Địa điểm du lịch

Du lịch Điện Biên, những kỳ vọng mới

08/03/2017 - 902 view
Du lịch Điện Biên, những kỳ vọng mới

Du lịch Điện Biên nổi tiếng với Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Tại lòng chảo Điện Biên bảo tồn nhiều di tích nổi bật của chiến trường Điện Biên năm xưa như: đồi A1, C1, C2, D1, E1...; cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Độc Lập, cầu Mường Thanh, hầm Đờ - Cát, tiếp đến là Khu Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, đường kéo pháo và trận địa pháo của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thế mạnh du lịch Điện Biên còn có nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của 19 dân tộc anh em. Du khách đến Điện Biên có cơ hội hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng của vùng Tây Bắc với các lễ hội đặc sắc như: Thành Bản Phủ tổ chức vào ngày 24 - 25 tháng 2 âm lịch tưởng nhớ anh hùng Hoàng Công Chất; Mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú được tổ chức vào tháng 3 - 4 âm lịch nhằm cầu sức khỏe, may mắn và một năm mưa thuận gió hòa, và nhiều lễ hội khác như lễ hội Hoa ban, đua thuyền đuôi én... Nét độc đáo nữa là phiên chợ của đồng bào dân tộc vùng cao như chợ phiên: Xá Nhè, Tả Sìn Thàng, Mường Báng. Tại đây, màu sắc bắt mắt, sặc sỡ của các trang phục dân tộc: từ màu đỏ rực rỡ của trang phục người Mông đỏ, chiếc khăn đa sắc đặc trưng truyền thống của người Dao hay màu trắng tinh khôi trên váy của người Mông trắng sẽ tạo ấn tượng khiến du khách khó quên.

Phong cảnh Điện Biên đẹp, hùng vĩ mà sơn thủy hữu tình, cánh đồng Mường Thanh với những loại gạo ngon nổi tiếng. Với khách có kinh nghiệm du lịch Điện Biên Phủ, ngoài tham quan các điểm di tích còn tới các điểm du lịch sinh thái ở các vùng phụ cận như: suối nước khoáng nóng Pe Luông, U Va; hồ Pa Khoang, Huổi Phạ; Hồng Khếnh, Pe Luông; rừng Mường Phăng, động Pa Thơm, thành Tam Vạn, đền Hoàng Công Chất, tháp Mường Luân; tham quan, tìm hiểu nét đẹp truyền thống bản làng văn hóa các dân tộc. Thưởng thức các món ăn truyền thống dân dã đậm đà hương vị của núi rừng và hòa mình vào điệu xòe say đắm lòng người ở bản Ten, bản Mển, Phiêng Lơi...

Từng bước khai thác và phát huy thế mạnh của du lịch địa phương những năm gần đây, du lịch Điện Biên đã có bước chuyển mình đáng khích lệ với việc định hình được nền tảng ban đầu cho khai thác tiềm năng và thế mạnh, tạo sự phát triển của du lịch - kinh tế mũi nhọn trong tương lai gần. Điều đó thể hiện rõ nhất ở hệ thống các cơ sở, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ lưu trú tăng dần qua mỗi năm, lượng khách du lịch đến tham quan và doanh thu từ lĩnh vực này năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2016, toàn tỉnh đã có 145 cơ sở lưu trú du lịch (1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 2 đạt 3 sao, 5 đạt 2 sao, có 2 công ty du lịch Điện Biên được cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, 1 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa). Tổng lượng khách du lịch đến Điện Biên năm 2016 đạt trên 480.000 lượt, bằng 106% kế hoạch năm, lượng khách quốc tế đến đạt 80.000 lượt, tăng 14,2% so với năm 2015. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 710 tỷ đồng, bằng 101,5% kế hoạch năm (tăng 29% so với năm 2015).

Dù phát triển du lịch ở Điện Biên những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc song bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế. Để định hướng phát triển du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên khóa XII đã có Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 23/5/2016; HĐND tỉnh có Nghị quyết số 31/NQ-HĐND, ngày 14/10/2016; UBND tỉnh có Quyết định số 1421/QĐ-UBND ngày 11/11/2016 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhưng qua khảo sát và theo dõi cho thấy việc quy hoạch chi tiết các điểm, khu du lịch Điện Biên vẫn triển khai chậm. Cơ chế chính sách thu hút đầu tư du lịch trên địa bàn cũng chưa khuyến khích được nhà đầu tư. Tỉnh hiện chưa có dự án đầu tư nước ngoài nào vào lĩnh vực du lịch, trong khi đầu tư trong nước còn ít. Tính chuyên nghiệp của các dịch vụ chưa cao; công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn khiêm tốn so với một số địa phương trong khu vực như Lào Cai, Sơn La. Thông tin và hình ảnh du lịch Điện Biên cũng còn hạn chế mặc dù tầm ảnh hưởng lịch sử của điểm đến rất lớn. Công tác quy hoạch, đầu tư còn nhiều vấn đề; sản phẩm du lịch còn đơn sơ hoặc ít được đổi mới, chủ yếu mới khai thác các sản phẩm du lịch gắn với di tích lịch sử Điện Biên Phủ mà chưa khai thác được hết những thế mạnh về tự nhiên và văn hóa. Đây cũng là nguyên nhân khiến thời gian lưu trú của du khách ngắn, đòi hỏi ngành du lịch phải có những giải pháp khắc phục để phát triển bền vững.

Để huy động tối đa các nguồn lực, hỗ trợ phát triển du lịch, trước hết, cần tập trung đầu tư, hoàn thiện công tác quy hoạch du lịch, nhất là quy hoạch chi tiết các điểm du lịch Điện Biên đã được xác định trong quy hoạch tổng thể và những khu, điểm phát hiện mới, có nhiều tiềm năng để sớm bổ sung vào quy hoạch tổng thể. Có thể hình thành cơ chế thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện quy hoạch du lịch tại Điện Biên. Làm tốt công tác quy hoạch sẽ tạo cơ sở cho việc đầu tư phát triển du lịch một cách đồng bộ, bài bản và chuyên nghiệp, tạo được sức hấp dẫn chung cho điểm đến. Một yếu tố quan trọng là cần hình thành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông các tuyến đường kết nối TP. Điện Biên Phủ với các điểm du lịch của tỉnh. Bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng và giao thông cũng nên áp dụng nhiều chính sách linh hoạt có tính khích lệ, chẳng hạn chính sách miễn giảm thuế, chính sách thuê đất, chính sách cho vay lãi suất thấp... để huy động nguồn vốn xã hội hóa dưới hình thức BOT, BT tham gia vào đầu tư hạ tầng kết nối các điểm du lịch và hạ tầng của điểm đến, nhất là đầu tư cho sân bay Điện Biên và cửa khẩu quốc tế Tây Trang, từ đó hình thành tuyến du lịch đường không và đường bộ kết nối với các địa phương trong nước và các nước trong khu vực như: Lào, Thái Lan, Myanma...

Ngoài ra cũng cần quan tâm tới chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào việc xây mới cơ sở vật chất kỹ thuật, lưu trú phục vụ du lịch tại TP. Điện Biên Phủ và các điểm du lịch Điện Biên như hồ Pa Khoang, Tuần Giáo... áp dụng chính sách ưu đãi và có cơ chế chọn lựa nhà đầu tư đủ năng lực tài chính để thực hiện các dự án du lịch; có chính sách khuyến khích người dân tại các bản làng tham gia đón du khách với việc lựa chọn đầu tư, nâng cấp nhà ở của họ để cung cấp dịch vụ lưu trú (homestay). Quá trình triển khai phương án về cơ sở, hạ tầng đô thị cần chú trọng ưu tiên không gian cho các di tích lịch sử và để phát triển hạ tầng du lịch; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch; nghiên cứu tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo mang thương hiệu Điện Biên; nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo, phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp; khuyến khích các nhà đầu tư vào địa bàn liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư phát triển du lịch; tăng cường xúc tiến thương mại; đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở để khai thác lợi thế cửa khẩu; đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và du lịch...

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia chủ động của người dân, sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý cũng như của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, trên cơ sở chính sách huy động nguồn lực cởi mở, thông thoáng và hiệu quả, tin tưởng và kỳ vọng rằng du lịch Điện Biên sẽ sớm trở thành điểm đến hấp dẫn, là một trong các trung tâm du lịch thu hút khách của vùng Tây Bắc.

TTXT du lịch Điện Biên

Mục lục

Du lịch Điện Biên
          - Đèo Pha Đin
          - Di tích lịch sử Điện Biên Phủ
                      - Di tích lịch sử Mường Phăng
          - Hồ Pa Khoang
          - Thành Bản Phủ
          - Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang