Địa điểm du lịch

Du lịch Cần Thơ thêm hấp lực từ lễ hội

30/01/2017 - 2115 view
Du lịch Cần Thơ thêm hấp lực từ lễ hội

Cần Thơ được xem là một trong những cái nôi của văn minh miệt vườn và văn hóa sông nước, đời sống cộng đồng - văn hóa tinh thần rộng mở phóng khoáng, sản vật từ thiên nhiên và từ lao động đủ làm nên một nền ẩm thực phong phú. Ðó là nền tảng cho những lễ hội của vùng đất trẻ vừa mang những dấu ấn xưa, vừa không ngừng tiếp biến, phù hợp với đời sống hiện đại. Tất cả tạo nên những hấp lực mới cho ngành du lịch Cần Thơ.

1. Giữa tiết trời se lạnh của tháng Chạp, không gian đình Bình Thủy cổ kính trở nên náo nhiệt với Lễ Kỳ yên Hạ điền (ngày 14 và 15 tháng Chạp hằng năm). Sau một ngày tất bật chuẩn bị nghi lễ cúng đình, ông Lê Văn Mười - Phó Ban Trị sự đình Bình Thủy, tươi cười kể: "Mỗi năm đình có hai lễ lớn, đó là Kỳ yên Thượng điền (ngày 12, 13 và 14 tháng 4 âm lịch) và Kỳ yên Hạ điền, bà con đến cúng đình và dự hội đông lắm. Người đến ngày càng tăng, nhất là khách phương xa tới du lịch Cần Thơ. Bởi thế, các hoạt động lễ hội cũng phong phú, đổi mới". Chú Mười năm nay vừa bước sang 60 - theo cách tính tuổi mụ, là dân cố cựu của vùng đất Bình Thủy. Tham gia Ban Trị sự đình hơn 10 năm nay, nhưng từ nhỏ, chú đã gắn bó với ngôi đình cổ xưa này. Các nghi lễ cúng đình chú đều thông tường. Chú vẫn nhớ như in, ngày xưa cúng đình, bà con các làng ở Bình Thủy có gì mang nấy - mỗi người một tay, mỗi nhà một ít, góp thành đủ đầy bánh trái, sản vật miệt vườn dâng lên tiền nhân. Nếp sinh hoạt vốn định danh cho lễ hội Bình Thủy đó, vẫn được giữ cho đến ngày nay, trở thành điểm nhấn trong hoạt động văn hóa - du lịch địa phương. Lễ cúng đình Bình Thủy bây giờ có thêm hội thi hoa lan, triển lãm tranh, ảnh, hội thi bánh ngon... "Bây giờ khách đến cúng đình không chỉ người bản địa, mà còn có khách du lịch Cần Thơ đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, Huế..." - chú Mười tự hào.

2. Đón những luồng gió heo may về, những người xa quê chợt thèm không khí ấm áp đón Tết cùng gia đình và làng xóm, bên bếp củi bập bùng, thức thâu đêm canh nồi bánh tét. Tại Cần Thơ, "Đêm hội bánh tét" lần đầu xuất hiện vào năm 2008, diễn ra vào 29 Tết, tại khu vực Nhà lồng chợ cổ. Ban đầu, đây chỉ đơn giản là nơi bà con trình diễn nghề gói bánh truyền thống của gia đình. Nhà báo Trần Hoàng Tuyên - người đồng sáng lập hoạt động này kể lại rằng: "Bà con vui mừng và hồ hởi lắm, đem cả bộ ván gõ gia bảo ra chợ cổ ngồi gói bánh. Họ chuyện trò với du khách như người thân trong họ hàng, lối xóm. Bánh làm ra thì mang đãi khách như tấm lòng thơm thảo, phóng khoáng của người Nam Bộ". Khởi nguồn từ đây, bánh tét lá cẩm Cần Thơ dần thành thương hiệu nổi tiếng, tiêu biểu là "Bánh Tét Chín Cẩm" của chị Huỳnh Thị Ngọc Thanh. Nhà báo Trần Hoàng Tuyên trầm ngâm nhớ lại lời chia sẻ mộc mạc, chân tình của chị Chín Cẩm khi đó: "Nhà em nghèo chỉ mong sao mỗi ngày bán hết sề bánh để có tiền nuôi con ăn học tới nơi tới chốn". Câu nói đó khiến ông trăn trở, cùng vài người bạn tìm cách để chị Chín Cẩm, cũng như những người làm bánh dân gian, tiếp cận khách du lịch Cần Thơ. "Đêm hội bánh tét" cũng khởi nguồn cho Liên hoan bánh dân gian Nam Bộ, sau này là Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ được tổ chức hằng năm tại Cần Thơ vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương.

3. Qua 5 lần tổ chức, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ đã trở thành lễ hội đặc trưng thường niên của du lịch Cần Thơ và là sự kiện cấp vùng. Lễ hội diễn ra 5 ngày, gồm trình diễn bánh dân gian Nam Bộ và trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ, hội thi ẩm thực. Từ hơn 10 nghệ nhân tham dự ở buổi sơ khai, Lễ hội dần đã trở thành nơi hội tụ của hơn 60 nghệ nhân, kể từ năm 2016. Bánh tét không còn xuất hiện đơn lẻ, mà hiện diện cùng hàng trăm loại bánh dân gian Nam Bộ: bánh ka-tum của người Khmer, bánh hẹ của người Hoa, bánh phu thê Cần Thơ, bánh hỏi mặt võng Phong Điền... Nói về Lễ hội, du khách Nguyễn Thị Ngọc Hà (Hà Nội) chia sẻ: "Lễ hội cho tôi cảm nhận về tài khéo của người Nam Bộ. Đây là lễ hội đậm bản sắc văn hóa bản địa, giúp khách phương xa tìm hiểu và thưởng thức những món ngon cũng như nếp sinh hoạt của miền Nam". Đây có lẽ cũng là lễ hội duy nhất quy tụ đến hơn 100 loại bánh dân gian, 70 đặc sản ở các vùng miền để tạo nên không gian trải nghiệm thú vị. Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, đơn vị tổ chức Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, Lễ hội góp phần gìn giữ những tinh hoa ẩm thực và văn hóa truyền thống. Thông qua lễ hội, các nghệ nhân có cơ hội tiếp cận với khách du lịch Cần Thơ, đối tác để tìm đầu ra ổn định; đồng thời dần thay đổi nhận thức để tạo thương hiệu riêng. Từ những lễ hội, bánh tét lá cẩm trở thành thương hiệu của Cần Thơ, được nhiều du khách truyền tai nhau những địa chỉ uy tín cung cấp đặc sản này, như: Sáu Trọng, Chín Cẩm, Minh Tân, Tư Đẹp... Trước kia, bánh tét chỉ dùng được trong 2-3 ngày, giờ được ép chân không, hạn dùng lên đến 7 ngày và có mặt ở siêu thị. Hay bánh dân gian được tổ chức thành tiệc buffet, lần đầu có mặt ở khách sạn 5 sao Mường Thanh với hơn chục loại bánh đặc trưng. Không chỉ vậy, lễ hội còn kiến tạo không gian văn hóa cộng đồng, trở thành nơi nhiều gia đình cùng hẹn nhau tìm về những giá trị xưa. Ông Nguyễn Khánh Tùng kể: "Ở các khu trò chơi dân gian, nhiều gia đình đưa con cháu đến và tận hưởng khoảng thời gian hạnh phúc bên nhau. Đó là động lực để chúng tôi tạo thêm nhiều không gian trải nghiệm trong các kỳ lễ hội sau này".

4. Ngoài Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, du lịch Cần Thơ còn nhiều sự kiện đậm sắc thái văn hóa bản địa. Ngày hội vườn trái cây Tân Lộc (Mùng 5 tháng 5 âm lịch) của quận Thốt Nốt, Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền (Ngày Du lịch Thế giới 27/9) của huyện Phong Điền, Ngày hội Du lịch Chợ nổi Cái Răng (Ngày du lịch Việt Nam 9/7) của quận Cái Răng... đã dần ghi dấu trên lịch trình của nhiều hãng lữ hành và du khách. Từ những ngày hội như thế, có những sáng tạo thành công. Ví như, trong Ngày hội Du lịch Chợ nổi Cái Răng, trình diễn đờn ca tài tử trên sông được du khách yêu thích. Vì vậy, địa phương quyết định giữ lại và tổ chức hoạt động này định kỳ vào thứ bảy hằng tuần.

Sau nhiều năm phát triển và rút kinh nghiệm, từ những lễ hội truyền thống đến những sự kiện tự kiến tạo, du lịch Cần Thơ đang có những lễ hội đậm nét, riêng biệt và không ngừng sáng tạo. Bà Lê Thị Bé Bảy, Phó Phòng Văn hóa Thông tin quận Bình Thủy, thông tin: "Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy lần tới sẽ có thêm nhiều hoạt động mới, như đấu xảo trái cây, hoa; hay giới thiệu thêm các loại bánh đặc sản, các sản phẩm thủy sản, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Các hoạt động hướng đến xây dựng thương hiệu cho các nghệ nhân và các sản phẩm của địa phương vươn xa". Ông Nguyễn Khánh Tùng cũng bật mí, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ 2017 sẽ đậm tính dân gian hơn, có thêm cuộc thi làm bánh của các đơn vị tham gia, các sự kiện du lịch hưởng ứng từ các quận - huyện và không gian trải nghiệm văn hóa đa dạng hơn.

Những sự kiện văn hóa mới của du lịch Cần Thơ cũng đang hình thành. Đó là "Món ngon từ đồng quê" (tổ chức từ 2013) dành cho các nghệ nhân đến từ khắp các tỉnh ĐBSCL; hay Ngày hội Cung ứng nguyên liệu thực phẩm sạch cho chuỗi nhà hàng, khách sạn. Trên tiến trình hội nhập, Cần Thơ cũng đang chủ động phối hợp tổ chức nhiều sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế: Lễ hội Việt - Nhật, những ngày văn hóa Việt - Pháp... Trong những sự kiện như thế, khách quốc tế ấn tượng về Cần Thơ bởi nét văn hóa, ẩm thực và con người thân thiện, phóng khoáng.

Cần Thơ đã bước đầu thành công khi xây dựng lễ hội như những không gian giao lưu văn hóa cộng đồng, đậm chất bản địa hấp dẫn du khách. Các lễ hội ở Cần Thơ dẫu là truyền thống hay hiện đại đều mang dấu ấn văn hóa sông nước với những nét đẹp, giá trị về phong tục, lối sống và ẩm thực truyền thống, góp phần tạo nên hấp lực mới và định vị bản đồ du lịch Cần Thơ trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.

Du lịch Cần Thơ thêm hấp lực từ lễ hội 2

Du lịch Cần Thơ thêm hấp lực từ lễ hội 3

Du lịch Cần Thơ thêm hấp lực từ lễ hội 4

Du lịch Cần Thơ thêm hấp lực từ lễ hội 5

Du lịch Cần Thơ thêm hấp lực từ lễ hội 6


TTXT du lịch Cần Thơ

Mục lục

Du lịch Cần Thơ
          - Chợ nổi Cái Răng
          - Vườn cò Bằng Lăng
          - Bến Ninh Kiều
          - Chùa Ông Cần Thơ
          - Chùa Nam Nhã
          - Đình Bình Thủy
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang