Địa điểm du lịch

Vườn quốc gia Bù Gia Mập, sắc màu trà mi

16/09/2017 - 2091 view
Vườn quốc gia Bù Gia Mập, sắc màu trà mi

Tầm tháng 9 vào thu, đến với Vườn quốc gia Bù Gia Mập Bình Phước du khách sẽ được đắm mình giữa màu sắc tươi thắm của các loài hoa trà mi. Đặc biệt trà mi phân bố tại đây rất độc đáo, ít nơi có được, trong đó có các loài trong Sách đỏ Việt Nam cần được duy trì bảo tồn nguồn gen quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng.

Những loài hoa trà mi quý

Trà mi thuộc họ chè (theaceae), trên thế giới có khoảng gần 500 loài thuộc 18 chi khác nhau, trong đó chi trà mi (camellia) có khoảng 100-250 loài. Ở Việt Nam, trà mi trồng và mọc hoang ngoài tự nhiên trải dài từ Bắc vào Nam với khoảng 68 loài được ghi nhận. Chi trà mi tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập được các nhà khoa học trong nước và ngoài nước vô cùng quan tâm, vì mọc ở địa hình khu vực đại diện duy nhất cho vùng khí hậu chuyển tiếp từ cao nguyên xuống Đông Nam bộ mà không nơi nào có được. Vì thế hệ thực vật nói chung và trà mi nói riêng ở đây cũng có nhiều loài rất đặc biệt, mang giá trị khoa học, bảo tồn và kinh tế.

Kết quả nghiên cứu về chi trà mi tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã ghi nhận và cập nhật tạm thời vào danh mục thực vật ở đây gồm 7 loài. Trong đó camellia longii, camellia bugiamapensis rất quý hiếm, có phạm vi phân bố hẹp, số lượng cây ít, số cá thể trưởng thành ghi nhận ngoài tự nhiên còn khá ít nên các nhà khoa học đang xem xét đề nghị đưa loài này vào danh sách những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng mức độ CR (cực kỳ nguy cấp) của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế và Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt loài camellia bugiamapensis ngoài giá trị bảo tồn nguồn gen, các nhà khoa học còn đánh giá là loài có giá trị dược liệu tương tự loài trà hoa vàng - camellia chrysantha đã được công nhận trên toàn thế giới.

Giá trị y dược của trà mi

Trà xanh - camellia sinensis (L.) O.Ktze là loài phổ biến nhất tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập được các nhà khoa học phát hiện trong khu vực rừng thưa, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trà hoa vàng Bugiamap là loài trà mi đặc hữu của vùng rừng Bù Gia Mập, được các nhà khoa học mô tả và công bố một loài hoàn toàn mới cho khoa học vào năm 2014.

Trà hoa đỏ Longii lần đầu tiên được phát hiện tại các tiểu khu 27, 8, 7 của Vườn quốc gia Bù Gia Mập vào năm 2010. Trà hoa vàng - camellia bugiamapensis Orel & Luu sp, là loài đặc hữu của rừng Bù Gia Mập được công bố khoa học vào năm 2014. Đây là cây bụi gỗ nhỏ đến nhỡ, phân cành thưa thớt.

Qua khảo sát, nghiên cứu thì vị trí phân bố của loài trong phạm vi khoảng 1km2 phía tây bắc Vườn quốc gia Bù Gia Mập, cách đường biên giới Việt Nam - Campuchia 1km. Loài mới này phát triển trong rừng kín mưa ẩm nhiệt đới, đất thấp liền kề hệ thống sông, suối. Trà đuôi - camellia caudatum (Wall) phân bố khá phổ biến tại đây, hay bắt gặp ở rừng thường xanh trên đồi núi thấp.

Các loài trà mi đều có hình thái hoa rất đẹp, được trồng làm cảnh và có tác dụng làm sạch không khí vì trà mi có thể hấp thụ và giảm những tia bức xạ từ thiết bị điện gia dụng như máy tính, điện thoại... Ngoài ra trà mi còn được sử dụng làm nước uống giải khát, đến nay được nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất thực phẩm chức năng nâng cao sức khỏe con người. Chính vì vậy, việc nghiên cứu phát hiện và bảo tồn hiệu quả các loài trà mi phân bố tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cấp bách và cần thiết, nhằm bảo vệ kịp thời những giá trị thiên nhiên quý giá cho thế hệ mai sau.

TTXT du lịch Bình Phước

Mục lục

Du lịch Bình Phước
          - Vườn quốc gia Bù Gia Mập
          - Núi Bà Rá & Hồ Thác Mơ
          - Trảng cỏ Bù Lạch
          - Thác Đứng
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang