Địa điểm du lịch Kênh gym

Vườn trái cây Cái Mơn, nghề mắt ghép

03/06/2015 - 2226 view
Vườn trái cây Cái Mơn, nghề mắt ghép

Nghề ghép cây đã hình thành và phát triển từ hơn trăm năm qua ở Chợ Lách. Nói đến việc ghép cây giống, người dân Chợ Lách nhớ ngay đến Lộ Đất, thuộc ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thành (thường gọi là vườn trái cây Cái Mơn). Lộ Đất - con đường lầy lội và tăm tối ngày nào, dù đã được nhựa hóa từ hàng chục năm qua nhưng mọi người vẫn mãi gọi là Lộ Đất. Bởi vì nơi đó từ lâu được biết đến như là “chiếc nôi” nghề ghép cây trên vùng đất cây lành trái ngọt.

Nghề ghép cây

Giáp Quốc lộ 57, đoạn qua chợ ấp Tây Lộc, Lộ Đất chạy dài đến xã Phú Sơn, khoảng 3km, chúng tôi đã gặp gần 10 trại cây giống. Mỗi trại có khoảng chục người đang làm việc. Các thợ ghép là những thanh niên, còn phụ nữ, người già làm các công việc nhẹ như lấy bo, sắp cây. Chúng tôi hỏi thăm thì ai nấy đều cho rằng ông Nguyễn Hoàng Minh (Chín Minh, 60 tuổi) là một trong những người có nhiều kinh nghiệm về nghề truyền thống cũng như kỹ thuật ghép cây hiện tại nơi đây. Ông được xem là thế hệ thứ tư của nghề ghép cây giống ở Lộ Đất nổi tiếng này. “Theo những người lớn tuổi kể lại, khoảng cuối thế kỷ 19, nghề trồng cây ăn trái ở vườn trái cây Cái Mơn đã bắt đầu phát triển. Lúc đó, các ông Hai Trí, Sáu Trị, Sáu Vinh được một thầy giáo dạy học mở tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Sau khi học xong, 3 người đã về khu vực Lộ Đất mua đất làm vườn và hành nghề ghép cây mướn” - ông Chín Minh kể lại.

Nghề ghép cây ở Lộ Đất có thể chia thành 3 giai đoạn phát triển. Sơ khai là kỹ thuật ghép băng nhựa (sáp đèn cầy phơi khô, vải trắng nhúng dầu bọc xung quanh mầm cây để không bị sâu bọ phá hủy; mầm cây để vào bo, lấy dây băng đen quấn lại). Tuy nhiên, kỹ thuật ngày đó chưa biết cắt đầu bo để tích tụ chất hữu cơ hỗ trợ cho mầm nên cách làm này mất thời gian 3 tháng, tỷ lệ đậu chỉ khoảng 30% và chỉ ghép được giữa những loại cây không quá “khó tính” như chôm chôm và xoài. Đến giai đoạn của anh em ông Chín Minh cũng làm như vậy một thời gian. Thấy miệt vườn trái cây Cái Mơn có nhiều lá dừa, hai anh em nghĩ ra cách lấy dây thun loại lớn thay cho băng đen, lá dừa thay cho vải trắng. Cách này đỡ tốn chi phí hơn nhưng cũng tốn nhiều thời gian, mỗi ngày làm chưa tới 200 bo giống. Cuộc sống với nghề cũng còn khó khăn.

“Người làm thuê không nhiều và giá ngày công ghép cây cũng chỉ hơn người làm thuê bình thường khoảng 2 - 3kg gạo. Chúng tôi đã theo nghề, ai cũng tự nói với mình rằng “ghép cây để xanh đời” vì vừa có thể nâng cao năng suất cây trồng, vừa tận dụng các cây kém phát triển làm bo tránh lãng phí và các chồi tốt bị dư trên những tán sum suê mà tổng hợp lại thành những cây giống mới. Vì thế, như cái nghiệp đã “vận” vào thân dù hoàn cảnh nào cũng cố gắng giữ nghề, làm cho nghề ghép cây ở vườn trái cây Cái Mơn ngày càng tốt hơn. May mắn là khi đó ngành Nông nghiệp tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật mới. Đó là kỹ thuật ghép “xương khúc” (trồng cây sầu riêng giống, lên cao, rồi chặt ngang từ gốc lên khoảng 2 gang tay dùng làm bo, ghép với chồi sầu riêng cùng loại cắt trên cây đang cho trái tốt). Thấy có hiệu quả, ghép nhanh đến cả ngàn cây mỗi ngày, tỷ lệ đậu cao, rồi áp dụng với nhiều loại cây khác cũng thành công nên đã áp dụng kỹ thuật ghép kiểu này đến tận bây giờ” - ông Chín Minh nhớ lại.

Tiếng lành đồn xa

Ngồi trong căn nhà nhìn xung quanh toàn cây giống xanh mượt, ông Chín Minh cho biết: Những cây vườn nhà chủ yếu là anh em ghép, còn ông thì từ mấy năm qua không còn nhanh nhẹn để làm nữa. Nhờ có uy tín lâu năm nên mấy ngàn cây sầu riêng và xoài của nhà ông đã được thương lái đặt mua giá cao trước khi có đám mưa đầu mùa. Tuy tuổi đã cao nhưng với uy tín của mình, ông Minh luôn được nhà vườn tin tưởng giao những hợp đồng lớn hàng triệu cây. Ông nhận rồi giao những anh em có tay nghề xung quanh Lộ Đất ở vườn trái cây Cái Mơn làm.

Có dịp chứng kiến những đôi tay điêu luyện của những đệ tử ông Chín Minh mở bo, nhanh nhẹn cắt mầm cho vào bo, thoăn thoắt quấn nhựa ny-lon vào đầu cây ghép, chúng tôi mới hiểu nguyên cớ vì sao huyện Chợ Lách với chỉ một vài xã làm cây giống lại có thể cung cấp số lượng hơn 15 triệu cây giống mỗi năm cho thị trường trên cả nước. Không trả lời thẳng câu hỏi về thu nhập và sự ổn định của nghề ghép cây giống ở vườn trái cây Cái Mơn, ông Chín Minh chỉ nói rằng: “Chỉ với cái nghề này, kinh tế gia đình tôi ổn định hàng chục năm qua, lo cho 3 người con gái học xong đại học và có việc làm. Chỉ cần nhìn hàng chục thanh niên ở đây phấn khởi theo nghề, có lẽ ai cũng biết nghề này ngon lành như thế nào!”.

TTXT du lịch Bến Tre

Mục lục

Du lịch Bến Tre
          - Du lịch Chợ Lách
                    - Vườn trái cây Cái Mơn
          - Cồn Phụng
          - Cồn Ốc
          - Sân chim Vàm Hồ