Địa điểm du lịch

Bảo tàng lịch sử văn hóa Hội An

Bảo tàng lịch sử văn hóa Hội An

Bảo tàng lịch sử văn hóa Hội An (địa chỉ - số 7 đường Nguyễn Huệ) hiện trưng bày 434 hiện vật khảo cổ và các hình ảnh, tư liệu liên quan đến các thời kỳ phát triển của Đô thị cổ Hội An, minh chứng sinh động diễn trình lịch sử của vùng đất Hội An.
           
1. Thời kỳ tiền - sơ sử : giai đoạn tiền Sa Huỳnh và giai đoạn hậu kỳ văn hoá Sa Huỳnh, cách ngày nay khoảng 2000 năm. Bảo tàng lịch sử văn hóa Hội An trưng bày 102 hiện vật gốc gồm :

 - Các loại hình công cụ sinh hoạt, lao động sản xuất, chiến đấu, trang sức… bằng các chất liệu gốm, đồng, sắt, đá, thuỷ tinh. Chứng tỏ cư dân thời kỳ này đã trồng lúa nước, khai thác chế biến sản vật biển, làm các nghề thủ công như rèn, dệt vải, mộc, chế tác đồ trang sức.

- Những tiền đồng Trung Quốc, cùng với đồ trang sức mã não, thuỷ tinh có gốc gác từ Nam Ấn Độ hoặc Trung Đông. Thể hiện rõ nét hoạt động giao lưu, trao đổi buôn bán với phía Bắc, phía Nam, tạo tiền đề cho một cảng thị Hội An sơ khai.

- Đặc biệt là hiện vật chum gốm (mộ chum) được chon theo người chết, thể hiện tục mai táng của cư dân Sa Huỳnh.


2. Thời kỳ Champa : từ thế kỷ thứ II - thế kỷ XV, với nền văn hóa rực rỡ, khởi đầu thời kỳ vàng son cho một cảng thị Hội An hưng thịnh. Bảo tàng lịch sử văn hóa Hội An trưng bày các hiện vật gồm :

- 18 hiện vật gốm với các loại mảnh gốm, gạch Chăm, hoa văn gốm. Nổi bật là bức tượng vũ công Grandhara và tượng thần tài lộc Kuberra, được chạm khắc sắc xảo, tinh tế mang đậm nét văn hoá Champa huyền bí.

- Tài liệu, hình ảnh về địa danh Chiêm Bát Lao (Cù Lao Chàm), cùng nguồn tư liệu thư tịch cổ xác định vùng Đại Chiêm Hải Khẩu (Cửa Đại) là Hải cảng chính của nước Champa, với nhiều thương thuyền Trung Quốc, Ả Rập, Ấn Độ, Ba Tư… thường xuyên ghé đậu, cùng các hoạt động trao đổi, mua bán các sản phẩm như trầm hương, quế, đồ vàng ngọc, đồ thuỷ tinh, tơ lụa, đồi mồi, xà cừ… Thể hiện sự đa dạng hàng hóa trong giao thương với các nước.


3. Thời kỳ Đại Việt : từ thế kỷ thứ XV - thế kỷ thứ XIX, vùng đất Hội An đã định hình những hoạt động của cư dân Đại Việt.

- Buổi đầu thời kỳ này, bên cạnh việc khai hoang lập làng canh tác nông nghiệp, người Việt ở Hội An còn linh hoạt sáng tạo mọi số ngành nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên - xã hội từng vùng đất. Làng Thanh Châu với nghề khai thác yến sào. Các làng chài Võng Nhi, Đế Võng với nghề đánh bắt, chế biến hải sản. Làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà với nghề thủ công, xây dựng. Làng Hội An, Cẩm Phô với nghề buôn bán.

- Từ thế kỷ XVII, cộng đồng dân cư Hội An được bổ sung thêm các thương khách Hoa, Nhật và một số từ các nước khác đến làm ăn, sinh sống, tạo nên sự tích tụ văn hoá, kinh nghiệm nghề nghiệp từ nhiều nơi.

Với nguồn nội lực và sự giao thoa, Hội An nhanh chóng phát triển, tạo đà hình thành nên sự tấp nập và phồn thịnh ở Đô thị - Thương cảng Hội An suốt nhiều thế kỷ sau, trở thành một trung tâm thương cảng mậu dịch quốc tế ở Đàng Trong - Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.

- Đến giữa thế kỷ thứ XIX, nền kinh tế ngoại thương Hội An nhanh chóng suy thoái bởi những nguyên nhân bất lợi như : Sự bồi cạn, chuyển dời của dòng sông, cửa biển - Chính sách kinh tế hạn chế của triều đình phong kiến - Sự phát triển kỹ thuật giao thông hàng hải bằng cơ khí hơi nước vượt xa thuyền buồm. Và Hội An - Cửa Đại dần nhường bước cho sự nổi lên của cảng thị tàu máy Đà Nẵng - Cửa Hàn

Thời kỳ này, Bảo tàng lịch sử văn hóa Hội An trưng bày một số lượng lớn hiện vật gốc và hình ảnh tư liệu minh chứng cho từng giai đoạn trên. Kèm một số bản đồ cổ của Hội An, và một số dụng cụ dùng trong buôn bán như cán cân, quả cân, ang… đặc biệt, còn có thêm sự so sánh rõ rệt giữa gốm Việt Nam với gốm của một số nước có mối quan hệ giao thương với Hội An lúc bấy giờ.


* Bảo tàng lịch sử văn hóa Hội An mở cửa từ 7h00 đến 21h00 tất cả các ngày trong tuần. Riêng ngày 25 hàng tháng, bảo tàng đóng cửa để thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ.

Mục lục

Du lịch Quảng Nam
- Du lịch Hội An
    I) Phố cổ Hội An
       1) Nhà cổ Hội An
                  - Nhà cổ Tấn Ký
                  - Nhà cổ Đức An
                  - Nhà cổ Quân Thắng
                  - Nhà cổ Phùng Hưng
                  - Nhà thờ cổ tộc Trần
                  - Nhà thờ tộc Nguyễn Tường
       2) Hội quán Hội An
                  - Hội quán Phúc Kiến
                  - Hội quán Quảng Đông
                  - Hội quán Triều Châu
       3) Công trình văn hóa Hội An
                  - Chùa Cầu
                  - Đình Cẩm Phô
                  - Miếu Quan Công
                  - Tụy Tiên Đường Minh Hương
       4) Bảo tàng
                  - Văn hóa dân gian Hội An
                  - Gốm sứ mậu dịch Hội An
                  - Lịch sử văn hóa Hội An
                  - Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An
       5) Điểm tham quan khác
                  - Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
                  - Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền
                  - Giếng cổ Bá Lễ
   II) Làng nghề Hội An
             - Làng gốm Thanh Hà
             - Làng rau Trà Quế
             - Làng mộc Kim Bồng
   III) Quanh Hội An
             - Bãi biển Cửa Đại
             - Bãi biển An Bàng
             - Cù Lao Chàm
             - Rừng dừa Bảy Mẫu
             - Thánh địa Mỹ Sơn
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang