Địa điểm du lịch

Người dân vùng hồ Ba Bể cùng làm du lịch

05/07/2016 - 1614 view
Người dân vùng hồ Ba Bể cùng làm du lịch

Hồ Ba Bể là danh lam thắng cảnh nổi tiếng - một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới, là Di tích Quốc gia đặc biệt với tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Những năm gần đây, cùng sự trợ giúp của chính quyền, đồng bào nơi đây đã phát triển các loại hình du lịch gắn với bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống.

Du khách đến hồ Ba Bể không chỉ thấy cuốn hút bởi cảnh đẹp hữu tình, mà còn bởi những nét văn hóa dân tộc đặc sắc. Quanh hồ là những làng bản của người Tày với những mái nhà sàn xinh xắn tựa lưng vào sườn núi, được nhiều du khách trong và ngoài nước thích thú đến thăm. Nắm bắt được điều đó, người dân vùng hồ Ba Bể đã phát triển dịch vụ du lịch Homestay, nhằm tăng thêm thu nhập và quảng bá truyền thống văn hóa dân tộc. Đây là loại hình du lịch xanh với kết hợp giao lưu cộng đồng, ngủ tại nhà dân, ăn uống sinh hoạt tìm hiểu phong tục tập quán bản địa. Qua tìm hiểu, được biết hiện nay xung quanh vùng hồ Ba Bể có hơn 35 nhà nghỉ Homestay và hầu hết luôn kín khách mỗi mùa du lịch. Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện nay, nhiều nhà còn tự quảng cáo trên các web. Họ chủ động liên lạc với các công ty du lịch để có được số lượng khách ổn định. Như nhà nghỉ Khánh Toàn, trung bình mỗi năm đón hơn 1.300 khách, thu nhập khá. Còn các nhà nghỉ khác cũng cho thu nhập ổn định. Các chủ nhà luôn hòa thuận, không chèo kéo, tăng giá hay để lại ấn tượng xấu trong mắt du khách.

Không chỉ dừng lại ở đó, nắm bắt được nhu cầu của khách về thưởng thức và tìm hiểu văn hóa, văn nghệ dân gian. Người dân vùng hồ Ba Bể đã tự thành lập các đội văn nghệ, đến từng địa điểm để phục vụ theo yêu cầu của khách du lịch. Người Tày được biết đến với những điệu múa, lời hát then dịu dàng, sắc áo chàm và cây đàn tính đặc trưng. Trước sự phát triển của xã hội, những nét văn hóa đó có nguy cơ mai một, do vậy ngay từ khi mới được thành lập, đội văn nghệ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Các thành viên đều là những nghệ sỹ nghiệp dư, ban ngày họ tất bật với công việc đồng áng, ban đêm sẽ hóa thân thành những cô gái, chàng trai tự tin biểu diễn trên sân khấu. Trong khung cảnh huyền ảo của sông nước hồ Ba Bể, cùng sự tĩnh lặng của rừng núi, du khách chìm đắm trong lời ca, tiếng hát lúc trầm, lúc bổng và những âm điệu mượt mà từ chiếc đàn tính; cũng có lúc lại vui vẻ, yêu đời, say mê ngắm những cô gái Tày “thắt đáy lưng ong” duyên dáng với trang phục dân tộc đang trình diễn những điệu múa mềm dẻo, lôi cuốn. Các tiết mục cũng dân dã, thân quen như: múa bát, múa rổ, múa lụa, múa nón...

Dù mới phát triển mạnh dịch vụ này từ năm 2006, cho đến nay, khu vực hồ Ba Bể đã có 05 đội văn nghệ được thành lập để phục vụ khách du lịch, trong đó: bản Pác Ngòi 03 đội, bản Bó Lù 01 đội, bản Cốc Tộc 01 đội. Việc duy trì đội văn nghệ đã đem đến cho những người dân tham gia có thu nhập hằng ngày từ 100.000 - 150.000 đồng. Ông Trường Duy Thủ, người đứng ra thành lập đội văn nghệ đầu tiên cho biết: Chúng tôi hoạt động tốt là nhờ sự phát triển của các nhà nghỉ Homestay, nên lượng khách du lịch nhiều hơn. Đến những tháng đông khách du lịch hồ Ba Bể, có lúc chúng tôi phải bỏ lỡ những lời mời biểu diễn vì không phục vụ kịp. Bây giờ cũng có thêm một số đội khác được hình thành, và đều đi vào hoạt động một cách tích cực. Đi biểu diễn đem lại thu nhập về kinh tế, nhận thấy điều đó, nên nhiều người đã sưu tầm, bổ sung thêm những bài hát, điệu múa của dân tộc, đặc biệt là hát then, hát lượn, đánh đàn tính.

Nếu như trước đây, phát triển du lịch ở tỉnh Bắc Kạn hầu hết hướng tới phục vụ khách tham quan, ngắm cảnh và có thể bán thêm một số đồ lưu niệm như: trang phục dân tộc, dụng cụ lao động, sản xuất thu nhỏ... Thì nay, nhắc đến hồ Ba Bể, du khách sẽ nhớ thêm những trải nghiệm thực tế cuộc sống của đồng bào dân tộc và những nét văn hóa đặc sắc. Có thể thấy, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang đem lại những kết quả đáng mừng; giúp tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống cho bà con và nhất là đã góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết: Để có thể khai thác tiềm năng phát triển du lịch hồ Ba Bể gắn với bảo tồn văn hóa một cách hiệu quả hơn nữa, trong năm nay, ngành sẽ mở lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác quản lý du lịch. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang vận động, tuyên truyền cho bà con sử dụng trở lại những trang phục dân tộc trong cuộc sống thường nhật. Nếu thực hiện được điều này, sẽ tạo được sự ấn tượng đặc biệt trong mắt du khách, nhất là du khách nước ngoài, nhờ đó hiệu quả phát triển du lịch vùng hồ Ba Bể sẽ tăng lên rất nhiều.

Với tiềm năng sẵn có và những giải pháp cũng như định hướng phát triển của chính quyền, hứa hẹn một ngày không xa, du lịch hồ Ba Bể sẽ có những bước tiến vượt bậc, đem lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế địa phương; đồng thời góp phần vào công cuộc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc tỉnh Bắc Kạn.

Người dân vùng hồ Ba Bể cùng làm du lịch 2


TTXT du lịch Bắc Kạn

Mục lục

Du lịch Bắc Kạn
          - Hồ Ba Bể
                    - Đảo Bà Góa
                    - Ao Tiên
                    - Động Puông
                    - Thác Đầu Đẳng
                    - Đền An Mã
                    - Bản Pác Ngòi
                    - Động Hua Mạ
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang