Địa điểm du lịch Kênh gym

Nhà Lớn Long Sơn - Bà Rịa Vũng Tàu

Nhà Lớn Long Sơn

Khu Nhà Lớn Long Sơn (khu Nhà Lớn Đạo Ông Trần) tọa lạc trên đảo Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), nổi danh với lối kiến trúc cổ và văn hóa tín ngưỡng độc đáo, trở thành điểm đến giá trị, thu hút nhiều du khách đến tham quan.


Lịch sử Nhà Lớn Long Sơn

Năm 1900, ông Trần (người miền Tây Nam Bộ) cùng khoảng 20 người trong gia tộc du hành bằng thuyền, dừng chân ở bến chợ Bà Rịa, thấy đảo Long Sơn chưa nhiều người khai phá, ông bèn chọn nơi đây mở đất lập nghiệp.

Năm 1909, ông Trần đề đạt với chính quyền Bà Rịa cho lập nhà thờ Khổng Tử để làm nơi thờ cúng của người dân ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn). Được chấp thuận, năm 1910, ông cho xây dựng nhà Thánh làm khu chính điện. Về sau, ông xây tiếp lầu Trời, lầu Tiên, lầu Phật, và sửa lại nhà Hậu (đã có từ trước) cho rộng lớn và khang trang hơn.

Năm 1927, ông cho cất thêm lầu Cấm (làm tiền điện), 2 ngôi nhà khách, cổng tam quan, khu vườn hoa. Năm 1928, ông dựng tiếp lầu Dài, phần dưới để trống làm nơi ăn nghỉ cho người đến thăm viếng, tầng trên bày các ban thờ.

Những năm tiếp theo, ông cho xây cất 5 dãy phố để lưu dân cư ngụ khi mới đến lập nghiệp, nhà Long Sơn hội (nơi hội họp), trường học (dạy chữ quốc ngữ cho trẻ), nhà chợ (được khánh thành ngày 16/8/1929), nhà xay xát lúa gạo, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, các hồ dùng để tích trữ nước ngọt...

Vì các công trình đều chung một khu nên người dân quen gọi Nhà Lớn. Sau khi ông Trần mất và được thờ tại đây thì còn gọi là Đền Ông Trần. Năm 1991, Nhà Lớn Long Sơn đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.


Kiến trúc Nhà Lớn Long Sơn

Tổng thể Di tích Nhà Lớn Đạo Ông Trần có nhiều kết cấu bằng các loại gỗ quý, trải rộng trên diện tích khoảng 2ha, chia thành 3 khu: đền thờ, các công trình phụ trợ và nhà bảo tồn Ghe Sấm, khu lăng mộ ông Trần. Tại đây tôn thờ nhiều đối tượng của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và thờ ông Trần cùng những người trong gia tộc.

- Trong nhà thờ lớn đạo Ông Trần, còn lưu lại nhiều kỷ vật cổ như bộ bàn ghế bát tiên, được cẩn hoa cương và xà cừ; bộ tủ thờ cẩn xà cừ, kèm theo bộ lư, chân đèn cổ; những bức hoành phi, câu đối, liễn thờ... Phía sau chính điện, còn có bộ ảnh chữ Nôm truyện Lục Vân Tiên, trước vẽ trên lụa, sau được phục chế trên kính.

Tuy là di tích cấp quốc gia, nhưng Nhà Lớn Long Sơn hoạt động theo phương thức tự quản của gia tộc hậu duệ ông Trần, nên việc bảo tồn quần thể kiến trúc cổ cũng do con cháu ông đảm nhận, nhằm chống xuống cấp và phục vụ nhu cầu tham quan của người dân, du khách. Bà Lê Thị Kiềm, hậu duệ đời thứ 4 của ông Trần, cho biết: “Toàn bộ kinh phí trùng tu Nhà Lớn đều từ sự ủng hộ của bá tánh tín ngưỡng ông Trần, gia tộc và khách hành hương”.


Nguồn gốc Đạo Ông Trần

Sinh thời, ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu, 1855 - 1935) thường cởi trần, tóc búi gọn, đi chân đất, lao động suốt ngày nên người dân quen gọi là ông Trần. Ông sống nhân nghĩa, thường cưu mang những ai đến đây lập nghiệp, và dần tạo nên một cộng đồng sinh hoạt gắn bó, đùm bọc lẫn nhau. Người dân vì thế mà tôn kính.

Khi ông mất, nơi đây hình thành tín ngưỡng Đạo Ông Trần một cách tự nguyện. Đây là tín ngưỡng hòa trộn nhiều đạo giáo khác nhau nhưng không hề có những ràng buộc nhất định nào, cũng như tệ mê tín dị đoan, mà chủ yếu dạy cho con người về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín... và cứ thế truyền từ đời này sang đời khác.

Vì vậy, không riêng gì hậu duệ của ông Trần, mà bà con xã đảo đều tự nguyện luân phiên làm công quả tại Nhà Lớn. Nhất là vào những dịp lễ Tết càng thêm đông vui, người gói bánh, làm mứt, nấu cơm, người quét dọn, người thắp hương, người thì tiếp khách... tạo nên không khí cộng đồng nhộn nhịp và đầm ấm.


Tham quan Nhà Lớn Long Sơn

Trải qua nhiều biến đổi của lịch sử và thời gian nhưng đến nay toàn bộ kiến trúc vẫn hầu như nguyên vẹn. Người dân theo đạo Ông Trần ở Long Sơn vẫn mặc quần áo bà ba đen, đi chân đất, tóc búi gọn sau gáy, và lưu giữ tục viết liễn, những nếp sinh hoạt cộng đồng... tạo ấn tượng đặc biệt với du khách.

Khách đến tham quan còn có dịp thưởng thức món khoai mì hấp nước dừa trộn đậu phộng, bánh ít trần... Và nếu khách muốn lưu lại thì được cho nghỉ qua đêm tại dãy nhà cổ và thết đãi cơm chay miễn phí.

Hàng năm, vào ngày vía Ông Trần (20/2 âm lịch) và ngày Trùng Cửu (9/9 âm lịch), khu di tích Nhà Lớn Long Sơn tổ chức lễ hội lớn, thu hút hàng ngàn người, trong đó chủ yếu ở các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ về tham dự.


Có thể nói, Nhà Lớn Long Sơn là điển hình cho nếp sinh hoạt quần cư - một nếp văn hóa của người Việt xưa. Hoạt động của Nhà Lớn thể hiện tính đoàn kết, vì cộng đồng, thấm đẫm triết lý nhân văn sâu sắc của Đạo Ông Trần.
Nhà Lớn Long Sơn - kiến trúc bên trong
Nhà Lớn Long Sơn - kiến trúc bên trong
Nhà Lớn Long Sơn - người dân theo đạo Ông Trần
Nhà Lớn Long Sơn - người dân theo đạo Ông Trần
Nhà Lớn Long Sơn - lối vào khu di tích
Nhà Lớn Long Sơn - lối vào khu di tích

Mục lục

1) Du lịch Vũng Tàu
             - Bãi Sau
             - Bãi Trước
             - Bãi Dứa
             - Bãi Dâu
             - Tượng Chúa Kitô Vua
             - Hải Đăng
             - Bạch Dinh
             - Cáp treo Vũng Tàu
             - Đua chó Vũng Tàu
2) Mở rộng điểm đến
             - Suối nước nóng Bình Châu
             - Bãi biển Hồ Cốc
             - Bãi biển Hồ Tràm
             - Bãi biển Thùy Dương
             - Bãi biển Long Hải
             - Đảo Long Sơn
             - Côn Đảo