Địa điểm du lịch Kênh gym

Nghề thủ công chế tác dừa của người dân Cồn Phụng

16/08/2014 - 3494 view
Nghề thủ công chế tác dừa của người dân Cồn Phụng

Cây dừa từ lâu đã gắn bó với vùng đất Bến Tre như một phần không thể thiếu trong văn hóa xứ dừa. Bằng đôi tay khéo léo và sự nhạy bén của mình, người dân Cồn Phụng ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã tận dụng thời gian nông nhàn và nguồn nguyên liệu dừa sẵn có để tạo ra những vật dụng gia đình và các sản phẩm mỹ nghệ đẹp mắt.

Một số cụ già ở Cồn Phụng cho rằng, việc sử dụng các bộ phận của cây dừa để tạo ra các vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày đã có từ lâu. Do trong chiến tranh, những vườn dừa ở đây bị tàn phá nặng nề, nên người dân đã tận dụng những thân dừa bị gãy để làm ra đũa, muỗng... dùng trong gia đình. Người trong bờ ra chơi, thấy bắt mắt thì hỏi mua, dần dà nhu cầu tăng, nên thành nghề thủ công, rồi phát triển ra cộng đồng. Đến những năm 1960 của thế kỷ XX, làng nghề sản xuất hàng thủ công từ dừa ở Cồn Phụng được hình thành và phát triển cho đến ngày nay, mẫu mã chủng loại dần trở nên đa dạng và phong phú. Đây là nghề chủ yếu dựa vào lao động, hầu hết đều sản xuất dưới dạng hộ kinh tế gia đình.

- Giai đoạn đầu, nghề chế tác dừa ở Cồn Phụng chưa phát triển mạnh thì sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho người trong vùng. Về sau, nhờ có chính sách khuyến khích đầu tư để phát triển làng nghề truyền thống, sản lượng hàng thủ công từ dừa tăng lên đáng kể, thị trường tiêu thụ mở rộng dần từ Nam ra Bắc, và còn xuất khẩu sang nước ngoài.

- Và từ khi một phần đất phía đầu cồn trở thành Khu du lịch Cồn Phụng, làng nghề chế tác dừa ở đây dễ trở thành đặc điểm thu hút khách du lịch, bởi vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi bày bán, cũng là nơi sinh sống của người dân. Số lượng sản phẩm bán tại chỗ tuy không nhiều bằng các hợp đồng, nhưng lợi ích lớn nhất của nó là “truyền miệng” đi xa.

Thông thường, mỗi nghề có một Tổ nghề gắn với tập tục thờ cúng, nhưng người thợ ở Cồn Phụng không có lệ thờ và cúng Tổ, họ chỉ vái trời, cầu xin những người khuất mặt trong các ngày mùng 2 và 16 âm lịch hàng tháng để cầu xin sự bình an, suôn sẻ trong công việc, và điều này trở thành một nét riêng của nghề thủ công nơi đây.

- Nghệ nhân chế tác dừa ở Cồn Phụng khi truyền nghề cũng không phân biệt trai hay gái mà tùy theo khả năng và sức vóc. Vì vậy, trẻ em xứ này từ nhỏ đã có thể phụ giúp gia đình một số việc như phơi, đóng gói sản phẩm, hay mài, đánh bóng sản phẩm... Họ còn truyền dạy cho những ai muốn theo nghề chứ không chỉ người trong gia đình.

Có thể nói, hoạt động sản xuất thủ công ở Cồn Phụng được xem là một hiện tượng văn hóa dân gian, bởi gắn bó trực tiếp với đời sống người dân. Con người sử dụng nguồn nguyên liệu dừa có sẵn trong tự nhiên để sản xuất ra những vật phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày, đó là những đôi đũa, cái muỗng, tô chén, gáo múc nước... và càng về sau càng được cải tiến mẫu mã, màu sắc, nghệ thuật tạo hình, trang trí... nâng tầm lên giá trị thẩm mỹ, chứa đựng văn hóa địa phương, và trở thành những tác phẩm nghệ thuật dân gian.

Nghề thủ công chế tác dừa của người dân Cồn Phụng - 2


TTXT du lịch Bến Tre

Mục lục

Du lịch Bến Tre
          - Du lịch Chợ Lách
                    - Vườn trái cây Cái Mơn
          - Cồn Phụng
          - Cồn Ốc
          - Sân chim Vàm Hồ