Địa điểm du lịch

Du lịch Hồ Thác Bà nhớ thưởng thức món mắm tép

09/01/2013 - 2377 view
Du lịch Hồ Thác Bà nhớ thưởng thức món mắm tép

Hồ Thác Bà được biết đến là một thắng cảnh đẹp của Yên Bái. Đây cũng là nơi có trữ lượng thủy sản lớn đem lại nguồn thu nhập cho tỉnh và người dân quanh vùng hồ Thác Bà. Đặc biệt, món mắm tép hồ Thác Bà còn nổi tiếng nức vùng.

Với diện tích trải dài từ huyện Yên Bình đến huyện Lục Yên, các xã nằm bên hồ Thác Bà có lợi thế về đánh bắt thủy sản, trong đó có tép. Người dân ở các xã Vĩnh Kiên, Đại Đồng, Phúc An, Yên Thành, Xuân Lai, Mỹ Gia, Cảm Nhân, Tân Hương, Xuân Long, Minh Tiến, Vĩnh Lạc, Tân Lĩnh, Tân Lập, Phan Thanh... đã sớm nhận ra tiềm năng lớn này và họ đã tự chế biến cho mình món mắm tép đầy khoái khẩu với độ đạm cao. Mắm tép hồ Thác Bà thường ăn kèm chuối xanh và thịt lợn luộc, khế cùng rau đinh lăng, hoặc có thể đem hấp vào cơm cùng với trứng gà sẽ được một món ăn ngon lành mà hương vị là lạ chẳng khác gì đặc sản.

Muốn bắt được tép ngon, người dân ở đây phải lựa những ngày thời tiết thay đổi, như thời điểm mưa xuân rải trắng mặt hồ Thác Bà là lúc tép béo nhất. Người dân chỉ cần rang một chút thính gạo, rắc lên mặt nước ven hồ, rồi thả vó xuống, mặt nước xao động thu hút tép vào ăn mồi; sau đó khẽ nhấc vó lên, sẽ được những mẻ tép dày đặc, con tép căng mình, nhảy lách tách phơi bụng trắng đục. Những ngày cao điểm mỗi người dân cất được khoảng gần 15kg tép tươi.

Chị Lanh, một người chuyên làm mắm tép ở chợ Xuân Lai cho biết: “Muốn được mắm ngon, người đi cất tép phải chọn được những mẻ tép béo và tươi nhất, đem về nhặt sạch rác, sát tép cho râu rụng bớt, sau đó rửa sạch bằng nước muối pha loãng, để ráo nước. Nếu muốn mắm tép ăn ngay thì đem giã tép làm mắm còn nếu muốn để mắm có thời gian lâu và dùng dần dần thì để cả con là tốt nhất”. Thính gạo, phụ gia không thể thiếu khi làm mắm tép. Mắm tép có sánh, màu đỏ tươi, con tép giữ được hình thể hay không, một phần quyết định ở thính. Do vậy, chọn gạo rang thính phải là gạo Chiêm Hương lứt mới còn vỏ cám, giã nhỏ thành bột mịn.

Khi làm mắm cũng phải chọn để mắm trong hũ sành là tốt nhất vì hũ sành đảm bảo độ ấm và kín vừa phải. Sau khi đã chuẩn bị đủ thì xúc tép vào hũ, lần lượt cứ hai bát tép thì rải lên trên một lớp thính, vẩy vào chút rượu nếp, sau đó là 3 thìa muối to, cứ làm như vậy đến khi đầy hũ. Lớp trên cùng nhất thiết phải là muối bởi khi muối hòa tan sẽ tạo thành một lớp trên bề mặt giữ cho mắm không bị hỏng. Nên đậy kín bằng lá chuối khô trước khi đặt nắp hũ lên. Để hũ mắm ở nơi râm mát, nhiệt độ ổn định. Sau một tháng hũ tép có thể mang ra sử dụng.

Người sành món tép này thường dùng để ăn cùng với các món ăn khác như ăn ghém, hay nấu canh rau cải. Tép hồ Thác Bà đã được nhiều người biết đến như thể một phần không thiếu trong tour du lịch hồ Thác Bà. Bát mắm tép vô cùng hấp dẫn bởi vị mặn, ngọt, chua dịu và mùi thơm đặc trưng. Hãy đến với hồ Thác Bà, ghé qua động Thủy Tiên, leo núi vào hang Chùa São, rồi dừng chân chiêm ngưỡng thủy điện Thác Bà, sau đó thắp nén hương thơm trên đền Mẫu Thác Bà... Và khi ghé chợ chọn mua đặc sản, nhớ đừng quên mua mắm tép hồ Thác Bà về làm quà bạn nhé!

TTXT du lịch Yên Bái

Tin du lịch Yên Bái

Mục lục

Du lịch Yên Bái
          - Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
          - Đèo Khau Phạ
          - Hồ Thác Bà
          - Làng nghề tranh đá quý Lục Yên
          - Đền Đông Cuông
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang