Địa điểm du lịch

Rạch Gầm Xoài Mút - Tiền Giang

di tích Rạch Gầm Xoài Mút

Khu di tích lịch sử Rạch Gầm Xoài Mút là để kỷ niệm cho trận đại thắng của anh hùng Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn đánh đuổi hàng vạn quân Xiêm ra khỏi bờ cõi, đã được công nhận Di tích quốc gia từ năm 1993. Nơi đây thoáng mát, nằm cạnh bờ sông Tiền và tỉnh lộ 864, thuận tiện cho khách tham quan trong chuyến du lịch Tiền Giang.

Khu di tích được khởi công xây dựng năm 2001 và khánh thành vào ngày 20 tháng 1 năm 2005, nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút ở Tiền Giang. Với tổng diện tích hơn 02 ha, bao gồm tượng đài Nguyễn Huệ, nhà trưng bày (số 1 và số 2), và một ngôi nhà cổ Nam Bộ.

- Tượng đài Nguyễn Huệ: ở trung tâm của Khu di tích Rạch Gầm Xoài Mút, trong tư thế rút gươm uy dũng. Tượng làm bằng đồng nặng 20 tấn, cao hơn 8 m, được đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền. Bên cạnh ông là một binh sĩ đang dương cung và một người dân bản địa đang chèo thuyền, tạo thành một thể thống nhất hài hòa.

- Nhà trưng bày số 1: gồm dãy tranh ghép gốm và nhiều hiện vật liên quan đến trận Rạch Gầm Xoài Mút 1785.

- Nhà trưng bày số 2: có bộ sưu tập hiện vật của trận đánh Rạch Gầm Xoài Mút, với khoảng 546 hiện vật lớn nhỏ bao gồm những phương tiện sử dụng và vũ khí của cả hai bên.

- Nhà cổ Nam Bộ: kiến trúc 3 gian, 2 chái, 48 cột gỗ căm xe, mái ngói âm dương, có diện tích 225 m2. Trong nhà, các vật dụng được xếp đặt nhằm tái hiện lại cuộc sống của những người dân phú nông của đất Nam Bộ xưa. Ngôi nhà cổ này được phục chế lại và chuyển nguyên vẹn từ Gò Công về Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút.


Trận Rạch Gầm Xoài Mút

Là một trận chiến lớn trên sông diễn ra vào đêm 19 rạng sáng 20 tháng 1 năm 1785 giữa liên quân Xiêm La - Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn tại khúc sông Mỹ Tho đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, khi đó thuộc dinh Trấn Định, xứ Đàng Trong - nay thuộc tỉnh Tiền Giang.

- Do đương thời thịnh vượng và nuôi tham vọng chiếm lấy Cao Miên, Gia Định để mở rộng bờ cõi, vua Xiêm đã nhận lời cầu viện của chúa Nguyễn Ánh, sau đó tổ chức nhiều vạn quân Xiêm rầm rộ kéo sang Đại Việt, tiến hành tấn công căn cứ nghĩa quân Tây Sơn ở Mỹ Tho.

- Nguyễn Huệ cho thủy quân mai phục sẵn ở đoạn sông Rạch Gầm Xoài Mút, còn bộ binh và pháo binh thì mai phục trên bờ. Khi quân Xiêm lọt vào trận địa, pháo binh Tây Sơn bất ngờ tấn công, bộ binh cùng thủy quân xông ra, đánh đối phương trên cả bốn mặt nhưng chủ lực là đánh thật mạnh vào sườn, tiêu diệt gần như toàn bộ quân địch.

Trải qua 14 năm, kể từ ngày khởi sự cho tới năm 1785, nghĩa quân Tây Sơn đã giành được nhiều chiến thắng lớn, nhưng chưa có chiến thắng nào nhanh gọn, lớn lao và rực rỡ bằng chiến thắng này. Xét toàn cục bấy giờ, trận Rạch Gầm Xoài Mút của Tây Sơn còn là chiến công lớn nhất trong 5 thế kỷ kể từ chiến thắng Bạch Đằng ở thế kỷ 13, có yếu tố quyết định đối với cuộc diện ở miền Nam, và xứng đáng là bức tường thành kiên cố của Tổ quốc.


* Ngày 20/1/2015, tỉnh Tiền Giang đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã trao bằng Di tích quốc gia đặc biệt cho Khu di tích này.
Rạch Gầm Xoài Mút - nhà cổ Nam bộ rợp bóng cây
Rạch Gầm Xoài Mút - nhà cổ Nam bộ rợp bóng cây
Rạch Gầm Xoài Mút - những hiện vật giá trị
Rạch Gầm Xoài Mút - những hiện vật giá trị
Rạch Gầm Xoài Mút - mô phỏng trận thủy chiến xưa
Rạch Gầm Xoài Mút - mô phỏng trận thủy chiến xưa

Mục lục

Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang