Địa điểm du lịch

Chùa Bái Đính ngự miền non thiêng

22/02/2015 - 2650 view
Chùa Bái Đính ngự miền non thiêng

Ngày đầu năm, lất phất mưa xuân và rét ngọt, chúng tôi hòa cùng dòng người thập phương về chiêm bái chùa Bái Đính - một công trình văn hóa tâm linh tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình để được đắm mình trong không khí linh thiêng hướng về đức Phật, tìm cho mình cảm giác thư thái, an lạc...

Con đường mòn quanh co dẫn lối, chùa Bái Đính hiện ra sừng sững, u tịch, chất chứa bao điều kỳ bí. Đoàn khách hành hương nhẹ bước đi trong lớp sương mờ còn chưa tan hết, nghe tiếng chuông chùa ngân nga, tiếng mõ nhịp khoan thai mà ngỡ như mình đang lạc vào một miền non thiêng. Vừa mê mải chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, ngắm nhìn nét đặc sắc của văn hóa dân gian và nghệ thuật độc đáo trong lối kiến trúc đình chùa, chúng tôi may mắn gặp được một “hướng dẫn viên” rất đặc biệt, đó là cụ Lương Văn Năm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Gia Sinh (Gia Viễn) - nơi ngự chùa Bái Đính. Năm nay, cụ Năm đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, song năm nào cũng vậy, cứ những ngày đầu xuân mới là cụ lại lên chùa thưởng lãm cảnh đẹp và thành tâm bái Phật.

Thong thả từng bước, cụ Năm đưa chúng tôi đi vãn cảnh chùa. Cụ kể, từ khi còn rất nhỏ, thế hệ chúng tôi đã được nghe các cụ cao niên trong làng kể những câu chuyện huyền bí về ngôi chùa này. Núi chùa Bái Đính cũ xưa có hàng ngàn năm tuổi rồi. Trước kia, chùa còn có tên gọi “Đính Lĩnh Sơn Tự”. Từ thuở còn ban sơ, Bái Đính đã mang một vẻ đẹp hiếm có. Bao quanh chùa là núi rừng rậm rạp, bao la, cây cao, tán rộng. Quanh năm chim về làm tổ, hót líu lo khiến Thiền lâm thêm huyền diệu. Tương truyền rằng, thế kỷ XII, thiền sư Nguyễn Minh Không khi đến đây tìm cây, hái thuốc về chữa bệnh cho Vua đã phát hiện ra cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây, sau đó thiền sư đã cùng sơn môn về đây mở chùa, thờ Phật và viết lên 4 chữ “Minh Đỉnh Danh Lam”.

Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, ngôi chùa Bái Đính cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn với địa phương. Điển hình là vào năm 1943, đồng chí Trần Tử Bình khi ấy là cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách chiến khu Cách mạng Quỳnh Lưu đã tổ chức cuộc nói chuyện với nhân dân địa phương trước ngày hội chùa. Trong buổi nói chuyện, ông đã giác ngộ, kêu gọi nhân dân đoàn kết phối hợp với Mặt trận Việt Minh vùng lên giành độc lập tự do cho nhân dân. Một năm sau đó, cũng tại đây, bà Nguyễn Thị Hưng - cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ, ủy viên ban cán sự Đảng tỉnh Ninh Bình lại về nói chuyện trước cuộc mít tinh kêu gọi nhân dân tham gia Việt Minh, tích cực chuẩn bị giành chính quyền... Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chùa Bái Đính là căn cứ địa vững chắc bảo vệ các cơ quan, đơn vị và là nơi che chở cho hàng trăm đồng bào khi giặc vào làng càn quét, đốt phá. Ngôi chùa cũng là nơi cất giấu vũ khí, quân lương phục vụ cho bộ đội, dân quân, du kích và là nơi cấp cứu, nuôi dưỡng, học tập cho các thương, bệnh binh...

Với mỗi người dân Gia Sinh, ngôi chùa Bái Đính có một vai trò rất lớn trong đời sống tâm linh. Cứ vào dịp mùng 6 tháng giêng âm lịch là nhân dân trong xã lại nô nức tổ chức lễ hội chùa Bái Đính. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công lao Đức thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng ngàn. Nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ thần Cao Sơn, Đức thánh Nguyễn và Bà Chúa Thượng Ngàn.

Cụ Năm nói rằng, trước kia, đời sống của bà con địa phương còn bộn bề khó khăn, ai cũng phải bươn chải lo kiếm sống, nhưng cứ vào khoảng thời gian làng tổ chức lễ hội thì ai cũng thu xếp công việc để về dự. Người thì đĩa xôi, khổ thịt hay con gà, người thì làm đĩa bánh dày bằng bột sắn thành tâm cúng Phật, thánh Nguyễn Minh Không và bà chúa Thượng Ngàn, cầu cho Quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào. Ngày nay, đời sống của bà con đã khá lên nhiều, song những phong tục truyền thống trong ngày hội vẫn được gìn giữ như một “báu vật”. Ngoài phần “lễ” là phần “hội” với nhiều trò chơi truyền thống như: đấu vật, thi nấu cơm, cờ người, chọi gà... Về với lễ hội Chùa Bái Đính không chỉ là con em quê hương mà còn có hàng ngàn lượt khách thập phương về chiêm bái và lễ cầu sức khỏe.

Ông Phạm Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Gia Sinh cho biết, từ năm 1997, chùa Bái Đính đã là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày nay, ngôi Chùa được xây dựng là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục Châu Á và Việt Nam: Chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam, chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất Châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất Châu Á... Năm 2010, chùa Bái Đính là nơi tổ chức Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam... Với những kỷ lục này, Bái Đính luôn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế về chiêm bái. Tuy nhiên, để lễ hội chùa Bái Đính thực sự trở thành nét đẹp văn hóa của địa phương và là nơi về nguồn ý nghĩa trong tâm linh của không chỉ những người con đất Việt mà còn là nơi tìm đến của bè bạn năm châu thì những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, lòng tự hào cho người dân địa phương về việc bảo vệ di tích. Địa phương cũng mở các lớp đào tạo về văn hóa, văn minh du lịch tại địa bàn nhằm nâng cao ý thức, kiến thức cho người dân trong cung cách làm dịch vụ du lịch.

“Đi chùa cũng chẳng cầu gì ngoài mong muốn cho lòng mình thanh thản. Vào đến đất Phật, người ta chỉ mang theo mình sự thành kính, ngưỡng mộ với chốn non thiêng. Bởi vậy, mỗi người dân Gia Sinh đều cố gắng để mỗi du khách khi rời non thiêng, không chỉ cảm thấy lòng mình được thanh thản, an lạc mà còn vương vấn, níu giữ được hình ảnh của đất và người Gia Sinh” - cụ Lương Văn Năm trải lòng như thế khi chia tay chúng tôi.

TTXT du lịch Ninh Bình

Mục lục

Du lịch Ninh Bình
   (1) Quần thể danh thắng Tràng An
              - Khu du lịch Tràng An
              - Chùa Bái Đính
              - Cố đô Hoa Lư
              - Khu du lịch Tam Cốc
              - Chùa Bích Động
              - Vườn chim Thung Nham
              - Động Thiên Hà
   (2) Mở rộng các điểm du lịch khác
              - Vườn quốc gia Cúc Phương
              - Khu bảo tồn Vân Long
              - Suối nước nóng Kênh Gà
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang