Địa điểm du lịch Kênh gym

Chùa Nam Nhã trong lịch sử cách mạng

22/12/2017 - 2051 view
Chùa Nam Nhã trong lịch sử cách mạng

Chùa Nam Nhã Cần Thơ được xem như chứng tích lịch sử bởi tuy là nơi sinh hoạt tôn giáo nhưng thực chất đây từng là một căn cứ hoạt động cách mạng ẩn mình của một số chí sĩ yêu nước cuốI thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Chùa Nam Nhã (tên gốc Hán là Nam Nhã Đường) tiền thân là một tiệm thuốc bắc do Nguyễn Giác Nguyên lập vào năm 1890 ở ấp Bình Nhựt, xã Long Tuyền, là nơi liên lạc, hội họp bí mật các phong trào đấu tranh chống Pháp. Đến năm 1895, nhân đạo Minh Sư du nhập vào, ông cho dẹp tiệm thuốc bắc và xây dựng một ngôi chùa 3 căn đơn sơ (cột cây lợp ngói) lấy tên là Nam Nhã Đường, đưa cuộc đấu tranh ẩn mình vào hình thức tôn giáo.

Năm 1905, Chùa Nam Nhã được tái thiết lần thứ hai gồm 5 căn, 2 chái. Lúc bấy giờ, phong trào Đông Du, Duy Tân do Phan Bội Châu lãnh đạo chống lại sự đàn áp và chính sách ngu dân của Pháp đã bắt đầu nhen nhóm và gây ảnh hưởng rộng lớn đối với các sĩ phu yêu nước miền Nam. Ở vùng này, các nhà ái quốc đã thành lập những thương hội như “Minh Tân khách sạn”, “Minh Tân công nghệ”, “Tế Nam”... để làm kinh tài giúp đỡ cho các tổ chức đưa học sinh du học nước ngoài. Song song đó tại chùa, Nguyễn Giác Nguyên cùng những người thân cận ra sức xây dựng cơ sở hậu phương vững mạnh về cả căn cứ và vật chất cho phong trào Đông Du trong tỉnh do Nguyễn Thần Hiến lãnh đạo.

Tháng 2/1913, Cường Để rời Nhật về Nam kỳ để vận động cho phong trào. Khi đến xã Long Tuyền, Cường Để đã đến ở tại Chùa Nam Nhã gần 20 ngày để cùng cụ Nguyễn Giác Nguyên mưu bàn quốc sự. Thời gian lưu trú tại chùa rất bí mật, mọi sự liên lạc đều do ông Huỳnh Quang Thành đảm nhiệm, nhưng khi Cường Để vừa rời khỏi Cần Thơ thì nội vụ bị Pháp phát hiện, chùa bị đóng cửa và sư cụ Nguyễn Giác Nguyên bị chúng bắt giam tại khám đường Mỹ Tho. Tuy nhiên trước đó, khi rời khỏi chùa Cường Để đã kịp đem tiền được chùa giúp đỡ theo để lập một số cơ quan thông tin ở Sài Gòn, còn lại thì chuyển sang Hồng Kông. Sau đó Cường Để bí mật lên tàu của Công ty Thái Cổ trở về Sài Gòn.

Khi sư cụ Nguyễn Giác Nguyên được trả tự do thì Chùa Nam Nhã được phép hoạt động trở lại nhưng bị mật thám theo dõi nên việc liên lạc giữa chùa với phong trào Đông Du rất hạn chế. Năm 1917, chùa cất lại chính điện kỳ 3, công cuộc xây dựng đang tiến hành thì ngày 22/12/1917 sư cụ Nguyễn Giác Nguyên từ trần, nhưng ngôi chùa vẫn tiếp tục được hoàn thành. Từ 1925 đến 1951, phong trào Đông Du yếu dần và thất bại khi mất dần Phan Bội Châu và Cường Để, Chùa Nam Nhã tạm thời khép mình vào cửa đạo chờ cơ hội thuận tiện mở rộng tấm lòng với các lý tưởng cao đẹp, đấu tranh vì tự do độc lập cho nước nhà.

Nhờ vị trí thuận lợi, yên tĩnh cũng như truyền thống yêu nước của tín đồ chùa mà trong những năm đầu đầy khó khăn gian khổ của cách mạng Việt Nam, các tổ chức Đặc ủy Hậu Giang, Xứ ủy Nam Kỳ đã chọn nơi đây làm địa điểm liên lạc với các tổ chức cách mạng khác trong toàn miền... Ngày 25 tháng 01 năm 1991, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định công nhận Chùa Nam Nhã Đường là di tích lịch sử cách mạng.

Ngày nay, di tích Chùa Nam Nhã được du khách đến thăm viếng không chỉ bởi vẻ cổ kính, trang nghiêm nơi cõi Phật mà nơi đây đã gợi nhớ lại những hoạt động sôi nổi của các sĩ phu yêu nước thời đấu tranh cho độc lập dân tộc.

TTXT du lịch Cần Thơ

Mục lục

Du lịch Cần Thơ
          - Chợ nổi Cái Răng
          - Vườn cò Bằng Lăng
          - Bến Ninh Kiều
          - Chùa Ông Cần Thơ
          - Chùa Nam Nhã
          - Đình Bình Thủy