Địa điểm du lịch

Chùa Cầu Hội An

Chùa Cầu Hội An

Chùa Cầu Hội An được xem như biểu tượng của khu phố cổ, còn được gọi là Chùa Cầu Nhật Bản Hội An hay Lai Viễn Kiều. Đây là ngôi chùa nằm trên cây cầu dài khoảng 18m, vắt cong qua một lạch nước nhỏ chảy ra sông Thu Bồn.


Lịch sử Chùa Cầu Hội An

Chùa Cầu Nhật Bản ở Hội An được các thương nhân người Nhật xây dựng vào thế kỷ 17, với kiến trúc đậm nét Việt.

Năm 1653, trên cầu được dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can, nhô ra giữa cầu, từ đó gọi là Chùa Cầu Hội An.

Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu đến thăm Hội An, đặt tên cầu là Lai Viễn Kiều (cầu của khách phương xa đến).

Về sau, Chùa Cầu Hội An trải qua nhiều lần trùng tu. Dáng vẻ ngày nay được hình thành trong những lần sửa chữa vào thế kỷ 18 - 19. Những trang trí bằng mảnh sứ tráng men hay đĩa sứ là biểu hiện đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn.


Kiến trúc Chùa Cầu Hội An

Chùa Cầu Hội An có kiến trúc khá độc đáo, kiểu thượng gia hạ kiều, tức trên là nhà dưới là cầu. Chùa và cầu đều bằng gỗ, được sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông, không gian thoáng đãng.

Nhìn từ bên ngoài, cây cầu nổi bật nhờ mái cong mềm mại, nâng đỡ bởi hệ thống kết cấu gỗ, và phần móng làm bằng vòm trụ đá. Mặt cầu vồng lên, được lát ván làm lối qua lại, hai bên có bệ gỗ nhỏ, trước kia làm nơi bày hàng buôn bán.

Gắn liền với cầu về phía thượng nguồn là ngôi chùa nhỏ. Phần chùa ngăn cách với phần cầu bởi một lớp vách gỗ và bộ cửa “thượng song hạ bản”, tạo không gian riêng biệt. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Trên cửa chính có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán - Lai Viễn Kiều. Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật, mà gian chính giữa thờ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người.

Ở mỗi đầu Chùa Cầu Hội An đều có 2 tượng thú, một bên tượng khỉ, bên kia tượng chó. Các tượng đều được chạm bằng gỗ mít trong tư thế ngồi chầu, phía trước mỗi tượng có một bát nhang cúng vái. Tương truyền, con thủy quái Mamazu có đầu nằm ở Nhật Bản, đuôi ở Ấn Độ Dương và thân ở Việt Nam, mỗi khi cựa mình sẽ gây ra động đất, thiên tai, lũ lụt. Vì vậy người Nhật đã dùng tượng Thần Khỉ và Thần Chó để trấn yểm quái vật. Một thuyết khác thì cho rằng, có tượng khỉ và chó là vì công trình Chùa Cầu Hội An được khởi dựng vào năm Thân, hoàn thành vào năm Tuất.


Với kiến trúc đặc biệt và lịch sử gắn liền với phố cổ, khách du lịch trong và ngoài nước tới đây đều không quên ghé thăm và nghe giới thiệu về Chùa Cầu Hội An. Còn với người dân địa phương, Chùa Cầu vừa mang tính linh thiêng vừa là nơi hội họp của xóm làng ngày trước, mong một cuộc sống giao hòa, tương thân tương ái.

* Địa chỉ Chùa Cầu Hội An ở đâu : nối liền đường Trần Phú với đường Nguyễn Thị Minh Khai, phố cổ Hội An.

Mục lục

Du lịch Quảng Nam
- Du lịch Hội An
    I) Phố cổ Hội An
       1) Nhà cổ Hội An
                  - Nhà cổ Tấn Ký
                  - Nhà cổ Đức An
                  - Nhà cổ Quân Thắng
                  - Nhà cổ Phùng Hưng
                  - Nhà thờ cổ tộc Trần
                  - Nhà thờ tộc Nguyễn Tường
       2) Hội quán Hội An
                  - Hội quán Phúc Kiến
                  - Hội quán Quảng Đông
                  - Hội quán Triều Châu
       3) Công trình văn hóa Hội An
                  - Chùa Cầu
                  - Đình Cẩm Phô
                  - Miếu Quan Công
                  - Tụy Tiên Đường Minh Hương
       4) Bảo tàng
                  - Văn hóa dân gian Hội An
                  - Gốm sứ mậu dịch Hội An
                  - Lịch sử văn hóa Hội An
                  - Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An
       5) Điểm tham quan khác
                  - Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
                  - Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền
                  - Giếng cổ Bá Lễ
   II) Làng nghề Hội An
             - Làng gốm Thanh Hà
             - Làng rau Trà Quế
             - Làng mộc Kim Bồng
   III) Quanh Hội An
             - Bãi biển Cửa Đại
             - Bãi biển An Bàng
             - Cù Lao Chàm
             - Rừng dừa Bảy Mẫu
             - Thánh địa Mỹ Sơn
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang