Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Mẫu Sơn giàu tiềm năng

15/10/2017 - 1080 view
Du lịch Mẫu Sơn giàu tiềm năng

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tiềm năng đặc sắc, độc đáo riêng có, khu du lịch Mẫu Sơn Lạng Sơn hội tụ đầy đủ các điều kiện để xây dựng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Trong Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nơi đây sẽ là 1 trong 46 điểm đến hấp dẫn trong toàn quốc.

Giới thiệu về khu du lịch Mẫu Sơn giàu tiềm năng riêng có

Nằm trên địa bàn 3 xã Công Sơn, Mẫu Sơn huyện Cao Lộc và Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, với tổng diện tích 10.470 ha. Khu vực cao nhất của dãy núi Mẫu Sơn cách trung tâm thành phố Lạng Sơn khoảng 30 km về phía Đông, cách thủ đô Hà Nội chưa đầy 180 km, nằm sát với đường với biên giới Việt - Trung. Đây là vùng núi cao nhất của tỉnh Lạng Sơn và ở khu vực Đông Bắc nước ta, độ cao trung bình từ 800 - 1.000m so với với mặt nước biển, bao gồm một quần thể khoảng 80 ngọn núi lớn, nhỏ. Các đỉnh núi cao nhất là Phia Pò (Núi Cha) cao 1.541m, đỉnh Phia Mè (Núi Mẹ) cao 1.520m. Khí hậu mang nét đặc thù của vùng á nhiệt đới và ôn đới với nhiệt độ trung bình trong năm là 15,6oC với 2 mùa rõ rệt. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10, thời tiết mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 16 - 21oC rất thích hợp cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, có nhiệt độ trung bình từ 7,2 - 13,2oC, năm lạnh nhất tới -5oC, thường xuyên có sương mù bao phủ, có băng tuyết vào những ngày giá rét. Hệ thống thủy văn khá đa dạng với hơn 10 dòng suối chảy từ các đỉnh núi xuống xung quanh như suối Khuổi Lầy, Khuổi Tẳng, Khuôn Van, Nà Mìu, Lặp Pịa, Bản Khoai ở phía Nam; suối Pắc Đây, Co Khuông, Làng Kim, Khuổi Phiêng, Khuổi Luông ở phía Bắc. Các dòng suối này dồi dào lượng nước quanh năm, chưa bao giờ khô hạn. Thảm thực vật khá phong phú trên diện tích gần 5.000 ha rừng. Rừng tự nhiên ở đây có nhiều sinh vật quý, hiếm như sồi, dẻ, trầm hương, tùng la hán, vối thuốc. Một số loài hoa như đỗ quyên và các loài phong lan đẹp chỉ vùng núi này mới có. Nơi đây còn có rất nhiều loại cây, con quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như chè san tuyết cổ thụ, đào, chanh rừng, ếch hương... Do hội tụ nhiều yếu tố độc đáo về cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học làm cho đỉnh Mẫu Sơn trở thành danh thắng nổi tiếng của Lạng Sơn, được ví như “cảnh tiên giữa trần”, như Sa Pa thứ hai của miền Bắc Việt Nam.

Bên cạnh những giá trị về tự nhiên, thuyết minh về khu du lịch Mẫu Sơn còn đặc biệt hấp dẫn bởi những giá trị về văn hóa tâm linh và bản sắc văn hóa dân tộc thuần khiết của cộng đồng các dân tộc sinh sống nơi đây. Trong văn hóa tâm linh, khu Linh địa - Đền cổ Mẫu Sơn nằm ở nơi “đắc địa” giữa Núi Cha và Núi Mẹ tại thôn Lặp Pịa đã trở thành huyền tích bí ẩn. Nhân dân quanh vùng vẫn truyền tụng nhiều chuyện kể, huyền tích, huyền thoại về khu Linh địa - Đền cổ này, trong đó có câu chuyện khá ấn tượng là huyền tích về “những phiến đá thiêng rỉ máu”. Từ xa sưa, nhân dân các dân tộc trong vùng sử dụng ngôi đền này làm nơi sinh hoạt tâm linh, là một di tích tín ngưỡng, tôn giáo linh thiêng. Không chỉ đơn thuần là nơi thờ tự, lăng mộ, đền cổ - mộ đá trên khu Linh địa - Đền cổ còn là biểu tượng của sức mạnh văn hóa, thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người Tày cổ trong khu vực. Ngoài ra, truyền thuyết núi Mẫu Sơn còn có cả huyền thoại dân gian về núi Cha, núi Mẹ, núi Phặt Chỉ... Những giá trị phi vật thể về một vùng đất thiêng tạo cho nơi đây một sức hấp dẫn tâm linh đặc biệt.

Đây còn là vùng đất có nhiều giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Dao sinh sống xung quanh khu vực được bảo tồn khá nguyên vẹn. Trong đó phải kể đến lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, tục thờ cúng tổ tiên, thờ thổ công thần núi, thờ cúng núi Phặt Chỉ; trang phục, kiến trúc nhà trình tường và các làn điệu dân ca như Pảo Dung, thổi khèn Pí Lè của người Dao Lù gang; lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) và những làn điệu then đàn tính tẩu, hát sli, lượn của người Tày, Nùng. Nơi đây còn nổi tiếng với nét văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc có tính đặc trưng rất riêng như rượu được chưng cất từ men lá, mật ong, chanh rừng, đào và chè tuyết từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên các đỉnh núi cao.

Với những đặc điểm trên cho thấy, đây là nơi hội tụ nhiều giá trị đặc biệt về tự nhiên và văn hóa. Đó là những tài nguyên du lịch đặc sắc mà không phải nơi nào ở vùng núi Đông Bắc hay khu vực phía Bắc Việt Nam có được. Đây là tiền đề quan trọng để Mẫu Sơn phát triển thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia; là điểm đến hấp dẫn để nghỉ dưỡng, hành hương tâm linh, tham quan, ngắm cảnh, tìm hiểu lịch sử, văn hóa con người nơi đây.

Định hướng và những hoạt động tích cực phát triển du lịch

Phát triển du lịch Mẫu Sơn có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Lạng Sơn mà còn đối với hoạt động phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ nói chung và vùng núi Đông Bắc nói riêng. Trên cơ sở phân tích những đặc điểm tự nhiên, văn hóa - xã hội khu vực này, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó Mẫu Sơn là 1 trong 46 điểm đến hấp dẫn trong toàn quốc hội tụ được các tiềm năng du lịch đặc sắc và các điều kiện để phát triển thành khu du lịch quốc gia. Ngày 21/6/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Nghị quyết 42-NQ/TU về phát triển du lịch Mẫu Sơn thành điểm du lịch quốc gia. Ngày 20/2/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 240/QĐ-TTg về xây dựng, phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ngày 29/4/2017, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch số 80a/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030.

Theo đó, trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và Quy hoạch thổng thể phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2010 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ “Mẫu Sơn được xác định ưu tiên đầu tư phát triển thành một trong những khu du lịch quốc gia, nghỉ dưỡng của thủ đô Hà Nội và vùng phụ cận với các nhà nghỉ, dịch vụ chất lượng cao, các khu vui chơi giải trí hấp dẫn để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển du lịch toàn tỉnh”. Mục tiêu được đưa ra là phấn đấu đến năm 2030, khu du lịch Mẫu Sơn đáp ứng được các tiêu chí và trở thành khu du lịch quốc gia với các sản phẩm đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước. Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, Mẫu Sơn đón khoảng 800.000 lượt khách, trong đó 35.000 lượt khách quốc tế, đạt tổng doanh thu trên 2.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2.800 lao động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030 đón trên 1 triệu lượt khách du lịch trong đó trên 50.000 lượt khách quốc tế, đạt tổng doanh thu trên 3.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4.000 lao động trực tiếp.

Nghị quyết của tỉnh đưa ra mục tiêu đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội để phát triển và khai thác toàn diện tiềm năng du lịch khu vực này. Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Mẫu Sơn đạt các tiêu chí là điểm du lịch quốc gia, là một trung tâm du lịch của tỉnh, có mối liên kết chặt chẽ với các điểm du lịch vùng Đông Bắc; xây dựng thương hiệu du lịch của Mẫu Sơn có uy tín trên thị trường du lịch trong nước.

Căn cứ vào chiến lược và mục tiêu trên, ở đây sẽ được tập trung phát triển một số loại hình, sản phẩm du lịch chủ yếu. Trong đó, du lịch nghỉ dưỡng được xem là lợi thế cơ bản bởi khí hậu mát mẻ, cảnh quan hấp dẫn, văn hóa bản địa đặc sắc và nguyên sơ. Trong phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh, sự tích núi Mẫu Sơn huyền bí hấp dẫn với truyền thuyết dân gian về núi Cha, núi Mẹ, huyền tích bí ẩn về khu Linh địa - Đền cổ, núi Phặt Chỉ, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, thờ cúng tổ tiên của người dân tộc Dao, thờ thổ công thần núi của người dân tộc Tày... Du lịch tham quan cũng là một loại hình phát triển du lịch quan trọng đối với phát triển tuyến, tour du lịch Mẫu Sơn trên cơ sở khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc và sinh hoạt truyền thống cộng đồng tại các bản làng dân tộc. Với đặc điểm về tự nhiên và địa hình, ở đây còn có thể phát triển loại hình du lịch thể thao mạo hiểm như leo núi, đi bộ xuyên rừng, dù lượn, khám phá bằng mô tô hoặc xe đạp. Đây cũng là nơi bảo tồn được nhiều diện tích rừng tự nhiên và với đặc thù về khí hậu thì việc phát triển du lịch sinh thái với các hình thức như du lịch nghiên cứu; tìm hiểu các giá trị cảnh quan, các hệ sinh thái núi, văn hóa bản địa hoàn toàn có điều kiện để thực hiện và phát triển tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch. Cách thành phố Lạng Sơn khoảng 30 km, cách một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội từ 100 - 180 km, đây còn là điểm đến du lịch cuối tuần lý tưởng với người dân.

Những hoạt động tích cực trong phát triển du lịch Mẫu Sơn

Với mục tiêu đến năm 2030, Mẫu Sơn đáp ứng được các tiêu chí và trở thành khu du lịch quốc gia có sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.

Trong triển khai công tác quy hoạch, sẽ tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng khu du lịch, quy hoạch chi tiết và dự án khả thi đối với một số phân khu chức năng quan trọng nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư, tiếp tục thực hiện quy hoạch cụ thể theo phân khu chức năng. Phát triển vùng lõi khu du lịch với 3 phân khu du lịch chính: phân khu du lịch nghỉ dưỡng, phân khu du lịch tâm linh, phân khu du lịch khám phá và phát triển các điểm du lịch cộng đồng...

UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện các nội dung trong quy hoạch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch trong khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy có hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch, đảm bảo thực hiện đúng định hướng phát triển trong quy hoạch.

Cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Bình chủ động tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phát triển du lịch Mẫu Sơn. Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về phát triển du lịch huyện Lộc Bình. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 10/12/2015 về đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn huyện Lộc Bình giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 06/3/2017 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TU ngày ngày 21/6/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch khu vực Mẫu Sơn thành điểm du lịch quốc gia; phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 theo Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Chú trọng chỉ đạo công tác quảng bá du lịch, hình ảnh núi Mẫu Sơn; tham gia quảng bá các sản phẩm du lịch tại các hội chợ triển lãm, sự kiện do ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh hoặc các tỉnh liên kết tổ chức; quan tâm và tạo điều kiện cho phát triển hạ tầng cơ sở. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, hiện nay huyện đang tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã Mẫu Sơn, xã Bằng Khánh, phục vụ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch.

Với những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ đã và đang được triển khai tích cực, tin tưởng rằng, du lịch Mẫu Sơn sẽ có nhiều khởi sắc trong tương lai, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

TTXT du lịch Lạng Sơn

Mục lục

Du lịch Lạng Sơn
          - Du lịch Mẫu Sơn
          - Du lịch Bắc Sơn
                    - Đỉnh núi Nà Lay
                    - Làng Quỳnh Sơn
                    - Thác Đăng Mò
          - Đền Kỳ Cùng
          - Động Tam Thanh & Chùa Tam Thanh