Địa điểm du lịch

Địa đạo Củ Chi - TPHCM

Ðịa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa của quân và dân Củ Chi trong thời kỳ kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm. Với tầm vóc chiến công to lớn, địa đạo này đã đi vào lịch sử Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành địa danh nổi tiếng trên thế giới.


Nguồn gốc Địa đạo Củ Chi

Ở Củ Chi, địa đạo có sớm nhất vào năm 1948 thuộc hai xã: Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An. Lúc đầu chỉ có những đoạn ngắn cấu trúc đơn giản dùng để cất giấu tài liệu, vũ khí, trú ém cán bộ hoạt động trong vùng địch hậu. Về sau lan rộng ra nhiều xã. Từ năm 1961 đến năm 1965, chiến tranh du kích của nhân dân Củ Chi đã phát triển mạnh, gây cho địch những tổn thất lớn. Sáu xã phía Bắc huyện Củ Chi đã hoàn chỉnh đường địa đạo “xương sống”. Sau đó các cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với đường “xương sống”, hình thành hệ thống địa đạo liên hoàn.

Chỉ bằng dụng cụ hết sức thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ki xúc đất bằng tre, quân và dân Củ Chi đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm km đường ngầm dọc ngang trong lòng đất, nối liền các xã ấp với nhau như một “làng ngầm” kỳ diệu. Chỉ riêng việc chuyển tải hàng vạn mét khối đất đem đi phi tang để giữ bí mật cho địa đạo đã là chuyện rất gian khó, công phu như: đổ xuống vô số những hố bom ngập nước, đắp thành ụ mối, đổ ra đồng ruộng cày bừa, trồng hoa màu lên trên... Các gia đình ở khu vực “vành đai”, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, để vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc.


Cấu trúc Địa đạo Củ Chi

Trong địa đạo, từ đường “xương sống” tỏa ra vô số nhánh dài ngắn, thông với nhau hoặc độc lập tùy theo địa hình. Có nhiều nhánh trổ ra sông Sài Gòn, để khi lâm nguy, có thể vượt sông qua vùng căn cứ Bến Cát (Bình Dương).

Đường hầm không sâu lắm nhưng chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép, những đoạn nằm sâu chống được bom cỡ nhỏ. Có những đoạn được cấu trúc từ 2 đến 3 tầng (tầng trên gọi là “thượng”, tầng dưới là “trầm”). Chỗ lên xuống giữa các tầng, có nắp hầm bí mật. Trong lòng địa đạo có các nút chặn những điểm cần thiết để ngăn chặn địch hoặc chất độc hóa học do địch phun vào. Có những đoạn hẹp, phải thật gọn nhẹ mới chui qua được. Dọc theo đường hầm có lỗ thông hơi bên trên được ngụy trang kín đáo và trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật.

Vô số cửa được cấu trúc thành ổ chiến đấu, ụ súng bắn tỉa rất linh hoạt. Đây chính là điểm bất ngờ với quân địch. Ở khu vực hiểm yếu của địa đạo, có đặt hầm chông, hố đinh, cạm bẫy... Chung quanh cửa hầm lên xuống được bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái (gọi là tử địa), có cả mìn lớn chống tăng và mâm phóng bom bi chống máy bay trực thăng đổ chụp, nhằm tiêu diệt ngăn chặn quân địch tới gần.

Địa đạo còn có các hầm rộng để nghỉ ngơi sau khi chiến đấu, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, nước uống, có giếng nước, bếp Hoàng Cầm (bếp giấu khói trong đất), hầm làm việc của các vị lãnh đạo, chỉ huy, hầm giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh, hầm chữ A vững chắc cho phụ nữ, người già, trẻ em trú ẩn. Có những hầm lớn, mái lợp thoáng mát, bên trên ngụy trang khéo léo để hội họp, biểu diễn văn nghệ...

Với hệ thống đường hầm như mạng nhện trong lòng đất, địa đạo này còn mang tính chủ động chiến đấu kết hợp với trận địa mìn trái dày đặc trên mặt đất, đã trở thành mối nguy hiểm thường nhật đối với địch trong suốt chiến tranh.


