Đền Cờn, cây thiêng di sản 12/08/2016 - 2776 view
Đền Cờn là ngôi đền uy linh, trấn giữ cả một miền duyên hải địa đầu xứ Nghệ, đứng đầu 4 đền thiêng Nghệ - Tĩnh xưa nay (Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng). Bồi đắp, gìn giữ nên những huyền sử của đền, ngoài biết bao truyền thuyết xưa nay, hẳn còn có sự chứng kiến trường thiên của những đại thụ có tuổi đời hơn nửa thiên niên kỷ. Nhìn từ cây cầu bắc ngang dòng Mai Giang, bóng những gốc đại thụ tỏa rộng trùm kín ngôi đền thiêng.
Theo sử sách, Đền Cờn được xây dựng vào năm 1235 đời nhà Trần. Vẫn còn đó bức đại tự “Vạn cổ anh phong” (anh linh oai phong muôn đời). Từ năm 1312, Trần Anh Tông sắc phong lập đền Cần Hải, tên Nôm ngày xưa là Càn, đến đời Lê - Trịnh, vì phạm húy nên đổi là Cờn. Từ đó gọi tên cửa sông là cửa Cờn. Đến thời vua Lê Thánh tông, 1472, đền tiếp tục được xây dựng thêm 2 tòa uy nghi. Đến những lần trùng tu sau này, mà cụ thể là vào năm 1472, cùng với việc tiếp tục tôn tạo, mở rộng, nhiều loại cây cổ thụ được trồng như cây đa, gạo gai, xoài, vông...
Đến nay, qua nửa thiên niên kỷ dầu dãi, thiên tai, đạn bom đã làm các gốc đại thụ xưa đi vào lịch sử, chỉ còn rất ít “cụ” cổ thụ ở lại để tiếp tục làm chứng nhân cho ngôi Đền Cờn, Nghệ An. Trong đó, có “cụ” đa bên trái mặt ngoài đền và “cụ” vông bên phải sân đền đã được công nhận là cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam vào tháng 2/2016.
Thân “cụ” vông vươn rộng, vẫn xanh tươi qua hàng trăm năm, che kín các tòa nghi môn, tiền đình, hạ điện, trung điện.
Không chỉ che bóng cho Đền Cờn linh thiêng, gốc vông đại thụ còn vươn bóng ra tận bờ sông, che mát cho cả những khách xa hành lễ.
Bảng công nhận cây Di sản được gắn trên thân cây vông. Qua năm tháng, những gốc đại thụ được người dân nơi đây coi là linh thiêng và thường xuyên cầu khấn, lễ bái. Cụ bà Nguyễn Thị Son (76 tuổi), người bán nước ở cổng Đền Cờn đã mấy chục năm nay kể rằng, “cụ” cây linh ứng lắm, cầu khấn thành tâm thường ứng nghiệm.
Phía bên trái Đền Cờn là gốc đa đại thụ, cũng là cây Di sản. Trải qua hơn 500 năm, gốc đa cổ thụ đã gãy đổ nhiều lần. Nhưng kỳ lạ thay, mỗi lần gãy đổ, lại thêm nhiều cành mới vươn lên trường tồn cùng thời gian. Đến nay, biết bao loài địa y đã bám vào thân cây đa cổ thụ, làm dấu vết thời gian càng in đậm lên dáng cây.
Gốc đa cổ thụ đã chằng chịt bao lớp thân, rễ phụ ghi dấu tuổi đời. Trong tâm khảm người làng Phương Cần xưa hay du khách thập phương về thành kính dâng hương thì những “cụ” cây chính là một phần hồn cốt không thể tách rời với hình ảnh Đền Cờn, tạo nên sự linh thiêng ngàn đời của “đệ nhất linh” xứ Nghệ.
TTXT du lịch Nghệ An
|
|