Địa điểm du lịch Kênh gym

Liên kết vùng tạo những khởi sắc cho Du lịch Yên Bái

30/11/2015 - 2202 view
Liên kết vùng tạo những khởi sắc cho Du lịch Yên Bái

Du lịch Yên Bái đã dần khẳng định được thương hiệu. Lượng khách đến với Yên Bái tuy chưa tương xứng với tiềm năng nhưng tăng đều theo từng năm - chứng tỏ hướng đi đúng của du lịch Yên Bái. Trong những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã xác định phát triển du lịch không chỉ nằm trong một vùng, một tỉnh mà vượt ra khỏi phạm vi hành chính của một địa phương, một khu vực. Việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương là xu thế chung tất yếu hiện nay.


Liên kết giữa các địa phương trong tỉnh

Liên kết du lịch cho phép khai thác những lợi thế tương đối của nhau về tài nguyên du lịch, về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác, tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn với các bên liên quan, từ đó có thể thu hút được các nhà đầu tư, thu hút khách du lịch. Thực tế, du lịch Yên Bái đã cho thấy liên kết các địa phương trong phát triển du lịch mang lại hiệu quả cao. Thị xã Nghĩa Lộ và huyện Mù Cang Chải là hai địa phương nòng cốt đã tạo ra thương hiệu du lịch miền Tây Yên Bái.

Một chủ trương đúng của tỉnh đã mở ra cho 2 địa phương này hướng phát triển du lịch hiệu quả. Hàng năm, Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò, Tuần Văn hóa - Du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được tổ chức nối tiếp nhau, tạo chuỗi các hoạt động thu hút du khách đến với hai địa phương này.

Theo thống kê của thị xã Nghĩa Lộ, Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò 2015 đã thu hút khoảng trên 10.000 du khách tham gia. Dự ước, hầu hết lượng du khách sau khi tham gia Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò đã đi tiếp lên Mù Cang Chải để tham gia các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Với trên 20.000 lượt khách đến với các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch Danh thắng Ruộng bậc thang, một lượng khách không nhỏ từ Mù Cang Chải xuống ở lại Nghĩa Lộ, các hoạt động du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ sau các tuần văn hóa rất hút khách. Dự ước, doanh thu từ 2 tuần văn hóa miền Tây năm 2015 đạt gần 5 tỷ đồng - cao nhất từ trước tới nay.

Ngoài vấn đề thu hút du khách bởi vẻ đẹp của ruộng bậc thang hay nét đẹp trong văn hóa của người Thái Nghĩa Lộ, phải kể đến vai trò quan trọng trong hoạch định phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng của các nhà quản lý. Hướng liên kết ấy được hiện thực bằng những cuộc họp “phân vai” cho 2 địa phương thị xã Nghĩa Lộ và huyện Mù Cang Chải. Thành công của các Tuần Văn hóa - Du lịch miền Tây vài năm trở lại đây đã cho thấy cách làm đó là đúng. Có thể thấy, gần đây nét đẹp trong văn hóa của người Thái Mường Lò và vẻ đẹp hùng vĩ của Mù Cang Chải đã luôn gắn liền trong các lời chào mời của các hãng lữ hành đối với du lịch Yên Bái.


Liên kết với các địa phương ngoài tỉnh

Du lịch là một ngành kinh tế đặc thù. Trong điều kiện hội nhập và mở cửa thì liên kết du lịch là tất yếu. Từ năm 2006, ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ đã liên kết xây dựng tuyến du lịch về cội nguồn và từ năm 2008, đến nay đã mở rộng ra 8 tỉnh Tây Bắc: Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Giang - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình cùng xây dựng, liên kết tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc. Những khung kế hoạch hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã được ký kết, ghi nhớ. Các hội chợ về du lịch để quảng bá, tiềm năng du lịch của từng tỉnh được tổ chức rầm rộ. Qua đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư du lịch, các công ty lữ hành phát triển các tour tuyến du lịch trong vùng Tây Bắc nói chung, và tại tỉnh Yên Bái nói riêng. Nhiều công ty lữ hành Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh... đã ký kết phối hợp với một số hộ gia đình như gia đình chị Lường Thị Hồng Chung - xã Nghĩa Lợi, gia đình chị Hoàng Thị Phượng - xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ)... xây dựng mô hình du lịch Homestay theo các tiêu chí về chỗ ngủ, chỗ ăn ở và một số chương trình giao lưu văn hóa, thử làm nông dân... thu hút khá đông lượng khách quốc tế.

Thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, trong những tháng đầu năm, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Yên Bái đã tham gia gian hàng tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM 2015 ở Hà Nội, 2 gian hàng Hội chợ Du lịch Tây Bắc tại tỉnh Phú Thọ giới thiệu, quảng bá về các sản phẩm dân tộc truyền thống, các tiềm năng thế mạnh, nét văn hóa đặc sắc về du lịch Yên Bái với các tỉnh trong khu vực, trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, ngành đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án EU tổ chức cho nhóm chuyên gia quốc tế khảo sát thực địa đánh giá các sản phẩm du lịch chính của Tiểu vùng sông Hồng Yên Bái; hỗ trợ tỉnh Yên Bái xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên nguyên tắc du lịch có trách nhiệm dọc theo tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và kế hoạch xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch này trên trang web du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.

Cùng với liên kết hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc, trong nhiều năm qua, du lịch Yên Bái còn hợp tác quốc tế với tỉnh Valde Maner (Cộng hòa Pháp). Qua nhiều cuộc trao đổi thông tin, trong năm 2015, Valde Maner đề nghị giúp đỡ tỉnh Yên Bái xây dựng quy hoạch tổng thể khu du lịch Hồ Thác Bà theo tiêu chuẩn cấp quốc gia với diện tích 1.000 ha. Đồng thời, hỗ trợ chuyên gia du lịch phối hợp với Công ty tư vấn Việt Nam nghiên cứu xây dựng quy hoạch. Cùng với đó là các hoạt động quảng bá giới thiệu về du lịch cộng đồng của tỉnh Yên Bái với du khách Pháp và các Công ty du lịch Pháp đang hoạt động tại thị trường Việt Nam; hỗ trợ dạy tiếng Pháp và hướng dẫn kỹ năng phục vụ du lịch cho người dân tại thị xã Nghĩa Lộ; xây dựng bộ chỉ số theo dõi việc thực hiện quy hoạch phát triển du lịch Yên Bái; xây dựng cuốn sách giới thiệu Valde Maner - Yên Bái... Với những hợp tác này, chắc chắn lượng khách quốc tế, đặc biệt là du khách Pháp đến với Yên Bái ngày càng tăng.


Những trăn trở trong hoạt động liên kết

Tăng cường liên kết phát triển du lịch là một trong 5 nội dung chính của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc liên kết thành vùng du lịch với sự tham gia của nhiều địa phương là một trong những hướng hợp tác được nhiều địa phương lựa chọn, trong đó có Yên Bái. Tuy vậy, việc liên kết vùng trong tỉnh bước đầu mới chỉ nhận thấy được việc phân vai rõ ràng giữa thị xã Nghĩa Lộ và Mù Cang Chải.

Với rất nhiều tiềm năng du lịch ở khắp các địa phương trong tỉnh, việc liên kết vùng để phát triển du lịch cần phải đẩy mạnh hơn nữa như Yên Bình với Lục Yên, thành phố Yên Bái với Trấn Yên, Văn Yên... mỗi địa phương mang thế mạnh, sản phẩm du lịch tiêu biểu phối hợp quảng bá theo tuyến sẽ hiệu quả hơn rất nhiều việc độc lập quảng bá. Bài học cần rút ra là việc “phân vai” cho từng địa phương phải rõ ràng.

Để làm được điều đó, các địa phương cần ngồi lại bàn bạc cụ thể, đưa ra các giải pháp tối ưu dưới sự hoạch định chiến lược của tỉnh trong tổng thể du lịch Yên Bái. Sự tham gia tích cực của cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng môi trường du lịch tại địa phương. Cộng đồng dân cư không chỉ là nguồn lực tại chỗ mà còn là lực lượng giám sát môi trường du lịch nhanh và hiệu quả nhất. Vì vậy, việc truyền thông để người dân hiểu được lợi ích kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc thông qua việc làm du lịch là hết sức cần thiết và cấp thiết. Những lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho hộ gia đình làm dịch vụ Homestay, những lớp học nghề nấu ăn cần được mở nhiều hơn nữa tại các vùng tiềm năng du lịch...

Với liên kết ngoài tỉnh, liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã dần khắc phục được tình trạng hình thức. Đặc biệt, liên kết ở vùng Tây Bắc cũng đã bước đầu hình thành được cơ chế chung trong chỉ đạo, điều hành, khuyến khích mở rộng liên kết song phương giữa hai tỉnh và đa phương với nhiều tỉnh khác nhau. Phạm vi liên kết đã mở rộng cả sự quảng bá, tạo sản phẩm, xây dựng các chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, song, lợi thế của du lịch Yên Bái chưa được phát huy tối đa. Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động đã đưa SaPa về gần với Hà Nội khiến hướng du lịch theo kiểu trung chuyển dần mất đi. Nhưng việc giao thông đi lại thuận tiện chính là lợi thế để Yên Bái phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng vùng miền. Tuy vậy, đến nay kết quả chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, cần làm tốt hơn nữa quảng bá với các tỉnh liên kết.

Sự liên kết hợp tác vùng không chỉ giúp các địa phương kết nối xây dựng thành một tour tuyến, điểm đến du lịch mà còn giúp các địa phương trong nhóm liên kết tiết kiệm được chi phí quảng bá xúc tiến. Thiết nghĩ, nếu tận dụng tối đa sự liên kết hợp tác vùng, du lịch Yên Bái sẽ phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có.

TTXT du lịch Yên Bái

Tin du lịch Yên Bái

Mục lục

Du lịch Yên Bái
          - Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
          - Đèo Khau Phạ
          - Hồ Thác Bà
          - Làng nghề tranh đá quý Lục Yên
          - Đền Đông Cuông