Địa điểm du lịch Kênh gym

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà mùa dẻ rừng

05/01/2016 - 4694 view
Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà mùa dẻ rừng

Một chiều mưa ở thành phố Đà Lạt, anh bạn người K’Ho lặn lội từ Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lạc Dương) ra Đà Lạt mang đãi tôi nắm dẻ rừng. Anh nói, những ai sống ở đồng bằng sẽ khó mà biết rừng còn có loại sản vật này. Với những người lớn lên từ rừng như anh, dù có đi bất cứ nơi đâu cũng không khỏi bâng khuâng khi thấy màu hoa dẻ. Họ nhớ đến quay quắt vị dẻ rừng...

Hạt “cứu đói”

Tôi may mắn khi được anh K’Vâng (hướng dẫn viên du lịch) và anh K’Huy (kiểm lâm) - những người lớn lên với núi rừng và hiện đang làm việc ở Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (VQG), dẫn đường đi nhặt hạt dẻ. Qua câu chuyện của các anh, tôi biết có hàng chục loại dẻ khác nhau ở Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà nhưng loại bà con vẫn thường ăn hạt có tên là Kha thụ nhím. Anh K’Huy nói: “Ở đây, bà con gọi nó là Plai Kơdeh. Theo kinh nghiệm những người già, cứ năm nào được mùa dẻ thì chắc rằng năm đó sẽ mất mùa hoa màu. Bởi thế đã có thời, hạt dẻ còn được gọi là hạt “cứu đói” của bà con”. Anh K’Vâng khẳng định thêm “Đó có lẽ là sự bao bọc của mẹ thiên nhiên. Người không để con mình đói”. Rất bất ngờ với thông tin ấy và chẳng biết có đúng không, nhưng tôi chợt nhớ tới câu tục ngữ “Được mùa lúa, úa mùa cau, được mùa cau, đau mùa lúa” của bà con nông dân. Tôi đem câu chuyện “cứu đói” của hạt dẻ hỏi lại các già làng ở Klong KLanh. Họ nói rằng: “Đã có thời, cứ đến mùa dẻ, già trẻ đều phải vào rừng nhặt hạt để ăn, hay bán đổi lấy gạo”. Có người thì bảo 3 năm, có người bảo 5 năm, thậm chí đến 7 năm rừng mới cho một mùa hạt dẻ. Đến khi gặp các giảng viên Khoa Sinh ở Trường Đại học Đà Lạt tôi mới biết rằng: Dẻ năm nào cũng ra quả, ra hạt, nhưng tùy vào chu kỳ của cây mới rộ mùa và chắc hạt. Có cây chu kỳ 3 năm, thì sau đúng 3 năm, hạt dẻ mới có cơm đầy, ngon và chất lượng, còn nếu không đủ chu kỳ ấy, thì hạt sẽ bị lép và hỏng nhiều. Và những cây có chu kỳ 5 năm hay 7 năm cũng tương tự như vậy. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhiều nơi có loài dẻ này, song tập trung nhiều nhất thuộc khu vực Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà. Bởi ở độ cao từ 1.400 - 1.600m là điều kiện thích hợp để dẻ phát triển. Kha thụ nhím là loài có số lượng cây nhiều nhất cho sản lượng hạt cao và ngon nhất.

Cũng chẳng biết cây dẻ có mặt trên mảnh đất này từ bao giờ, nhưng cây con lại nối tiếp mọc lên thay những cây đã già cỗi. Anh K’Huy khẳng định: “Sau bao năm đi rừng mới thấy, dẻ là loại cây tiên phong trong tái sinh rừng lá rộng. Lượng hạt nhiều, được phát tán nhanh nhờ các loài động vật ăn hạt như sóc, voọc hay các loại động vật có móng. Hơn nữa, chỉ cần gặp độ ẩm thích hợp chúng sẽ mọc mầm ngay. Bởi thế sau bao nhiêu thời gian, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà vẫn cho bà con những mùa dẻ”.

Quà của rừng

Mùa dẻ về, những cánh rừng ở Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà trở nên huyên náo và nhộn nhịp hơn bởi những tiếng nói cười, tiếng gọi nhau í ới. Mọi người gọi nhau đi nhặt dẻ rừng. Một người nhặt từ sáng tới chiều có thể lên đến 20kg. Nếu mang về lọc sạch, rồi bán cho cửa hàng thì giá thu được là 16.000 đồng/kg. Cũng có khi thương lái vào chờ mua ngay tận cửa rừng, thì giá chỉ 12.000 đồng/kg. Nhặt hạt dẻ đòi hỏi phải kiên nhẫn, nhanh tay, nhanh mắt, có lẽ thế mà vào mùa dẻ chị em vào rừng là chủ yếu. Các chị phải khom lưng, hoặc ngồi hẳn xuống lết nhặt từng hạt một. Để được một rổ đầy là bao nhiêu công sức.

Khi tôi hỏi có cách nào để thu lượm dẻ ngoài nhặt từng hạt hay không? Già Ha Krong vừa nhặt hạt dẻ vừa nói: “Thứ cây nào cũng có cách tự bảo vệ mình. Hạt dẻ cũng vậy. Toàn thân nó bao bọc bởi gai nhọn như lông nhím. Đến lúc đủ già vỏ sẽ tách ra và hạt rơi xuống. Dẻ tự rụng mới ngon, bởi khi ấy hạt mới đủ độ chín”. Tuy nhiên, không chỉ có con người mong chờ mùa dẻ đến, mà một số loại động vật và sâu cũng trông đợi loại hạt này. Mỗi khi đi về ngang qua các cây dẻ trong rừng, bất chợt nhìn thấy những hạt dẻ màu nâu đen nằm trên lớp lá mục, ngẩng lên thấy những vỏ gai dẻ đang “mở miệng cười”, như vậy là biết rằng mùa dẻ đang về. Chị K’Nhường mách cho chúng tôi kinh nghiệm: “Càng đi vào rừng sâu hạt dẻ càng to. Có hạt to bằng đầu ngón tay cái. Ở bìa rừng hạt chỉ bé bằng đầu đũa, nhưng lại nhiều, béo và ngon hơn”. Vào Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà mùa này, chỉ cần cơn gió nhẹ thổi qua, cả khu rừng nghe rào rào như cơn mưa giông tới, đó là tiếng hạt dẻ rơi va vào lá. Tiếng rào rào ấy là thanh âm báo hiệu một ngày nhặt hạt dẻ bội thu.

Chiều về trong buôn nhỏ Đưng K’Si, ngồi quây quần bên bếp lửa nhà chị K’Sa Chi, tay chị đảo liên hồi chảo hạt dẻ được đặt trên bếp củi hồng. Lũ nhỏ và cả chúng tôi - những vị khách từ ngoài phố vào đều háo hức chờ đợi. Chị bảo, hạt dẻ mang từ rừng về rang ăn ngay sẽ ngon hơn. Nhưng nếu mang đi xa, hay phơi khô để cất trữ thì phải luộc hạt dẻ trước khi rang để hạt dẻ chín tới. Sau đó, dùng loại chảo to, sâu lòng và đảo tay liên tục để hạt dẻ chín vừa mà không bị cháy. Hạt dẻ trên bếp nhà chị  đã thơm nồng, mỗi đứa chúng tôi với tay lấy một nắm nhỏ và đổi liên hồi từ tay này qua tay kia, vừa đổi vừa thổi cho đỡ nóng để rồi ăn ngay, bởi nếu để nguội hạt dẻ sẽ cứng. Già Ha Krong vừa nhấm nháp hạt dẻ, vừa mỉm cười nói rằng: “Ngày trước phải ăn dẻ chống đói, bây giờ có đủ gạo ăn rồi. Bà con trồng thêm nhiều cà phê, còn biết trồng cả rau, hoa nữa, nên đời sống cũng đỡ hơn nhiều, giờ chỉ ăn dẻ cho vui thôi”.

Một lần lên du lịch Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà,, bạn Nguyễn Châu đã ngất ngây với món dẻ rừng từ bếp nhà của bà con. Để rồi khi về tới TPHCM, chị đã dùng hạt dẻ cho vào những túi giấy nhỏ xinh làm món quà độc đáo và ý nghĩa cho từng quan khách trong đám cưới của mình. Mùa dẻ năm nay, hàng trăm ký dẻ - thứ hạt một thời “chống đói” cho bà con nơi này đã theo chân khách du lịch thành món quà của rừng mang về cho bạn bè, người thân khắp muôn nơi.

TTXT du lịch Đà Lạt

Mục lục

Du lịch Lâm Đồng
   (1) Du lịch Đà Lạt
              - Hồ Xuân Hương Đà Lạt
              - Vườn hoa thành phố Đà Lạt
              - Chợ Đà Lạt & Chợ đêm Đà Lạt
              - Dinh Bảo Đại Đà Lạt (Dinh 3)
              - Bảo tàng Lâm Đồng
   (2) Khu du lịch quanh Đà Lạt
              - Núi Langbiang
              - Thác Datanla
              - Làng Cù Lần
              - Đồi Mộng Mơ
              - Thung Lũng Tình Yêu Đà Lạt
              - Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt
              - Hồ Tuyền Lâm
              - Khu du lịch sinh thái Núi Voi
   (3) Khu du lịch hơi xa Đà Lạt
              - Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà
              - Khu du lịch Madagui