Cuộc sống dưới Địa đạo Củ Chi

Vào thời kỳ đánh phá ác liệt, mọi hoạt động của lực lượng chiến đấu và sinh hoạt của nhân dân đều “âm” xuống lòng địa đạo. Trong điều kiện nguy khó vẫn cố gắng tạo ra cuộc sống bình thường, mặc cho trên mặt đất không ngớt bom đạn cày xới, lửa khói mịt mù... nhưng thực tế ở trong địa đạo hết sức gian khổ, là chuyện vạn bất đắc dĩ.

Do cần bảo tồn lực lượng để chiến đấu lâu dài nên phải chấp nhận mọi sự khắc nghiệt vượt quá sức chịu đựng của con người. Bởi trong lòng đất đen tối, chật hẹp đi lại rất hạn chế, phần lớn đi khom hoặc bò. Đường hầm có nơi ẩm ướt và ngột ngạt do thiếu dưỡng khí, ánh sáng chỉ le lói đèn cầy hoặc đèn pin...

Vào mùa mưa, dưới lòng địa đạo phát sinh nhiều côn trùng độc hại, nhiều nơi có cả rắn rết... Đối với phụ nữ, sinh hoạt càng khó khăn hơn, có chị sinh con và nuôi con trong hầm địa đạo phải chịu biết bao cực khổ. Hay mỗi khi có người ngất xỉu, phải đưa ra cửa hầm để hô hấp nhân tạo mới tỉnh lại được...

Đã thế, hàng trăm người lên xuống hằng ngày qua miệng hầm mà vẫn bảo đảm giữ bí mật Địa đạo Củ Chi là vô cùng phức tạp, mỗi thành viên ra vào phải kỹ lưỡng xóa mọi dấu vết có thể gây ra nghi ngờ, làm nguy hại đến đại cục.


Địa đạo Củ Chi ngày nay

Với quá khứ hào hùng và được bảo tồn gần như nguyên trạng, nơi đây đã trở thành điểm tham quan giá trị và có sức hút đặc biệt với khách du lịch trong nước, quốc tế. Đến khám phá hệ thống Địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược cũng là dịp để du khách trải nghiệm cuộc sống dưới lòng đất như những cư dân thực thụ trước đây.

Hơn nữa, đến với khu du lịch Địa đạo Củ Chi bạn còn có thể thử sức với Bắn súng thể thao quốc phòng bằng đạn thật, hay đánh trận giả bằng súng phun sơn, lướt canô trên sông Sài Gòn, chèo thuyền kayak, đi xe đạp đôi, đạp vịt, tắm hồ bơi, dựng lều cắm trại dã ngoại giữa khuôn viên xanh mát... và thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị vùng quê miền Đông Nam Bộ như: canh chua lá giang, cá kho tộ, bánh tráng cá con, bánh xèo, bò tơ 7 món...


* Địa đạo Củ Chi giờ mở cửa : từ 9h đến 17h hàng ngày
- Điện thoại: 0837 948 830
- Giá vé tham quan Địa đạo Củ Chi : 20.000 đ/ khách Việt, 90.000 đ/ khách nước ngoài
- Địa đạo Củ Chi dài bao nhiêu km : khoảng 250 km đường hầm trong lòng đất.
Địa đạo Củ Chi - nắp hầm rất nhỏ
Địa đạo Củ Chi - nắp hầm rất nhỏ
Địa đạo Củ Chi - lổ thông hơi
Địa đạo Củ Chi - lổ thông hơi
Địa đạo Củ Chi - đánh trận bắn súng sơn
Địa đạo Củ Chi - đánh trận bắn súng sơn
Địa đạo Củ Chi - du khách chui hầm
Địa đạo Củ Chi - du khách chui hầm
Địa đạo Củ Chi - bắn súng đạn thật
Địa đạo Củ Chi - bắn súng đạn thật
Địa đạo Củ Chi - khu dã ngoại cắm trại
Địa đạo Củ Chi - khu dã ngoại cắm trại

Mục lục

Du lịch TPHCM
          - Chợ Bến Thành & Chợ đêm Bến Thành
          - Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
          - Hội trường Thống Nhất
          - Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
          - Khu du lịch Đầm Sen
          - Khu du lịch Suối Tiên
          - Khu du lịch Bình Quới
          - Thảo Cầm Viên Sài Gòn
          - Địa đạo Củ Chi
          - Rừng ngập mặn Cần Giờ
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang