Địa điểm du lịch

Sìn Hồ phát triển du lịch

11/10/2017 - 907 view
Sìn Hồ phát triển du lịch

Sìn Hồ Lai Châu được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh, là miền đất hứa để phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Do vậy, huyện đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đưa du lịch thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Cao nguyên Sìn Hồ nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, với 15 dân tộc cùng sinh sống. Khí hậu quanh năm mát mẻ và có nhiều loài hoa, quả ôn đới, cây dược liệu quý hiếm. Đến đây, du khách sẽ ngỡ ngàng và thích thú khi ngắm nhìn những đỉnh núi mây giăng trắng xóa, từng lớp vắt ngang lưng chừng trời tạo nên biển mây nên thơ, hữu tình. Vì vậy, vài năm gần đây, Sìn Hồ trở thành địa điểm lý tưởng để ghi lại khoảnh khắc tuyệt diệu của biển mây và rất thích hợp với những ai muốn phiêu lưu mạo hiểm, chinh phục những cung đường đèo. Đặc biệt, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh như: cổng trời, núi Đá Ô, động Quan Âm, động Pu Sam Cáp..., mỗi điểm đến gắn liền với những truyền thuyết, câu chuyện ly kỳ. Nơi đây càng đẹp hơn mỗi khi có phiên chợ họp vào các ngày chủ nhật hàng tuần. Tại đây du khách được chiêm ngưỡng bức tranh đầy sắc màu của người dân vùng cao. Không chỉ vậy còn hòa mình vào các lễ hội, thưởng thức những món ăn truyền thống, ngắm nhìn những bộ trang phục đầy sắc màu và đắm say trong lời ca, tiếng hát của đồng bào dân tộc địa phương.

Nếu như vùng cao mang đậm bản sắc văn hóa với các danh lam thắng cảnh thì vùng thấp lại nằm phần lớn trong khu vực lòng hồ Thủy điện Sơn La nên diện mạo thay đổi theo mùa. Mỗi khi lòng hồ tích nước thì các xã như: Nậm Tăm, Nậm Mạ, Chăn Nưa... được bao quanh bởi làn nước trắng xóa, đêm đến ánh đèn từ những con tàu, thuyền bè thả lưới bắt tôm, cá lấp lánh xuôi theo dòng nước tạo nên khung cảnh nên thơ, hữu tình. Mùa cạn, người dân lại tận dụng để canh tác lúa, ngô... Những thửa ruộng bậc thang nhấp nhô, vàng óng lúa chín là một trong những đặc trưng riêng biệt của núi rừng Tây Bắc. Vì vậy, phát triển du lịch lòng hồ thủy điện đang là hướng đi mới của ngành du lịch Sìn Hồ.

Ông Lê Thanh Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: “Huyện có những lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn khi người dân ở các bản chưa được trang bị các kiến thức về du lịch, lực lượng làm du lịch mỏng và chưa có nhiều kinh nghiệm; địa lý, hệ thống giao thông đang trong quá trình đầu tư ảnh hưởng đến đi lại. Việc phát triển du lịch còn mới nên người dân chưa thực sự hưởng ứng. Huyện chú trọng phát triển du lịch gắn với các vùng phát triển kinh tế của huyện; quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa các dân tộc địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận động người dân và có các chính sách đầu tư, tôn tạo cảnh quan, giữ gìn bản sắc của đồng bào dân tộc tránh mai một và xây dựng trở thành nét văn hóa riêng của huyện. Đồng thời, gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng”.

Tả Phìn được biết đến là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhất của huyện Sìn Hồ, khi xã chỉ cách trung tâm huyện 5km, giao thông đi lại thuận tiện, với trên 90% là dân tộc Dao sinh sống. Xã có danh lam thắng cảnh nổi tiếng là núi Đá Ô, động Quan Âm (được UBND tỉnh công nhận là danh lam thắng cảnh di tích cấp tỉnh, thành phố) nên mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Xác định để xây dựng điểm du lịch sinh thái lý tưởng, hấp dẫn, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực bảo vệ, giữ gìn các danh thắng; lưu giữ, bảo tồn nét đẹp truyền thống của dân tộc thông qua trang phục, làn điệu dân ca, những nếp nhà gỗ, nhà trình tường... Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn làm du lịch đáp ứng nhu cầu du khách khi đến nghỉ dưỡng và tham quan; khuyến khích người dân làm du lịch theo hướng homestay; khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư nâng cấp danh thắng, nhà nghỉ cộng đồng... Đặc biệt, xã vận động Nhân dân giữ gìn, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, trong đó, có nghề chạm bạc và thêu hoa văn, dệt vải của dân tộc Dao Khâu.

Phát huy thế mạnh về cây dược liệu, với nhiều vị thuốc, bài thuốc rất tốt cho sức khỏe như: lá tắm của người Dao, đương quy, đẳng sâm, Đậu Hoạt và Xuyên Khung... nên du khách rất thích các dịch vụ chữa bệnh, thư giãn bằng các cây dược liệu, tắm lá thuốc, xoa bóp, bấm huyệt. Bà Bùi Thị Sánh - chủ cơ sở bán lá thuốc và tắm bằng lá thuốc, bấm huyệt (khu 2, thị trấn Sìn Hồ) cho biết: “Vài năm gần đây, dịch vụ tắm lá thuốc, xoa bóp, bấm huyệt thư giãn, chữa bệnh bằng các loại thảo dược rất được người dân ưa chuộng. Mỗi năm cũng có hàng trăm người đến cơ sở của tôi để trải nghiệm và giới thiệu cho bạn bè, du khách”.

Với nhiều tiềm năng du lịch, Sìn Hồ đang thực sự trở thành điểm đến lý tưởng của du khách. Bởi chỉ trong 9 tháng năm 2017, huyện đã có hơn 2.500 lượt du khách đến tham quan, trong đó trên 750 lượt khách nước ngoài.

TTXT du lịch Lai Châu

Mục lục

Du lịch Lai Châu
          - Sìn Hồ
          - Pú Đao
          - Động Tiên Sơn
          - Thác Tác Tình
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang