòn ngày 14/4/1930”.

Theo ông Hưng, Thảo Cầm Viên Sài Gòn được thành lập vào ngày 23/3/1864, tên gọi đầu tiên là Vườn bách thảo. Đô đốc Toàn quyền Đông Dương khi đó là Pierre-Paul De La Grandìere đã ký nghị định cho phép xây dựng Vườn bách thảo với tham vọng dùng nơi này để nâng cao văn hóa và các hoạt động bảo tồn động, thực vật, cũng như phục vụ công trình nghiên cứu cho các nhà khoa học Đông Dương.

Điểm đến hấp dẫn

Ông Hưng đã cho chúng tôi xem tấm bản đồ mà theo ông là “tấm bản đồ duy nhất còn sót lại và được lưu giữ” thể hiện quá trình hình thành, phát triển mà lãnh đạo Sở thú sở hữu được. “Đây cũng là tấm bản đồ duy nhất tại Việt Nam liên quan đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn được vẽ cách đây gần trăm năm”. Tấm bản đồ này thể hiện đầy đủ nhất một giai đoạn phát triển quy mô nhất của Sở thú. Ngay sau khi chuẩn đô đốc Pierre-Paul de La Grandìere ký nghị định cho xây dựng Vườn bách thảo tại Sài Gòn, một bác sĩ thú y của quân đội Pháp khi đó tên là Louis Adolphe Germain, được giao nhiệm vụ mở mang 12ha trên vùng đất hoang ở phía Đông Bắc rạch Thị Nghè để làm nơi nuôi thú và ươm cây. Sau 1 năm xây dựng, một số chuồng trại đã xây xong.

Để biến nơi này thành nơi nuôi trồng các loài động, thực vật của toàn Đông Dương, vừa để trưng bày, vừa để cung cấp cây giống cho Viện Bảo tàng quốc gia lịch sử tự nhiên (có trụ sở tại Vườn bách thảo Paris và có nhiều chi nhánh trên khắp nước Pháp) và trồng dọc theo các trục lộ ở Sài Gòn; viên Thống đốc Nam Kỳ nhận thấy cần phải có người giỏi chuyên môn hơn. Do vậy, vào ngày 28/3/1865, ông đã mời J.B. Louis Pierre, người phụ trách chăm sóc thực vật của Vườn bách thảo Calcutta (Ấn Độ), sang làm giám đốc đầu tiên của Sở thú. Đến cuối năm đó, công trình hoàn thành với nhiều loại thú và cây quý hiếm được nhập về từ các nước lân cận như Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia... và được mở rộng đến 20ha.

Năm 1869, nhân ngày Quốc khánh Pháp 14/7, Thảo Cầm Viên Sài Gòn mở cửa thường trực cho dân chúng vào xem. Thời điểm đó, công viên có 509 loài động vật, trong đó có 120 loài thú, 344 loài chim và 45 loài bò sát. Người dân Sài Gòn khi ấy quen gọi là “Sở thú” và tên gọi phổ thông này được duy trì cho tới tận ngày nay. Để nối từ khu 20ha ban đầu với khu 13ha, những người lãnh đạo Sở thú bấy giờ (1924-1927) cho bắc cây cầu nội bộ. Hiện khu vực 13ha này là một phần khu đô thị mới nằm dọc theo đường Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn cạnh cầu Thị Nghè 2. Vào năm 1927, đường nội bộ trong khuôn viên cả hai khu vực vừa kể được trải nhựa, bổ sung các giống cây lạ từ Nhật Bản, xây dựng các chuồng thú có quy mô lớn và kiên cố như chuồng lồng tròn để nuôi khỉ, chuồng cọp.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Sở thú tiếp đón hàng triệu lượt du khách đến tham quan hằng năm. Hiện Sở thú là thành viên của nhiều tổ chức động, thực vật quốc tế, trong đó có Hiệp hội các Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA); Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN); Hiệp hội Vườn thú và Hồ cá thế giới (WAZA); Tổ chức Quản lý loài quốc tế (ISIS)... Với hơn 1.000 cá thể động vật thuộc 125 loài; hơn 2.000 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bonsai và thảm cỏ xanh... Sau 155 năm xây dựng, phát triển và ngót 150 năm phục vụ, Thảo Cầm Viên Sài Gòn vẫn là một trong những công viên vui chơi giải trí ưa thích nhất tại TP Hồ Chí Minh của người dân và du khách trong, ngoài nước.

TTXT du lịch TPHCM

Mục lục

Du lịch TPHCM
          - Chợ Bến Thành & Chợ đêm Bến Thành
          - Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
          - Hội trường Thống Nhất
          - Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
          - Khu du lịch Đầm Sen
          - Khu du lịch Suối Tiên
          - Khu du lịch Bình Quới
          - Thảo Cầm Viên Sài Gòn
          - Địa đạo Củ Chi
          - Rừng ngập mặn Cần Giờ
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang