Địa điểm du lịch

Du lịch Cần Thơ, tạo lực đẩy phát triển

28/10/2016 - 1988 view
Du lịch Cần Thơ, tạo lực đẩy phát triển

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nền tảng cho tăng trưởng bền vững, vừa qua Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU (Nghị quyết 03) về đẩy mạnh phát triển du lịch và UBND TP Cần Thơ cũng có Kế hoạch số 111/KH-UBND (Kế hoạch 111) về Thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Thành ủy, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, du lịch Cần Thơ xứng tầm trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tạo lực đẩy cho ngành du lịch phát triển

Thời gian gần đây, Cần Thơ có nhiều sản phẩm du lịch mới, chủ động tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội thu hút du khách; nhưng vẫn chưa giữ chân du khách dài ngày (thông thường du khách chỉ lưu trú tại Cần Thơ từ 1-2 ngày). Thực tế, du lịch Cần Thơ có nhiều tiềm năng, nhưng cũng tồn tại không ít hạn chế là cản ngại của sự phát triển. Đó là nhận thức về phát triển du lịch của các cấp - ngành chưa toàn diện, nhiều địa phương vẫn chưa có định hướng phát triển du lịch; thiếu cơ chế, giải pháp cho đầu tư về du lịch; việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch chưa được quan tâm đúng mức; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch còn yếu, thiếu tính chuyên nghiệp.

Từ thực trạng đó, cộng với bối cảnh cuối năm 2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 92/NQ-CP đề ra một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ mới, tháng 8/2016, Thành ủy Cần Thơ ban hành Nghị quyết 03 và UBND TP Cần Thơ cũng có Kế hoạch 111 chuyên biệt về du lịch như là "đòn bẩy", tạo động lực cho ngành du lịch thành phố phát triển mạnh mẽ hơn. Mục tiêu của Nghị quyết 03 và Kế hoạch 111 đều phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Theo đó, từ năm 2016 đến 2020, du lịch thành phố đón khoảng 32 triệu lượt khách tham quan, tăng bình quân 10%/năm, tổng doanh thu đạt trên 12.100 tỉ đồng, tăng bình quân 16% mỗi năm. 9 tháng của năm 2016, Cần Thơ đón gần 4 triệu lượt khách tham quan, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khách lưu trú có trên 1,3 triệu lượt khách. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 1.400 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.

Để đạt mục tiêu, Nghị quyết 03 và Kế hoạch 111 đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thiết thực. Đó là: nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của du lịch; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư về cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng; đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Cần Thơ; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế; tăng cường công tác quản lý về du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch.

Trên cơ sở đó, ngành du lịch và các đơn vị hữu quan chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, hướng tới mục tiêu đưa thành phố Cần Thơ thực sự là "Điểm đến du lịch lý tưởng - an toàn - thân thiện - chất lượng", nơi hội tụ của "Văn minh sông nước Mekong".

Địa phương: chú trọng bản sắc văn hóa

Sau khi Nghị quyết 03 và Kế hoạch 111 được ban hành, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (Sở VHTT & DL) đã tổ chức hai cuộc họp để triển khai với các quận huyện, sở, ngành hữu quan và các doanh nghiệp, công ty du lịch Cần Thơ. Sở VHTT & DL đã xây dựng và triển khai chương trình hành động cụ thể giai đoạn 2016-2020. Ông Lê Minh Sơn - Phó Giám đốc Sở VHTT & DL, cho biết: "Trong năm 2016 và 2017, Sở VHTT & DL sẽ triển khai 10 chương trình, đề án liên quan đến du lịch, như: Đầu tư điểm du lịch cấp quốc gia của thành phố Cần Thơ; Phát triển sản phẩm du lịch TP Cần Thơ; Bảo tồn và phát huy Làng cổ Long Tuyền; Phát triển nguồn nhân lực du lịch... Đồng thời, ngành cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế".

Theo đó, các quận, huyện trên địa bàn tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Quận Ninh Kiều phát huy thế mạnh du lịch Mice (hội thảo, hội nghị, triển lãm), tăng cường tổ chức các hoạt động ngoài trời; Cái Răng triển khai đề án "Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng; Thốt Nốt phát triển du lịch làng nghề, phát huy hệ thống nhà cổ ở cù lao Tân Lộc... Ông Nguyễn Văn Sử - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: "Phong Điền hiện có 42 điểm du lịch, trong đó có 19 điểm vườn. Những năm qua, huyện khuyến khích các nhà vườn sản xuất gắn với hoạt động du lịch. Hiện địa phương đang tạo điều kiện để 27 hộ vay vốn đầu tư cho hoạt động du lịch. Sắp tới, huyện sẽ thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch. Để tạo thêm sản phẩm cho địa phương, huyện đang kêu gọi đầu tư tuyến xe điện từ Thiền viện Trúc lâm phương Nam đến thị trấn Phong Điền. Riêng Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền sẽ được nâng chất về quy mô và chất lượng hằng năm, để trở thành thương hiệu của Phong Điền nói riêng và du lịch Cần Thơ nói chung".

