Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Kiên Giang sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn

07/04/2017 - 2093 view
Du lịch Kiên Giang sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn

Thống kê quý I/2017, du lịch Kiên Giang đón hơn 1,4 triệu lượt khách, đạt trên 25% kế hoạch năm, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, hơn 110.730 lượt khách quốc tế, đạt trên 30% kế hoạch, tăng 10% so cùng kỳ năm 2016.

Sở du lịch Kiên Giang cho biết: Thời gian gần đây, khách tìm đến du lịch đảo Kiên Giang tăng mạnh do những đảo, quần đảo này, rừng và biển còn hoang sơ, không khí trong lành, bãi tắm đẹp... Mặt khác, một số sản phẩm du lịch như lặn ngắm san hô, khám phá rừng nguyên sinh, chinh phục những đỉnh núi cao; tham quan, tìm hiểu nghề nuôi cá lồng bè, sản xuất nước mắm truyền thống... đã hút thêm khách cho các tour du lịch Kiên Giang. Cùng với đó, phương tiện đưa đón du khách đến các đảo, quần đảo hiện đại, an toàn, thời gian di chuyển nhanh, giá dịch vụ hợp lý... đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách khi đến Kiên Giang.

Đặc biệt du lịch Kiên Giang - Phú Quốc, ngoài những sản phẩm truyền thống còn có những sản phẩm mới lạ thu hút du khách như: Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Safari lớn nhất Việt Nam với hàng chục loài động vật hoang dã quý hiếm; sân golf đẳng cấp quốc tế; chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo của thủy cung với nhiều loài sinh vật biển độc đáo. Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc nhấn mạnh: Phú Quốc đang được quy hoạch thành khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp mang tầm khu vực và thế giới. Huyện mời gọi, thu hút đầu tư du lịch trên đảo đến nay được gần 250 dự án, với diện tích 10.388 ha, tổng vốn đăng ký 315.000 tỷ đồng (tương đương 14 tỷ USD). Trong đó, 192 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn 215.169 tỷ đồng, đã có 30 dự án đi vào hoạt động và hàng chục dự án đang triển khai. Nhiều dự án mang đẳng cấp khu vực và quốc tế đã đi vào hoạt động như: Khu nghỉ dưỡng và biệt thự Vinpearl Resort & Villas, Công viên giải trí Vinpearl Land, Khu nghỉ ngơi thư giãn Vincharm Spa... Hiện toàn huyện có trên 10.000 phòng lưu trú, đáp ứng cho khoảng 20.000 khách/ngày. Quý I/2017, lượng du khách đến Phú Quốc đạt khoảng 553.550 lượt, đạt 30,4% kế hoạch, tăng 82,7% so cùng kỳ năm 2016, trong đó du khách quốc tế hơn 139.000 lượt khách, tăng hơn 53% so cùng kỳ năm 2016.

Trong đất liền, lượng du khách đến các khu du lịch truyền thống còn khiêm tốn do cơ sở hạ tầng hạn chế, chưa được đầu tư chỉnh trang, nâng cấp; sản phẩm du lịch đơn điệu, thiếu sức hấp dẫn. Phần lớn khách du lịch Kiên Giang - Rạch Giá tập trung viếng Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, sau đó xuống tàu ra các đảo, quần đảo.

Từ nay đến năm 2020, Kiên Giang phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm; phát triển song song du lịch nội địa và du lịch quốc tế, gắn chặt với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển du lịch. Tỉnh xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Kiên Giang trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh của khách du lịch trong nước và quốc tế, nhất là vùng du lịch Phú Quốc - Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế.

Tỉnh cũng rà soát, bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch Kiên Giang, nhất là quy hoạch chi tiết các khu, điểm, tuyến du lịch ở các vùng trọng điểm, triển khai nhanh các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, kêu gọi các dự án đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, từng bước hiện đại cho 4 vùng du lịch trọng điểm; chú trọng đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng và xây dựng công trình văn hóa, thể thao tạo điểm nhấn, ấn tượng phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng...

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Kiên Giang cho biết: Dựa vào điều kiện tự nhiên, tỉnh quy hoạch 4 vùng du lịch trọng điểm riêng biệt trên địa bàn thích hợp với sở thích của du khách như: Phú Quốc; Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận; Rạch Giá - Kiên Hải và phụ cận; U Minh Thượng và phụ cận. Theo đó, mỗi vùng này xây dựng đề án phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từng vùng, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Nằm trong dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện 2 tiểu dự án từ nay đến năm 2020. Cụ thể là tiểu dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng di tích danh lam, thắng cảnh núi Đá Dựng tại thị xã Hà Tiên, vốn đầu tư 1,81 triệu USD, trong đó vốn vay ưu đãi của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) là 1,63 triệu USD, vốn đối ứng của tỉnh là 0,18 triệu USD; tiểu dự án cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường Khu Du lịch chùa Hang - Hòn Phụ Tử tại huyện Kiên Lương, vốn đầu tư 7,09 triệu USD, trong đó vốn vay ưu đãi của ADB là 5,94 triệu USD, vốn đối ứng của tỉnh là 1,15 triệu USD. Hai tiểu dự án này khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ phát huy hiệu quả thế mạnh vùng du lịch trọng điểm Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận, với các sản phẩm du lịch đặc thù; qua đó, góp phần quảng bá du lịch Kiên Giang tới du khách trong và ngoài nước, phát triển “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh năm 2020.

TTXT du lịch Kiên Giang

Mục lục

Du lịch Kiên Giang
     1) Du lịch Hà Tiên
              - Khu du lịch Mũi Nai
              - Quần đảo Hải Tặc
              - Khu du lịch Hòn Phụ Tử
              - Quần đảo Bà Lụa
     2) Du lịch Rạch Giá
              - Vườn quốc gia U Minh Thượng
              - Quần đảo Nam Du
              - Đảo Thổ Chu
     3) Du lịch Phú Quốc