Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Yên Bái chuyển mình với những diện mạo mới

09/07/2015 - 2274 view
Du lịch Yên Bái chuyển mình với những diện mạo mới

Mấy năm trước, khách lên du lịch Yên Bái, đôi khi không biết đưa đi đâu chơi thì bây giờ người Yên Bái có thể tự tin rằng, còn xem khách ở lại bao lâu để lên chương trình đến những nơi nổi bật nhất. Bởi những tiềm năng du lịch: danh thắng, văn hóa cộng đồng, di tích lịch sử ở Yên Bái đã được đánh thức. Cùng với những định hướng, quy hoạch, chính sách đúng đắn trong thu hút đầu tư, hệ thống cơ sở hạ tầng toàn tỉnh đang dần hoàn thiện, vùng du lịch trải rộng khắp các địa phương đang mở ra một diện mạo mới cho du lịch Yên Bái.


Tiềm năng được đánh thức

Có lẽ, ít có tỉnh nào mà tiềm năng du lịch lại trải khắp các địa phương như ở Yên Bái. Mỗi vùng, miền có những nét riêng, độc đáo. Gần đây, mỗi năm Yên Bái đón hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước. Lượng khách năm sau luôn cao hơn năm trước, là minh chứng cho sức hấp dẫn của du lịch Yên Bái. Trong số những điểm đến hấp dẫn ở Yên bái phải kể đến Mù Cang Chải. Chỉ cần gõ “du lịch Mù Cang Chải”, google sẽ cho ra vài chục nghìn kết quả khác nhau. Trong đó, quảng bá của tỉnh, của các công ty lữ hành chỉ chiếm một phần, còn lại là những bài viết chia sẻ thú vị về Mù Cang Chải hay những bức ảnh tuyệt đẹp của chính những du khách trên các trang của nhóm, hội du lịch...

- Với vẻ đẹp của kiệt tác ruộng bậc thang Mù Cang Chải, nét văn hóa canh nông đặc sắc của người Mông, dường như Mù Cang Chải chưa bao giờ hút du khách như hiện nay. Nhất là, vào dịp tháng 8, tháng 9, khi những thửa ruộng vàng tít tắp, muôn hình vạn trạng, tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ thú, những nấc thang vàng như lớp lớp sóng núi bất tận làm mê đắm du khách. Một người bạn từ Hà Nội lần đầu tiên được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã thốt lên rằng: "Thật tuyệt vời! Những bậc thang vàng như thể bắc lên tận trời xanh”. Rất nhiều du khách nước ngoài cả chục năm nay, cứ đến độ lúa mùa chín, họ lại tìm về săn ảnh.

- Với những nỗ lực quảng bá của ngành du lịch Yên Bái, ruộng bậc thang Mù Cang Chải được công nhận là Danh thắng quốc gia năm 2007. Sự kiện ấy, là bàn đạp để du lịch Mù Cang Chải từng bước phát triển. Hàng năm, huyện tổ chức tuần văn hóa du lịch danh thắng ruộng bậc thang luôn thu hút hàng chục nghìn lượt khách. Theo đó, những khách sạn, nhà nghỉ được xây dựng và đi vào hoạt động đã làm thay đổi diện mạo của cao nguyên Mù Cang Chải.

Cũng trong hành trình về miền Tây tỉnh Yên Bái, trước khi đến với Mù Cang Chải, du khách sẽ được trải nghiệm đầy thú vị tại vùng Mường Lò (Văn Chấn, Nghĩa Lộ) với cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực, phong tục, tập quán cùng những điệu xòe say đắm lòng người của bà con Thái, Mường. Văn hóa tộc người tại đây chính là sức hút mạnh mẽ đối với du khách. Mỗi vùng miền là một thế mạnh riêng, vì vậy các địa phương cũng có những cách làm du lịch theo hướng đi của riêng mình.

- Và Nghĩa Lộ, với những nếp nhà sàn truyền thống, đã hình thành nên những bản văn hóa làm du lịch cộng đồng. Mấy năm về trước, cả thị xã chỉ có vài gia đình người Thái ở xã Nghĩa An làm du lịch cộng đồng thì nay các bản như: Chao Hạ 1, Chao Hạ 2, Xà Rèn... ở xã Nghĩa Lợi, là những địa chỉ mà khách luôn tìm tới để được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa. Đại diện một công ty lữ hành cho biết, khách quốc tế đến với Mường Lò ngày một đông và họ rất ưa khám phá văn hóa tộc người.

- Vùng Mường Lò đúng là nơi đã đáp ứng được nhu cầu ấy của du khách, vì ở đây có nhiều dân tộc thiểu số chung sống và vẫn giữ được sự đặc sắc, đậm nét của văn hóa truyền thống. Cũng chính điều ấy, một số công ty lữ hành đã liên kết trực tiếp với các hộ gia đình ở Mường Lò để tổ chức mô hình du lịch Homestay rất hiệu quả, tạo nên bức tranh du lịch Mường Lò sống động, đầy mầu sắc. Hiện nay, ở thị xã Nghĩa Lộ có 24 gia đình tham gia mô hình du lịch Homestay, điển hình như gia đình chị Lường Thị Hồng Chung ở bản Chao Hạ 1. Ban đầu, gia đình chị hợp tác với Công ty du lịch Á Châu đón khách du lịch theo tour của Công ty. Đến nay, gia đình chị đã đón các đoàn khách của 18 công ty du lịch khác ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh gồm cả khách trong, ngoài nước.

Bên cạnh văn hóa tộc người, danh thắng, trong hành trình du lịch Yên Bái về phía tây còn có những suối khoáng nóng được đầu tư, khai thác triệt để như suối nước nóng Bản Bon, xã Sơn A, suối khoáng nóng Bản Hốc, xã Sơn Thịnh, suối khoáng Tú Lệ... huyện Văn Chấn.

Cùng với nhánh phía tây, những năm qua, du lịch Danh thắng quốc gia hồ Thác Bà, du lịch tâm linh đền Đông Cuông (Văn Yên), đền Đại Cại (Lục Yên), chợ đá quý Lục Yên... cũng là những điểm nhấn thu hút đông khách cho du lịch Yên Bái. Trong đó, hồ Thác Bà với lợi thế là hồ nhân tạo lớn nhất miền Bắc, phong cảnh hữu tình, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã mở cửa thu hút các công ty đầu tư du lịch sinh thái hình thành các khu du lịch như Lavie Vũ Linh hay Khu du lịch Ruby bao gồm đầy đủ các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, khám phá đời sống văn hóa truyền thống của người Tày, Nùng, Dao, Cao Lan.


Thu hút đầu tư nhiều nguồn

Những “nàng công chúa ngủ trong rừng" đã được đánh thức và thu hút khách du lịch trong những năm gần đây. Do đó, năm 2011 tổng lượng khách đến du lịch Yên Bái đạt khoảng 367.000 lượt, doanh thu khoảng 154 tỷ đồng thì năm 2014, Yên Bái đón tới 435.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 178,8 tỷ đồng. Hàng năm, tỉnh tổ chức nhiều sự kiện du lịch và tham gia quảng bá, xúc tiến đầu tư như: Tuần văn hóa - du lịch Mường Lò, Tuần văn hóa Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Phiên chợ đá quý Lục Yên, Tuần văn hóa - du lịch Suối Giàng, lễ hội "Âm vang hồ Thác", Chương trình "Du lịch về với cội nguồn" liên kết giữa 3 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng...

Đặc biệt, chương trình hợp tác với tỉnh Val de Marne của Pháp tập trung vào 6 nội dung về lĩnh vực du lịch. Theo đó, Val de Marne hỗ trợ Yên Bái điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch trong 15 năm tới; hỗ trợ thẩm định, đánh giá, hoàn thiện hồ sơ Dự án Khu du lịch Tân Hương, Khu du lịch Suối Giàng bảo đảm khả thi, mang lại hiệu quả cao nhất cho các nhà đầu tư; xây dựng cẩm nang hướng dẫn du lịch Yên Bái - Val de Marne bằng tiếng tiếng Việt, tiếng Pháp, trong đó kết hợp quảng bá những hoạt động hợp tác giữa hai tỉnh; đưa tình nguyện viên sang dạy tiếng Pháp, hướng dẫn kỹ năng phục vụ du lịch cho người dân Nghĩa Lộ. Cùng với đó, tỉnh Val de Marne tư vấn, hỗ trợ một phần tài chính cho tỉnh Yên Bái bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào Dao, Thái, Mông...

Với những chính sách thu hút đầu tư du lịch thông thoáng, nên mạng lưới lưu trú từ chỗ nghèo nàn đến nay, toàn tỉnh có trên 127 cơ sở lưu trú phục vụ du khách, trong đó có 19 cơ sở được xếp hạng 1 sao, 8 cơ sở 2 sao, 2 cơ sở được Tổng cục Du lịch xếp hạng 3 sao. Ngành du lịch Yên Bái đã phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng, lập dự án hạ tầng kỹ thuật đường suối nước nóng Bản Bon, xã Sơn A; khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Khu ủy Tây Bắc, xã Phù Nham (huyện Văn Chấn); xây dựng quy hoạch tổng thể khu du lịch hồ Thác Bà theo tiêu chuẩn cấp quốc gia trên diện tích 1.000 ha...

Có thể thấy, chưa bao giờ đầu tư vào du lịch Yên Bái lại nhộn nhịp như hiện nay. Những tour, tuyến mới tại các danh thắng, di tích lịch sử, văn hóa tại tỉnh Yên Bái của các công ty du lịch trong nước, đã được mở, tạo ra cơ hội quảng bá và phát triển cho du lịch Yên Bái. Vấn đề giao thông, lâu nay bị coi là nguyên nhân của việc kém thu hút du khách thì nay đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã đem lại cơ hội lớn để Yên Bái phát triển du lịch. Trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, Yên Bái đã có kế hoạch tập trung ưu tiên phát triển mạnh du lịch và chúng ta tin rằng, những chính sách, cơ chế đầu tư ấy sẽ sớm tạo nên diện mạo du lịch Yên Bái ngày càng nhộn nhịp, phong phú mang lại hiệu quả kinh tế cao.

TTXT du lịch Yên Bái

Tin du lịch Yên Bái

Mục lục

Du lịch Yên Bái
          - Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
          - Đèo Khau Phạ
          - Hồ Thác Bà
          - Làng nghề tranh đá quý Lục Yên
          - Đền Đông Cuông