Các địa phương luôn chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đậm nét văn hóa bản địa. Bà Lê Thị Bé Bảy - Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Bình Thủy, chia sẻ: "Bình Thủy luôn được lãnh đạo các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao để phát triển du lịch. Nhờ vậy, địa phương đã có nhiều sản phẩm hấp dẫn du khách, tiêu biểu là du lịch cộng đồng ở cồn Sơn, Long Tuyền. Sắp tới, chúng tôi sẽ có thêm sản phẩm mới là tour khám phá làng cổ Long Tuyền. Xây dựng sản phẩm mới mang đậm bản sắc địa phương, kết hợp gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của người dân Cần Thơ luôn là yếu tố được du lịch Bình Thủy chú trọng".

Doanh nghiệp: nâng chất dịch vụ

Trong khi đó, kế hoạch hành động của các doanh nghiệp du lịch sẽ tập trung nâng cao nhận thức, nâng chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; đầu tư các dự án, dịch vụ để phát triển du lịch; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường xúc tiến, quảng bá và liên kết phát triển.

Ông Trương Văn Ngon - Giám đốc Casuco Tour, cho biết: "Nghị quyết 03 và Kế hoạch 111 đánh dấu bước chuyển biến cho du lịch Cần Thơ khi nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Tôi thấy phấn khởi vì điều đó. Tuy nhiên, để Cần Thơ thu hút du khách thì cần phải đầu tư nhiều cho sản phẩm du lịch, các điểm đến mới và làm sao tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp các doanh nghiệp lữ hành "sống" được bằng chính các tour Cần Thơ". Bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Vietravel Tây Nam Bộ, nhìn nhận: "Sản phẩm ở các điểm, khu du lịch Cần Thơ dù đã có nhiều điểm mới so với trước kia, nhưng các đơn vị lữ hành đang chủ động xây dựng sản phẩm mới để thu hút khách. Trước đây, Vietravel xây dựng sản phẩm mới từ đường bay thuê chuyến (Cần Thơ đến Nha Trang, Đà Lạt, Bangkok) tuy hiệu quả kinh tế mang lại không cao, nhưng cũng góp phần làm cho sản phẩm du lịch tại Cần Thơ thêm đa dạng, kết nối được với các địa phương là trung tâm phát triển về du lịch". Vietravel rất chú trọng đến yếu tố con người, đơn vị có hẳn cơ sở đào tạo nhân lực và thường tổ chức cuộc thi chấm điểm sao cho các hướng dẫn viên, sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Hồng Thanh - Giám đốc khách sạn Mường Thanh Cần Thơ, chia sẻ: "Yếu tố con người rất là quan trọng nên đơn vị chúng tôi luôn chú trọng đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ theo đúng chuẩn VTOS (tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam) để đội ngũ nhân viên có kiến thức văn hóa cũng như ứng xử văn minh". Đơn vị cũng kết hợp với các hãng lữ hành, taxi để lấy ý kiến khách hàng về khách sạn. Qua đó, kịp thời điều chỉnh, xây dựng môi trường du lịch thân thiện với du khách. Ngoài ra, để phục vụ du khách tốt hơn, khách sạn đang có ý tưởng liên kết với các bệnh viện có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt, chất lượng.

Sắp tới, để nâng chất cho công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong du lịch, Sở VHTT & DL ký kết liên tịch với Trường Cao đẳng Du lịch ở Cần Thơ. Bà Phạm Việt Ngoan - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, cho biết: "Trường là một trong 8 đơn vị đào tạo chuyên về du lịch trên cả nước. Chúng tôi sẵn sàng tổ chức các khóa ngắn hạn về nghiệp vụ, chuyên môn để góp phần cải thiện, nâng chất nguồn nhân lực cho lĩnh vực du lịch tại Cần Thơ".

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch Cần Thơ, cũng đã chỉ đạo Sở VHTT & DL, các sở ngành hữu quan và các địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để phát huy được vai trò, tiềm năng của du lịch; chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, chất lượng.

Nghị quyết 03 và Kế hoạch 111 đang được triển khai với những động thái quyết liệt. Hy vọng với sự chung tay của các ngành, các cấp, du lịch Cần Thơ sẽ sớm có bước phát triển đột phá, khẳng định vị thế, xứng tầm với vai trò đầu mối trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhanh chóng khẳng định được thương hiệu và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố vào năm 2020 như đã đề ra.

TTXT du lịch Cần Thơ

Mục lục

Du lịch Cần Thơ
          - Chợ nổi Cái Răng
          - Vườn cò Bằng Lăng
          - Bến Ninh Kiều
          - Chùa Ông Cần Thơ
          - Chùa Nam Nhã
          - Đình Bình Thủy
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang