Địa điểm du lịch

Trại rắn Đồng Tâm qua 40 năm phát triển

27/10/2017 - 1005 view
Trại rắn Đồng Tâm qua 40 năm phát triển

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Nuôi trồng, Nghiên cứu, Chế biến dược liệu (gọi tắt là Trung tâm hay thường gọi là trại rắn Đồng Tâm, Tiền Giang) đã thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học; khai thác, bảo tồn, lưu giữ cây, con thuốc y học cổ truyền; sản xuất thuốc y học cổ truyền chữa bệnh, cấp cứu và điều trị rắn độc cắn; đồng thời kết hợp điểm tham quan du lịch sinh thái miệt vườn sông nước Cửu Long.

Ngày 27/10, Trung tâm Nuôi trồng, Nghiên cứu, Chế biến dược liệu tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống. Đây là dịp để các thế hệ cán bộ, nhân viên trại rắn Đồng Tâm nhìn nhận lại chặng đường đã qua, tự hào về truyền thống vẻ vang mang đậm dấu ấn người lính miền sông nước Nam bộ. Với những cố gắng và nỗ lực trong suốt 40 năm qua, Trung tâm đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, 1 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, 2 đồng chí được tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, 2 đồng chí được tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, đơn vị được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì...

Theo Thượng tá, Bác sĩ CKI Phan Văn Phát, Giám đốc Trung tâm trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, vườn rắn Đồng Tâm có nhiều chuyển biến, tiến bộ và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Chẳng hạn đối với công tác phát triển dược liệu, thực hiện chủ trương phát triển vườn thuốc Nam ở đơn vị cơ sở, ngay khi thành lập, Trung tâm đã tập trung sưu tầm, trồng và gây giống 35 loại cây thuốc thường dùng, có công hiệu chữa được 15 chứng bệnh thông thường do Bộ Y tế quy định.

Đến năm 1978, Trung tâm trồng hơn 60 loại cây thuốc, ươm hàng ngàn cây giống cung cấp cho gần 20 đơn vị cả quân y và dân y phục vụ xây dựng và phát triển vườn thuốc Nam cấp đại đội, tiều đoàn, Trạm y tế xã, Bệnh xá Tỉnh đội góp phần đưa phong trào thuốc Nam phát triển mạnh mẽ ở các đơn vị quân đội và các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Long An, Bến Tre. Ngoài 35 loại cây thuốc mà Bộ Y tế Cục Quân y quy định, để trị cảm cúm, sốt cao, ho... Trại rắn Đồng Tâm còn sưu tầm và di thực hơn 20 loại cây thuốc quý hiếm như: Ngãi xanh, Ngãi đen, Kim vàng (trị rắn cắn), di thực cây Quế từ rừng miền Trung, cây Ngai San từ Campuchia và một số loại cây có công dụng điều trị một số bệnh và bồi bổ, tăng cường sức khỏe.

Để có nhiều chủng loại con thuốc phục vụ cho công tác nghiên cứu, sản xuất thuốc y học cổ truyền, chăm sóc, điều trị cho bộ đội và nhân dân, trại rắn Đồng Tâm đã tập trung sưu tầm, nuôi dưỡng, phát triển đàn rắn, trăn, khỉ, gấu, nai, đà điểu, kỳ đà, cá sấu, mèo rừng, rùa vàng...; trong đó rắn hổ mang đất, hổ mang chúa, bột rắn lục đều là những loại rất quý hiếm và là hoạt dược chữa nhiều bệnh. Có thể nói, để làm được việc nuôi, thuần dưỡng, lấy sản phẩm làm thuốc từ đàn rắn, thú là cả một quá trình học tập, lao động miệt mài của đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm. Những sản phẩm cao trăn, cao rắn, rượu thuốc, thuốc xoa có nọc rắn, những năm qua vẫn giữ nguyên giá trị, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, trại rắn Đồng Tâm xác định việc cấp cứu và điều trị rắn độc cắn là một nhiệm vụ trọng yếu. Với phương châm “Nuôi rắn phải trị được rắn cắn”, 40 năm qua Trung tâm đã cấp cứu và điều trị an toàn cho hơn 20.000 nạn nhân bị rắn cắn, đặc biệt là từ năm 2004 đến nay không có nạn nhân nào tử vong trong điều trị. Xác định cấp cứu và điều trị rắn độc cắn là hoạt động mang tính từ thiện, thời gian qua ngoài điều trị miễn phí cho những lao động nghèo, Trung tâm còn hỗ trợ tiền tàu xe khi nạn nhân ra viện; đặc biệt là từ ngày 1/3/2006 đến nay, Trung tâm không thu tiền viện phí và tiền khám bệnh cho tất cả các nạn nhân. Chưa kể, trong thời gian qua Trung tâm luôn coi trọng công tác nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài được đánh giá cao.

Bên cạnh nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc y học cổ truyền, cấp cứu và điều trị rắn độc cắn, Trung tâm đã phát huy thế mạnh đặc thù của vùng miền và khai thác lợi thế sẵn có để làm lợi cho đơn vị và Quân khu. Những vườn thuốc Nam, cây cảnh, nhà nuôi thú, vườn chim được xây dựng theo lối vườn “bách thú bách thảo”; rắn độc nuôi trong chuồng, trong lồng, trong điều kiện tự nhiên, cứ đến mùa sinh sản tạo thành một hệ sinh thái bảo tồn động vật hấp dẫn cho du khách tham quan trại rắn Đồng Tâm.

Hàng chục tiêu bản về rắn được trưng bày ở bảo tàng với kỹ thuật tạo hình công phu, được bảo quản trong dung môi thông suốt, được sách Guiness Việt Nam công nhận là Nhà bảo tàng Rắn đầu tiên ở Việt Nam và là nơi phục vụ các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên về chuyên ngành Lớp Bò sát đến nghiên cứu, học tập. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm trại rắn Đồng Tâm đón gần 140.000 lượt khách tham quan, riêng năm 20016 đón 206.000 lượt khách tham quan.

Nói về chặng đường phát triển sắp tới, Thượng tá, Bác sĩ CKI Phan Văn Phát cho biết, hiện nay Quân khu 9 và Cục Hậu cần đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm chịu trách nhiệm xây dựng trại rắn Đồng Tâm 2 tại Phú Quốc với diện tích 27,4 ha, vốn đầu tư 15 tỷ đồng; giai đoạn I triển khai xây dựng với diện tích 2 ha, dự kiến trong quý 1 năm 2018 có thể đưa vào hoạt động. Nhiệm vụ chủ yếu là điều trị rắn cắn cho bộ đội và nhân dân ở vùng biển, đảo Tây Nam và kết hợp tham quan du lịch sinh thái các loại trăn, rắn, thú cho du khách ở mọi miền đất nước có dịp đến Phú Quốc.

TTXT du lịch Tiền Giang

Mục lục

Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang