Địa điểm du lịch

Chùa Cầu Hội An thân thương qua lời hát ru

10/03/2014 - 3957 view
Chùa Cầu Hội An thân thương qua lời hát ru

Từ thuở còn nằm nôi, người Hội An đã nghe mẹ hát ru: “Ai qua Phố Hội Chùa Cầu/ Để thương để nhớ để sầu cho ai/ Để sầu cho khách vãng lai/ Để thương để nhớ cho ai chịu sầu”. Câu hát cứ đọng mãi trong tâm trí nhiều thế hệ bởi một lẽ nào đấy, không dễ ai cũng thấu hiểu ý tứ sâu xa của lời mẹ ru ấy.

Mở đầu câu hát là đại danh từ “ai”. Đây là cách nói đầy vẻ lấp lửng từng xuất hiện trong tình cảm của đôi vợ chồng mới cưới. Do “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nên khi họ mới đến với nhau thường chất chứa đầy sự ngượng ngùng e thẹn. Vợ ra đồng kêu chồng về ăn cơm, thay vì gọi “anh”, “mình”, “đằng ấy”... thì cô gái lại gọi “Ai ơi ai, về ăn cơm” và người chồng đáp lại, nửa ỡm ờ, nửa thăm chừng nhái lại vẻ thích thú, “Cơm ai nấu, nấu chưa ai”. Như vậy, từ “ai” xuất hiện ở câu hát vừa khẳng định, vừa nghi vấn thăm dò.

Tiếp sau đại danh từ “ai” là động từ “qua”: Ai qua Phố Hội Chùa Cầu. Từ “qua” biểu hiện một hành động có chủ ý, “Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”. AI QUA là nói đến một hoặc nhiều người nào đấy có ghé qua, có đến, có thấy, có chứng kiến... một Phố Hội, một Chùa Cầu Hội An. Phố là hợp thể các ngôi nhà. Hay nói cách khác, mỗi ngôi nhà cũng chính là thành phần cấu tạo nên Phố. Con người ở trong mỗi ngôi nhà ấy là chủ nhân của Phố, một cộng đồng đang hoạt động, gắn bó với nhau, dựa lưng nhau để sống. Phố Hội, Chùa Cầu Hội An, địa điểm, địa danh và cũng là nơi tụ hội tình cảm con người. “Hội An đất hẹp người đông/ Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu”. Vì đặc tính THUẦN HẬU ấy nên Hội An vô hình trung đã như có sức hút kỳ lạ kéo hướng nhiều sự chú ý, mọi tình cảm con người ở mọi nơi cùng thương, cùng nhớ Hội An. Chính xác hơn, cái bao trùm Hội An là con người, nên nhớ Hội An là nhớ con người Hội An. “Cây đa mô cao bằng cây đa Bàn Lãnh/ Đất mô thanh cảnh cho bằng đất Hội An”. Con người tạo tác nên các ngôi nhà, làm nên cảnh đẹp, “Hội An trăm vật trăm ngon/ Người thanh, cảnh lịch tiếng đồn chẳng sai”. Người và cảnh gắn với nhau, người THANH thì cảnh LỊCH, hai đối tượng bổ sung, tôn tạo cho nhau.

Bởi những nguyên do ấy, tận trên Vĩnh Điện, người ta chào nhau: “Chú Tư xuống Phố mới về/ Lựa mãi mới được nắm chè kỉnh cha”. Còn người vùng Ghềnh lại nói “Chị lên chợ Phố bán tôm/ Được đồng cắc bạc mua chôm chôm về”. Đi Phố, cách gọi tắt cho Hội An, cho từ Phố Hội. Chùa Cầu - một địa điểm riêng. Phố Hội - chung cả một tổng thể. Chùa Cầu Hội An, cá thể nhưng là thành phần quan trọng bổ sung cho Phố Hội. Đã nói đến Phố Hội cũng đồng thời nói đến Chùa Cầu vì Chùa Cầu làm điểm nhấn cho Phố Hội. Đấy là CẢNH LỊCH do NGƯỜI THANH tạo dựng. Chính điều gợi cảm ấy là nguyên cớ khi có AI QUA “Để thương, để nhớ, để sầu cho ai”. Vậy là, đến đây đã rõ, có thể khẳng định “ai” ở đầu câu là khách, “ai” cuối câu - chính danh người Phố Hội - Chùa Cầu Hội An. Câu thứ ba tiếp theo “Để sầu cho khách vãng lai”, thật bất ngờ, “ai” ở đầu câu đến đây mới lộ diện là KHÁCH VÃNG LAI, như vậy tự khẳng định đối tượng ấy từ xa đến. “Khách vãng lai” mới chỉ “qua Phố Hội Chùa Cầu” thôi đã tạo nên tình cảm đặc biệt cho người bản địa. Tuy chỉ là vãng lai nhưng đã “để thương, để nhớ, để sầu” cho người Phố Hội - Chùa Cầu. Và, như để đáp lại tấm thịnh tình ấy, nên người Phố Hội - Chùa Cầu cũng cảm, cũng thấm cái lòng người mới “để sầu cho khách vãng lai”. Câu tám của khổ đầu còn có chút nghi vấn, câu tám cuối đã là sự khẳng định. Rõ ràng hai đối tượng cùng hiểu và cùng rung động trái tim. “Để thương để nhớ cho ai chịu sầu”. Bởi vậy, câu cuối như khóa lại, là sự minh định tình người của khách thể và chủ thể. Vì khách thể ở xa đến tác động đến tình người Phố Hội - Chùa Cầu nên người Phố Hội - Chùa Cầu tức chủ thể cũng được để thương, để nhớ.

Nhằm diễn đạt một cảnh huống tình cảm giữa hai đối tượng, câu ca dao chỉ có 4 câu lục bát, hai mươi tám từ nhưng có đến sáu từ “để”. Dùng điệp từ “để” nhấn nhá cho AI CHỊU SẦU. Từ “ai” một lần cuối xuất hiện lại mang hàm ý bâng quơ, nhắn nhủ rằng có thương, có nhớ mới có sầu và mới được chịu sầu. Từ “ai” ở đây chính khẳng định cả hai đối tượng đều CHỊU SẦU nếu có thương, có nhớ. Từ “chịu” chuyển tải thái độ tự nguyện, một cách tất yếu sẽ xảy ra khi có những cung bậc tình cảm trên và cứ như nhịp nôi đưa, bồng bềnh, đau đáu. Phải có cảm tình, gần gũi gắn bó thì mới thương, có thương rồi thì khi xa mới nhớ. Nỗi nhớ sẽ day dứt, sẽ thao thức suốt cuộc đời một con người. Đã THƯƠNG, đã NHỚ, thì mới xuất hiện nỗi SẦU vì phải chia phôi, phải cách trở. Như vậy là trách nhiệm, là tất yếu khi đã hết lòng với nhau. “Từ ngày chàng bước xuống ghe bầu/ sóng bao nhiêu gợn, dạ em sầu bấy nhiêu”. Làm sao đếm được sóng có bao nhiêu gợn, làm sao bày tỏ nỗi sầu của người ở lại. Như vậy là tâm tình đã đến cao trào tột đỉnh của người yêu, người vợ ở lại đang ngóng theo người đi hay lòng người Phố Hội, Chùa Cầu Hội An vốn vậy. Người bản địa đối với nhau đã như thế nên tất yếu đối với KHÁCH VÃNG LAI sẽ cũng như thế. Họ cùng CHỊU SẦU khi đã cùng trải nghiệm nỗi lòng mình.

Người Hội An - Phố Hội, Chùa Cầu từ xa xưa đã có cung bậc tình cảm yêu thương tha thiết, không ồn ào, rất sâu lắng, rất thâm trầm, trí tuệ. Có nhiều câu hát nói về tấm lòng của người Hội An, nhưng câu ca trên vẫn là điểm nhấn khắc họa tình cảm người Hội An sâu sắc nhất, thú vị, dễ nhớ nhất. Câu hát của mẹ ru con, nuôi con lớn lên theo tháng ngày, theo từng bước con đi vào đời. Phải thế chăng, Người Phố Hội, Chùa Cầu Hội An dù đi đâu, ở đâu vẫn nhớ đến câu hát trên như một chân lý qua lời truyền lời dạy của mẹ: Sống ở trên đời, cần có một tấm lòng, cần nhớ luật nhân quả, có qua sẽ có lại, có tình với người thì sẽ được người cảm tình với mình, như sự tất yếu,“Để thương, để nhớ, cho ai chịu sầu”.

TTXT du lịch Hội An

Mục lục

Du lịch Quảng Nam
- Du lịch Hội An
    I) Phố cổ Hội An
       1) Nhà cổ Hội An
                  - Nhà cổ Tấn Ký
                  - Nhà cổ Đức An
                  - Nhà cổ Quân Thắng
                  - Nhà cổ Phùng Hưng
                  - Nhà thờ cổ tộc Trần
                  - Nhà thờ tộc Nguyễn Tường
       2) Hội quán Hội An
                  - Hội quán Phúc Kiến
                  - Hội quán Quảng Đông
                  - Hội quán Triều Châu
       3) Công trình văn hóa Hội An
                  - Chùa Cầu
                  - Đình Cẩm Phô
                  - Miếu Quan Công
                  - Tụy Tiên Đường Minh Hương
       4) Bảo tàng
                  - Văn hóa dân gian Hội An
                  - Gốm sứ mậu dịch Hội An
                  - Lịch sử văn hóa Hội An
                  - Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An
       5) Điểm tham quan khác
                  - Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
                  - Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền
                  - Giếng cổ Bá Lễ
   II) Làng nghề Hội An
             - Làng gốm Thanh Hà
             - Làng rau Trà Quế
             - Làng mộc Kim Bồng
   III) Quanh Hội An
             - Bãi biển Cửa Đại
             - Bãi biển An Bàng
             - Cù Lao Chàm
             - Rừng dừa Bảy Mẫu
             - Thánh địa Mỹ Sơn
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang