Địa điểm du lịch

Đền Cuông và những giai thoại

20/03/2016 - 2713 view
Đền Cuông và những giai thoại

Mùa xuân về Đền Cuông Nghệ An, du khách có dịp cầu phúc, cầu tài và ngắm nhìn những dấu tích đoạn kết của câu chuyện Loa Thành với rất nhiều truyền thuyết về công chúa Mỵ Châu và Vua An Dương Vương - “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ nên để cơ đồ đắm biển sâu”.

Truyền thuyết về vua thục An Dương Vương, công chúa Mỵ Châu không chỉ gắn với Đền Cuông mà còn gắn với nhiều địa danh cùng những giai thoại huyền bí trên đất Diễn Châu. Bãi biển vùng cửa Hiền, nơi An Dương Vương tuẫn tiết. Tại đây mỗi sự vật đều gắn liền với một câu chuyện thú vị. Một phiến đá to cao, bằng phẳng, tương truyền, người dân đi biển thỉnh thoảng vẫn thấy Thục An Dương Vương đánh cờ với thần Kim Quy trên đó. Ở Cửa Hiền còn lưu lại dấu tích hang Mỵ Châu, trước cửa hang có một gò đá ngày càng được đắp cao, do những đôi trai gái yêu nhau đã nhặt những hòn đá đặt lên để cầu mong Công chúa phù hộ cho tình yêu bền chặt. Các đồ vật của nhà vua mang theo mình đều hóa thành Núi Cờ, núi Kiếm, núi Áo, núi Mão, núi Gươm, núi Đầu Cân.

Sau khi Đền Cuông được tôn tạo và Lễ hội đầu tiên hoạt động trở lại vào năm 1995, người dân đã chứng kiến những sự việc có mức độ trùng lặp đến lạ kỳ, đó là hạc trời bay vào Đền Cuông và cá voi dạt vào bờ, nơi An Dương Vương tuẫn tiết. Ai cũng cho rằng, cá voi là hiện thân của Vua và hạc trời là Mỵ Châu hóa thân để tham gia lễ hội cùng mọi người. Sau khi hạc chết, xác được ướp để trong lồng kính tại Đền.

Nếu về Đền Cuông mà không một lần lên đình núi Mộ Dạ thì thật là tiếc. Sử sách xưa ghi lại, Mộ Dạ là một trong tám cảnh đẹp của Đông Thành, gọi tắt là “bát cảnh Đông Thành”. Từ khi Vua mất thì đêm đêm trên núi lại tỏa sáng. Nhân dân cho rằng vua hiển linh về nên đặt tên núi là Mộ Dạ có nghĩa là ánh sáng trong đêm. Theo thuyết phong thủy thì long mạch núi Mộ Dạ tích tụ khí thiêng trời đất, nên nhiều du khách khi về lễ hội Đền Cuông đã leo lên đỉnh núi (khoảng 1300m) để vừa thử sức, trải nghiệm một vùng núi non biển cả mênh mông tuyệt đẹp từ trên cao mà còn quan niệm để được may mắn, bình an. Trên đỉnh núi Mộ Dạ có miếu thờ Công chúa Mỵ Châu. Có lẽ người xưa lập Miếu cao hơn Đền cũng là cách nhắc nhở răn dạy con cháu tạc dạ ghi lòng bài học sai lầm đến nỗi mất nước.

Cùng với sự trân trọng, thờ phụng chu đáo đối với vua Thục An Dương Vương tại Đền Cuông thì những binh lính tử trận cũng đã được bà con nhân dân làng Phú Thọ, Diễn Phú lập đền thờ, gọi là Đền Mạo Sơn. Nơi đây cũng ghi dấu những câu chuyện thú vị. Gần đền xuất hiện 1 tảng đá có in hình bàn chân phải. Người xưa đều cho rằng đó là “bàn chân tiên”. Những ngày giáp Tết, người dân trong vùng thường kéo đến đền Mạo Sơn xếp hàng để được đặt bàn chân mình vào “bàn chân tiên” và ai cũng gặp được điều may mắn trong cuộc sống.

Truyền thuyết huyền bí về vua An Dương Vương, công cúa Mỵ Châu vẫn còn nguyên giá trị đến ngàn năm sau, đã tạo nên một quần thể du lịch tâm linh độc đáo trên đất Diễn Châu, Nghệ An với bao điều đáng chiêm nghiệm.

TTXT du lịch Nghệ An

Mục lục

Du lịch Nghệ An
          - Bãi biển Cửa Lò
          - Vườn quốc gia Pù Mát
          - Khu di tích Kim Liên (quê Bác Hồ)
          - Đền Cuông
          - Đền Cờn
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang