Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Hà Giang hội nhập và phát triển

17/08/2016 - 2132 view
Du lịch Hà Giang hội nhập và phát triển

Với những người yêu thích du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số thì Hà Giang là một địa chỉ du lịch không thể bỏ qua. Những năm gần đây, đặc biệt từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành thành viên mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu, đã có hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến với mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, doanh thu ngành du lịch Hà Giang tăng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Là một tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn nhưng du lịch Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan đẹp, kỳ vĩ; cùng với sự phát triển của tỉnh, nhiều cảnh quan đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách như: Cao nguyên đá Đồng Văn, Núi đôi - Cổng trời (Quản Bạ), Cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn), đèo Mã Pì Lèng (Mèo Vạc), Thác Tiên - Đèo gió (Xín Mần), Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; lòng hồ Quang Minh, Nậm An (Bắc Quang), hồ Thủy điện Sông Chừng (Quang Bình), Thái An (Quản Bạ), Na Hang (Bắc Mê). Cùng với hệ thống hang động đẹp vừa là điểm tham quan du lịch, vừa là di tích văn hóa, địa điểm khảo cổ học: Khố Mỷ, Lùng Khúy (Quản Bạ); Động Nguyệt, Hang Rồng (Đồng Văn); Đán Cúm, Nà Chảo (Bắc Mê). Bên cạnh đó, các cơ sở tín ngưỡng như Đình, Đền, Chùa của Hà Giang chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc gắn với văn hóa tín ngưỡng độc đáo của đồng bào địa phương như: Chùa Nậm Dầu, Sùng Khánh, Bình Lâm (Vị Xuyên), Đình Mường (Xín Mần), Đình Bản Chún (Quang Bình), Đền Mẫu, Đền Thác Con (TP Hà Giang). Nhiều lễ hội đặc sắc được đưa vào khai thác phát triển du lịch: Lễ hội Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, Lễ cấp sắc, Lễ cầu mùa dân tộc Dao; Lễ cúng Tổ tiên, Lễ cầu mưa dân tộc Lô Lô; Lễ cúng Thần rừng dân tộc Pu Péo; Lễ hội Chợ tình Khau Vai... và hệ thống các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng Nông thôn mới ở tất cả các huyện, thành phố đáp ứng nhu cầu lưu trú, tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm của du khách. Đặc biệt, nhiều sản phẩm du lịch Hà Giang gắn với tập quán canh tác và làng nghề truyền thống như: Thổ canh hốc đá, cày trên nương đá, dệt vải lanh, chế tác khèn Mông, rèn đúc lưỡi cày...

Chị Nguyễn Thị Minh Hà từ Thành phố Hồ Chí Minh tham gia tour du lịch Hà Giang 3 ngày 2 đêm chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi đến du lịch Hà Giang tháng 3, cảm giác thật ấn tượng. Cảnh quan thiên nhiên, phong tục tập quán, văn hóa chợ phiên và tình người nơi biên cương Tổ quốc... tất cả thật tuyệt vời. Tiếc là Hà Giang chưa có nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc thù làm quà tặng lưu niệm nên tôi không mua được gì nhiều để mang về. Chắc chắn chúng tôi sẽ còn trở lại. Nhiều bạn trẻ ở miền Nam cũng rất muốn một lần đến với mảnh đất này”.

Để thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch, năm 2014 Sở VHTTDL đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch hoàn thành và công bố Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Hiện nay, ngành đang triển khai xây dựng các đề án như: Xúc tiến quảng bá du lịch Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020; Thí điểm xây dựng hệ thống tuyến điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm, leo núi Chiêu Lầu Thi tại cụm du lịch phía Tây Nam tỉnh Hà Giang; nâng cao hiệu quả khai thác du lịch lòng hồ Thủy điện Na Hang tại Bắc Mê, tỉnh Hà Giang; phát triển nguồn nhân lực du lịch đến năm 2030; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Hà Giang đến năm 2030. Mới đây, tại Kỳ họp thứ II, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Nghị quyết 35/2016/NQ - HĐND ngày 21/7/2016 về một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã được thông qua, từ đây tạo cơ hội rộng mở cho du lịch phát triển, thu hút đầu tư.

Với tiềm năng lớn, sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, của ngành chức năng nên những năm qua, du lịch Hà Giang đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân từ năm 2010 đến năm 2015 đạt gần 32,5%/năm; năm 2015 lượng khách du lịch đến với Hà Giang đạt tròn 762.622 lượt người, tăng 17,3% so với năm 2014; lượng khách quốc tế đạt 145.789 lượt, tăng 21,4% so với năm 2014; doanh thu du lịch, dịch vụ du lịch đạt 708 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014. Toàn tỉnh hiện có 150 cơ sở lưu trú với tổng số 2.176 phòng, công suất sử dụng đạt gần 80%, thời gian lưu trú dài hơn thay vì khách chỉ du lịch Hà Giang 2 ngày 1 đêm như trước đây.

Trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, để ngành Du lịch tiếp tục tạo nên những bước đột phá, xây dựng thương hiệu riêng cho du lịch Hà Giang, cần phải tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch; mạng lưới lữ hành, tuyến du lịch; hệ thống cơ sở lưu trú; thị trường khách du lịch; sản phẩm du lịch đặc thù; tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh; đẩy mạnh các chương trình hợp tác du lịch liên vùng và quốc tế; để biến những tiềm năng thành cơ hội phát triển, để ngành “Công nghiệp không khói” thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần giúp Hà Giang tiến nhanh trên con đường phát triển.

TTXT du lịch Hà Giang

Mục lục

Du lịch Hà Giang
          - Núi đôi Quản Bạ
          - Dinh họ Vương
          - Cao nguyên đá Đồng Văn
          - Cột cờ Lũng Cú
          - Đèo Mã Pí Lèng
          - Chợ tình Khâu Vai
          - Thôn Tha