Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Bến Tre đa dạng hóa sản phẩm

14/05/2017 - 2791 view
Du lịch Bến Tre đa dạng hóa sản phẩm

Tỉnh Bến Tre có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch nhưng từng điểm đến chưa có sản phẩm độc đáo nên chưa tạo được sự hấp dẫn giữ chân khách du lịch lâu hơn. Vấn đề này được các doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh nêu ra tại hội thảo “Liên kết xúc tiến thương mại du lịch Bến Tre gắn với vùng đồng bằng sông Cửu Long” nằm trong khuôn khổ “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh năm 2017” tại Bến Tre.

Điểm đến thiếu sản phẩm độc đáo

Doanh nghiệp lữ hành Nguyễn Thanh Thủy cho biết: “5 năm tôi mới có dịp trở lại Bến Tre, ấn tượng đầu tiên là giao thông đường bộ phát triển nhanh, giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng kết nối các xã, ấp, xóm đứng top đầu các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Điều này có lợi thế trong thu hút khách tham quan du lịch. Thế nhưng, bản đồ du lịch Bến Tre chỉ chú ý khai thác sản phẩm phía sông Tiền, trong khi đó các hướng khác đầy tiềm năng lại còn bỏ ngỏ. Du lịch văn hóa, lịch sử chưa khai thác hết chiều sâu”.

Ông Thủy dẫn chứng: Nhà giáo Võ Trường Toản là cụ tổ ngành giáo dục Nam Kỳ nhưng việc đầu tư cho di tích này để hướng đến khai thác du lịch còn quá đơn sơ. Mỏ Cày Nam có chùa Tuyên Linh, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Huế đến ghé lại và tá túc một thời gian, có thể khai thác du lịch ở góc độ lịch sử tâm linh. Bến Tre là quê hương của cây bưởi da xanh nhưng chưa có điểm nhấn để du khách đến phải khát khao được thưởng thức món trái cây đặc sản này. Bến Tre là tỉnh có diện tích đất trồng dừa nhiều nhất nhưng cũng chưa tạo ra giá trị độc đáo để thu hút khách du lịch. Bến Tre cần nghĩ đến việc làm sao để du khách cảm nhận được giá trị của trái dừa thông qua chất dinh dưỡng, giống dừa nổi tiếng, chất lượng đặc sắc hơn so với dừa của các địa phương khác trồng.

Bên cạnh đó, ông Thủy còn quan tâm đến tuyên truyền trực quan. “Qua cầu Rạch Miễu, du khách phải bắt gặp ngay những dòng chữ đại loại như: “Du lịch xứ Dừa Bến Tre”, “Bến Tre xanh mát xứ Dừa” hay bảng chỉ dẫn đến với “Vương quốc trái cây Cái Mơn, quê hương nhà bác học Trương Vĩnh Ký”. Ngay cả các làng nghề kẹo dừa, rượu Phú Lễ, đan đát, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề hoa kiểng Cái Mơn...” vẫn phải tạo hồn, đem lại giá trị độc đáo cho khách du lịch Bến Tre” - ông Thủy nói.

Hiện tại, trong sản xuất ở các làng nghề, máy móc đã thay thế một số công đoạn thủ công nhưng phải hình thành nơi trưng bày công đoạn sản xuất thủ công truyền thống. Khi được nhìn thấy cối đá, chày quết bánh phồng và được hướng dẫn, giới thiệu, du khách mở rộng thêm hiểu biết vẫn thú vị hơn. Đến làng nghề hoa kiểng Cái Mơn phải tạo thêm điểm nhấn từ việc ngắm nhìn nhà thờ được đưa từ văn hóa phương Tây đến vùng sông nước, rồi khi rời khỏi du khách còn mang về cây giống hoa kiểng. Từng điểm đến du lịch Bến Tre rất cần xây dựng câu chuyện để quảng bá, tạo cho du khách sự khát khao mong được đến một lần để chiêm ngưỡng. Và khi rời khỏi lại hứa hẹn đến lần tiếp theo.

Trong mối quan hệ du lịch, nhà vườn từ tài nguyên sẵn có phải tạo sản phẩm điểm nhấn, nét độc đáo; doanh nghiệp lữ hành là người môi giới, trực tiếp tiếp xúc và biết khách du lịch cần gì. Trên cơ sở đó, người môi giới gắn kết với nhà vườn để đưa khách đến tham quan du lịch Bến Tre. Một số doanh nghiệp lữ hành cho rằng, cần tạo dòng sản phẩm phục vụ riêng cho từng đối tượng khách quốc tế, khách nội địa, học sinh và sinh viên.

Doanh nghiệp lữ hành Phan Đình Huệ đánh giá cao loại hình du lịch homestay và đồng quê. “Chúng ta cần loại bỏ suy nghĩ du lịch homestay và đồng quê giá rẻ và không cần chuyên nghiệp. Du lịch homestay và đồng quê nếu biết khai thác thì dễ dàng giữ chân du khách nhiều ngày chứ không chỉ là tour du lịch Bến Tre 1 ngày, 2 ngày 1 đêm như hiện nay. Vấn đề là từng điểm đến phải có sản phẩm đặc sản riêng, môi trường sạch đẹp, hộ dân được bồi dưỡng, được huấn luyện làm du lịch chuyên nghiệp. Đầu tư làm du lịch homestay, đồng quê hầu như không có rủi ro. Bởi nếu khách tham quan không đến, nhà cửa hộ dân vẫn sạch đẹp” - ông Huệ nhận định.

Một số doanh nghiệp lữ hành đề cập đến việc phát huy thế mạnh nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Đơn cử hàng năm trên địa bàn tỉnh diễn ra lễ hội Cây - trái ngon, an toàn. Không nên dừng lại trưng bày, bán sản phẩm mà tiến thêm bước nữa là xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm. Khi sản phẩm có thương hiệu, tức ngon, chất lượng cao, an toàn thì có thể tiến hành đấu giá. Nhiều khách tham gia đấu giá để có được sản phẩm và hãnh diện mang về tặng bạn bè, người thân. Tâm lý người đi du lịch, mỗi điểm dừng chân thường muốn mua 1 sản phẩm lưu niệm minh chứng đã đến hoặc tặng cho bạn bè, người thân. Điều này đòi hỏi mỗi điểm, khu du lịch Bến Tre phải có sản phẩm dấu ấn riêng, độc đáo.

Bà Trương Thị Nhi - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lô Hội cho rằng, khách tham quan du lịch miền quê sông nước miệt vườn mong muốn được chiêm ngưỡng sự khác biệt. Hàng ngày, họ đến siêu thị, hay ra chợ mua trái cây về ăn nay vào tận vườn, mắt nhìn thấy cây trồng, tay hái trái thưởng thức thì rất thú vị. Tuy vậy, du khách luôn quan tâm đến vệ sinh môi trường. Nếu đứng trên cầu Rạch Miễu nhìn xuống dòng sông Tiền thì sông nước hữu tình. Nhưng nếu cho du khách ngồi trên thuyền và thưởng thức món ăn đặc sản cạnh các bè nuôi cá, thỉnh thoảng bốc mùi hôi thì không nên. Nếu muốn giữ chân khách du lịch Bến Tre 2 ngày 1 đêm và tiến tới dài ngày hơn, đòi hỏi sự khác biệt và đặc sắc của từng điểm đến, hướng dẫn viên phải thông thạo ngoại ngữ, biết văn hóa để truyền đạt cho du khách.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Thời gian qua, Bến Tre có quan tâm khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên (sông rạch, cồn trên sông, biển, rừng ngập mặn, vườn chim Vàm Hồ, vườn dừa, vườn cây ăn trái), tài nguyên du lịch nhân văn (2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, 14 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 26 cấp tỉnh, lễ hội cách mạng 17/1, cây trái ngon mùng 5/5 âm lịch, lễ hội Nghinh Ông...). Tuy nhiên, lượng khách đến tỉnh còn khiêm tốn, chưa có doanh nghiệp, công ty du lịch Bến Tre quy mô lớn làm đầu tàu, trình độ nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế, công tác thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch chưa được đầu tư đúng mức.

Trên cơ sở nghiên cứu tổng quan về điều kiện tự nhiên, xã hội, đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh, bà Lê Thị Ngọc Điệp - Phó trưởng Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để ngành du lịch Bến Tre phát triển liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần tập trung vào các nhóm giải pháp liên quan đến tiếp thị, quảng bá, tạo bộ phận nhận dạng thương hiệu; sản phẩm du lịch mới; hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, quản trị công và hợp tác.

Theo ông Trần Duy Phương - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bến Tre, để khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch, giải pháp từ năm 2016 - 2020 của tỉnh là: Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch. Cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất cho du lịch, nhất là du lịch trên các cồn, du lịch biển Bến Tre. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Phát triển nguồn nhân lực du lịch, tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Bến Tre ký liên kết phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội và Bạc Liêu. Đặc biệt, cụm liên kết phát triển du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long gồm: Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre nhằm tạo nhận thức, đoàn kết trong đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, cơ quan xúc tiến du lịch, các doanh nghiệp về quan điểm liên kết phát triển du lịch vùng; tạo kênh hữu ích trong chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý, xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực; cử các nhà lữ hành gắn kết điểm du lịch các tỉnh liên kết chia sẻ chuỗi giá trị trong tour du lịch, kết nối giữa công ty lữ hành lớn với công ty lữ hành địa phương.

Bên cạnh đó, việc liên kết phát triển du lịch còn tạo ấn tượng mới cho ngành du lịch của các tỉnh trong chuỗi, đa dạng hóa về loại hình và sản phẩm du lịch; thay đổi diện mạo các tỉnh, tính chuyên nghiệp ngày càng nâng lên, thu hút nhiều khách tham quan, hiệu quả quảng bá cao hơn...

TTXT du lịch Bến Tre

Mục lục

Du lịch Bến Tre
          - Du lịch Chợ Lách
                    - Vườn trái cây Cái Mơn
          - Cồn Phụng
          - Cồn Ốc
          - Sân chim Vàm Hồ