Địa điểm du lịch Kênh gym

Nhật ký du lịch bụi Mù Cang Chải ngắm ruộng bậc thang

27/09/2013 - 1936 view
Nhật ký du lịch bụi Mù Cang Chải ngắm ruộng bậc thang

Anh nói lên quê anh xa lắm nhưng đẹp. Nếu đã tới một lần rồi thì sẽ nhớ mãi. Và nỗi nhớ đó sẽ thành niềm thôi thúc cho người khách trở lại. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - cái tên nghe rất đỗi quen thuộc nhưng khiến người ta nghĩ tới một nơi xa lắm, cao lắm, và cũng bí ẩn lắm. Lời giới thiệu từ cái thuở sinh viên mơ mộng ấy khiến tôi day dứt, chưa một lần tới mà sao đã nhớ.

Đáp tàu từ Hà Nội lên Yên Bái trong miền ký ức về những giới thiệu rất mơ hồ của người ấy: “Đi tàu từ Hà Nội lên Yên Bái, khi nào thấy bỗng nhiên mát mát, đưa tay qua ô cửa tàu thấy ướt ướt, lành lạnh là đã tới Yên Bái”. Tôi cũng chẳng dám thò tay ra ngoài để cảm nhận vì được nhân viên nhà tàu cảnh báo về những tai nạn có thể xảy ra khi thò tay, thò đầu ra ngoài trong khi tàu đang chạy. Nhưng tôi luôn hướng mắt lên cửa kính chờ những hạt mưa phất nhẹ. “Đến rồi” - lòng thầm reo lên khi thấy những hạt mưa bắt đầu lăn trên cửa kính.

Xuống tàu, trời lất phất mưa. Người ta nói Yên Bái là đất mưa. Đúng vậy. Cái mưa dầm dề, lê thê nhưng lại rất dễ chạm tới trái tim của con người. Những người bạn đồng hành đã chờ sẵn với đầy đủ tư trang hành lý cho một chuyến khám phá Mù Cang Chải bằng xe máy. Lên xe, quên hết mệt mỏi sau một chuyến tàu dài dẵng 5 giờ đồng hồ bởi lời giới thiệu rất hấp dẫn của những người bạn: “Vy đi mùa này là đúng rồi. Mù Cang Chải đẹp nhất vào tháng 9, tháng 10 - mùa lúa chín mà. Vy sẽ ngây ngất bởi những nấc thang vàng”. Những người bạn cười lớn. Tôi cũng xem trên Internet những bức ảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa lúa chín, phải nói là đẹp tuyệt. Được ngắm trực tiếp chắc sẽ còn hấp dẫn hơn nhiều.

Vượt quãng đường 80 cây số, chúng tôi đã có mặt tại thị xã Nghĩa Lộ. Trên cái vùng núi cao này bỗng nhiên lại có một vùng đất bằng phẳng “mỏi cánh cò bay” thế này nhỉ - lòng nghĩ thầm, rồi bất giác mỉm cười cảm ơn quà tặng của thiên nhiên. Câu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” giờ mới được tự mình chứng minh. Cánh đồng Mường Lò lớn thứ 2 miền Bắc, chỉ sau Mường Thanh. Nhưng ruộng bậc thang Mù Cang Chải mới là cái đích đến nên chúng tôi nhanh chóng tạm biệt Mường Lò, hướng Mù Cang Chải thẳng tiến.

Qua địa danh Tú Lệ có gạo nếp Tú Lệ nổi danh, những hàng xôi nếp thơm nức. Bất chợt gặp những cô gái Thái đẹp dịu dàng với nước da trắng ngần. Người bạn chở tôi như đọc được cảm xúc của người lần đầu tiên tới: “Gái Tú Lệ là xinh nổi tiếng đấy nhé!”. À! Ra là vậy. Cái đất Tú lệ giáp ranh với Mù Cang Chải này lắm “đặc sản” ra phết nhỉ. Rồi khuất dần những ngôi nhà của người Thái, sang tới những ngôi nhà của người Mông, tôi cảm nhận rõ sự thay đổi của văn hóa qua những ngôi nhà, những người dân bản địa. Nó như một thước phim chiếu qua. Cảm giác lạ kỳ không gọi được tên.

“Bắt đầu vào đèo Khau Phạ nhé!” - mọi người đồng loạt hô, rất hồ hởi. À! Đèo Khau Phạ đã được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo cùng với Pha Đin, Ô Quy Hồ, Mã Pí Lèng đây. Anh bạn đi cùng giới thiệu: “Đèo Khau Phạ là xếp thứ 2 trong "tứ đại đỉnh đèo" của miền Bắc Việt Nam. Đèo Khau Phạ đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Chế Cu Nha, Nậm Có... ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển. Chút nữa thôi chúng ta sẽ như đi vào cõi tiên”. Câu “chua” sau cùng trong lời giới thiệu của người bạn thật hấp dẫn.

Những khúc cua ôm và những đoạn “thả đèo” đã cho tôi một “cảm giác mạnh”. Dù con đường đã được trải nhựa nhưng nhiều chỗ do sạt lở cũng tương đối nguy hiểm. Bên trái là vách núi cao với những rừng cây già, chỗ lại là những nương ngô đang lên xanh mướt. Nhưng có điều tuyệt vời trên cung đường này đó là dưới vực sâu ấy không phải là hun hút vách đá mà lại là những mảnh ruộng bậc thang chỗ xanh, chỗ vàng. Anh bạn đi cùng giải thích rằng đó là do địa hình dốc, việc cấy lúa rất mất thời gian nên có khi thửa này đã chín vàng nhưng thửa kia lại vẫn xanh.

Đang đi bỗng không khí mát mát, một làn mây mỏng nhẹ phả qua người. Thật tuyệt vời, cứ như ta đang đi xuyên qua mây vậy. Rồi bỗng nhiên ồ ạt mây tràn xuống, tất cả trở nên mờ ảo như đang đi vào cõi tiên, cực kỳ thú vị. Ai đã từng đến Sapa mù sương thì trên đèo Khau Phạ cũng vậy, sương đặc quánh. Cũng vì đó mà tầm nhìn bị hạn chế, chúng tôi phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn. Anh bạn tôi giải thích rằng do đèo thường mịt mù sương phủ và đỉnh đèo nhô lên trên biển mây trông như chiếc sừng nên mới có tên là Khau Phạ. Trong tiếng dân tộc Thái, Khau Phạ có nghĩa là Sừng Trời, hay đôi khi còn được hiểu là Cổng Trời.

Vượt qua vùng đèo heo hút gió và mịt mùng sương phủ, càng đi, càng lên cao thì bức tranh ruộng bậc thang Mù Cang Chải hiện ra trước tôi càng rực rỡ, lộng lẫy. Trong nắng và những cơn gió nhè nhè của mùa thu, những nấc ruộng bậc thang như những đợt sóng vàng xô nhẹ vào bờ đất. Không thể cưỡng lại được sức hút đó, chúng tôi dừng lại tại một điểm ngắm ruộng bậc thang tương đối đẹp ngay bên con đường nhựa thuộc địa phận xã Chế Cu Nha. “Những nấc thang vàng”, “sóng vàng”, “sóng lúa”... những cái tên mỹ miều mà những nhiếp ảnh gia, những dân du lịch bụi tặng cho ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Nhưng dường như vẻ đẹp đó không có ngôn từ nào có thể miêu tả hết được. Lúa đổ vàng ruộm trên các thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải hòa quyện cùng núi rừng kỳ vĩ tạo nên bức tranh nhiều màu sắc. Ôi cái kiệt tác thiên nhiên này được làm từ chính bàn tay, khối óc của những người Mông cần cù, chăm chỉ. Từ đời này qua đời khác nối tiếp nhau họ đã khai khẩn núi đồi thành những thửa ruộng bậc thang không chỉ cho lúa gạo mà còn cho giá trị thẩm mỹ, tính nhân văn sâu sắc, để hôm nay đây những người khách lạ đến nơi này được ngắm và cảm phục. Hương lúa mới thơm ngát xen lẫn mùi nồng nồng của đất tạo thành một mùi rất dễ chịu, trong lành mà không bao giờ ta có thể nhận được ở nơi đô thị. Tôi cứ hà hít lấy như thể nó sẽ hết ngay vậy.

“Đi thôi, còn nhiều nơi đẹp như thế này hoặc có thể còn hơn thế ấy chứ” - những người bạn hò reo lên đường đi tiếp hướng thị trấn. Không chỉ được thưởng thức những bức tranh ruộng bậc thang Mù Cang Chải tuyệt đẹp. Mỗi đoạn đường chúng tôi đi qua như một khám phá thú vị về văn hóa của đồng bào Mông qua những trang phục, những nếp nhà gỗ thấp lè tè được bao bọc xung quanh là tường đá được xếp tỉ mỉ ngay ngắn. Thế mới thấy người Mông có đức tính cần cù và kiên trì làm sao. Những người bạn Yên Bái của tôi cho biết thêm, cho đến nay đồng bào nơi đây vẫn gìn giữ và bảo tồn các tập tục, các nghi thức cũng như tín ngưỡng độc đáo trong đời sống của họ.

Đến thị trấn Mù Cang Chải trời đã sẩm tối, không khí se se lạnh quấn quanh. Trước khi nhận phòng nghỉ mấy bạn đã giới thiệu: “Tối nay sẽ ăn nhiều món rau độc đáo lắm”. Tò mò tôi hỏi, một bạn gái đi cùng nói: “Rau rớn này, rau cải của người Mông này... nói chung là nhiều lắm. Mọi người đãi chị những món rau mà ở xuôi không bao giờ có được đâu”. Đúng rồi! Chuyến đi này tôi đã được trải nghiệm những điều thú vị mà tôi chưa bao giờ có được... Và ngày mai, tôi sẽ tiếp tục được thỏa sức, chìm đắm trong vẻ đẹp của ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Thanh Vy - TTXT du lịch Yên Bái

Tin du lịch Yên Bái

Mục lục

Du lịch Yên Bái
          - Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
          - Đèo Khau Phạ
          - Hồ Thác Bà
          - Làng nghề tranh đá quý Lục Yên
          - Đền Đông Cuông