Địa điểm du lịch

Du lịch hồ Ba Bể ở homestay bản Pác Ngòi

08/04/2016 - 2071 view
Du lịch hồ Ba Bể ở homestay bản Pác Ngòi

Đến bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu - một làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu tọa lạc bên bờ hồ Ba Bể, cảm nhận đầu tiên đối với du khách chính là sự yên bình và thanh thản. Dạo quanh những ngôi nhà sàn, tận hưởng không khí trong lành và thanh mát, tâm hồn trở nên vô cùng thư thái.

Đầu tháng 4, lượng khách du lịch hồ Ba Bể bắt đầu tăng lên, phải hỏi đến nhà nghỉ thứ 3 chúng tôi mới đặt được phòng. Được biết, mùa du lịch hàng năm thường từ tháng 5 - 8; tuy nhiên dịp này bản Pác Ngòi cũng đã tiếp nhận khá đông du khách, phần lớn là khách nước ngoài. Nhà nghỉ mà chúng tôi dừng chân cũng là điểm đến của hai du khách người Pháp. Có lẽ lần đầu tiên họ đến đây. Sau khi được trải nghiệm thực tế dịch vụ du lịch Homestay bản Pác Ngòi, ông Michel cho biết: hồ Ba Bể có phong cảnh rất đẹp, rất tự nhiên. Dịch vụ cũng rất tốt, mới lạ, món ăn ngon. Tôi rất thích và sẽ quay lại nếu có dịp.

Trong đêm hôm đó, chúng tôi cùng nhau hòa nhịp vào lời ca, điệu múa do đội văn nghệ bản Pác Ngòi mang lại. Không chỉ được thưởng thức mà các du khách còn được mời lên hòa mình vào những điệu múa với động tác đơn giản, cùng nắm tay ca hát giao lưu... Bà Kyung vui vẻ cho biết: Các diễn viên múa chưa được đều, nhưng nụ cười thân thiện và những bài múa dịu dàng của họ đã khiến chúng tôi thấy cuốn hút. Tôi rất thích tiếng đàn tính và người đàn ông có giọng hát thật tuyệt, các tiết mục đều thú vị, tôi yêu tất cả.

Anh Ngôn Văn Sơn - chủ một nhà nghỉ ở bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu cho biết: Nhà tôi làm dịch vụ du lịch Homestay đầu tiên ở vùng hồ Ba Bể. Từ năm 1995, có nhiều đoàn khách thấy thích nhà sàn truyền thống, nên đã lên thăm và ngỏ lời muốn ở lại sinh hoạt với gia đình một thời gian ngắn. Lúc đó, du khách có đưa một số tiền để chi trả ăn uống và nghỉ lại; số tiền đó là du khách đưa bao nhiêu chúng tôi nhận bằng ấy, chứ tuyệt nhiên không có bảng giá nhất định. Đến năm 2003, khi khu vực hồ Ba Bể có đường, có điện thì gia đình tôi mở dịch vụ kinh doanh, lúc ấy mới bắt đầu xây thêm phòng và trang bị những yêu cầu tối thiểu để khách có thể nghỉ lại. Rất may là dịch vụ đã nhận được sự ủng hộ của du khách, nhiều công ty du lịch đã chủ động đưa khách đến bản Pác Ngòi. Họ cho biết nhiều khách nước ngoài rất thích khi được ở nhà sàn và ăn những đặc sản của địa phương.

Nhận thấy tiềm năng từ dịch vụ Homestay, nhiều ngôi nhà sàn trong bản Pác Ngòi đã xây dựng theo mô hình này. Tuy rằng các ngôi nhà đã có những cải tiến cho phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng đa phần vẫn giữ nguyên hồn cốt nhà ở truyền thống của người Tày hồ Ba Bể với nếp nhà sàn, những bậc cầu thang, cột nhà gỗ...

Chị Đàm Thị Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu cho biết: Ban đầu loại hình phát triển du lịch như Homestay bản Pác Ngòi, phục vụ văn nghệ theo yêu cầu đều do người dân tự phát. Sau đó nhận thấy tiềm năng, hiệu quả thì cấp tỉnh, cấp huyện cũng như chính quyền địa phương cũng đã có sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ như: cho bà con vùng hồ Ba Bể vay vốn, mở các lớp tập huấn, cử người xuống hướng dẫn, tạo dựng các tiết mục văn nghệ... Quá trình đó, người dân bản Pác Ngòi và du khách luôn chấp hành đúng quy định, không vi phạm về an ninh, trật tự; thức ăn ở các nhà nghỉ qua các đợt kiểm tra luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Được biết, số lượng khách du lịch đến hồ Ba Bể ngày càng tăng, đặc biệt là khách nước ngoài rất thích ở Homestay, nhất là bản Pác Ngòi (chiếm đến 70%). Đó là những kết quả đáng mừng do phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống mang lại. Nếu tiếp tục phát triển theo hướng này, những ngôi nhà sàn, tiếng đàn tính, câu hát then... không chỉ được lưu giữ mà sẽ ngày càng phát triển.

Du lịch hồ Ba Bể ở homestay bản Pác Ngòi 2


TTXT du lịch Bắc Kạn

Mục lục

Du lịch Bắc Kạn
          - Hồ Ba Bể
                    - Đảo Bà Góa
                    - Ao Tiên
                    - Động Puông
                    - Thác Đầu Đẳng
                    - Đền An Mã
                    - Bản Pác Ngòi
                    - Động Hua Mạ
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang