Địa điểm du lịch Kênh gym

Ký sự lên thăm vùng đất Mù Cang Chải ngày đầu xuân

04/03/2016 - 2492 view
Ký sự lên thăm vùng đất Mù Cang Chải ngày đầu xuân

Một ngày đầu xuân, chiếc xe chở đoàn công tác chúng tôi lăn bánh rời thành phố Yên Bái đi về phía Tây chừng 180 km. Những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải dần hiện ra với bao ngỡ ngàng, thích thú. Mù Cang Chải theo tiếng địa phương có nghĩa là "đất gỗ khô", nằm dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, ngự trên độ cao chừng 1.000m so với mực nước biển.

Với khoảng 3.500 ha ruộng bậc thang, tập trung ở 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình - thành quả của hàng trăm năm người dân địa phương vật lộn với thiên nhiên để tồn tại, cái tên ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được gắn một dấu sao trên bản đồ du lịch Việt nam và được đặc biệt ưu tiên trong các tour du lịch. Những năm gần đây cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự góp mặt của các kênh truyền thông, Mù Cang Chải - Yên Bái không chỉ được biết đến trong tỉnh, trong nước mà đã được nước ngoài biết đến.

Vượt chặng đường mịt mờ sương trắng lên tới đỉnh đèo Khau Phạ, đoàn chúng tôi được dịp ngắm nhìn một trong ba điểm xuất phát bay, bãi đỗ lượn, địa điểm quan sát dù bay của huyện. Với trên 2 tỷ đồng đầu tư, điểm dừng chân này mới chỉ hoàn thành ngay trước khi Tuần lễ Văn hóa du lịch Ruộng bậc thang Mù Cang Chải diễn ra trong năm. Chẳng thế, tất cả đều hết sức mới mẻ và đem đến một tinh thần du lịch chuyên nghiệp.

Qua đèo, bầu trời trở nên trong vắt. Rồi khi tiến vào trung tâm thị trấn, cả không gian rực rỡ bởi nắng vàng. Lâu rồi mới có dịp lên với Mù Cang Chải. Đất và người nơi đây thay đổi đến bất ngờ. Những quán hàng nhỏ, lùm xùm mấy năm về trước đã được thay thế bởi dãy hàng ăn, nhà nghỉ sầm uất. Những khuôn mặt, những nụ cười ánh lên nét rạng rỡ, tươi vui.

Chuyển mình

Đất trời Mù Cang Chải như cùng nhịp chuyển động của thiên nhiên, cùng hào hứng đón chờ những dự tính của con người nơi đây. Một vùng đất ẩn chứa biết bao tiềm năng du lịch cần được khai thác, bảo tồn và phát huy. Trao đổi với chị Lương Thị Xuyến - Phó chủ tịch UBND huyện phụ trách khối văn xã về những điểm mới, điểm mạnh, điểm cần chú trọng tuyên truyền của địa phương trong năm qua, chị đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa du lịch tại địa phương. Đề án “Phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ gắn với Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải và di tích quốc gia nơi thành lập Đội du kích Cao Phạ huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2014 - 2015 và định hướng đến năm 2020” đã bước đầu mang lại những kết quả hết sức khả quan.

Huyện đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh khảo sát bãi đá cổ tại xã Lao Chải; khảo sát, làm đường vào Thác Mơ, xã Mồ Dề; xây dựng kế hoạch, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch khảo sát, triển khai hoạt động du lịch sinh thái chinh phục đỉnh Púng Luông; khai thác hang động bản Pú Cang, xã Nậm Khắt.

Đặc biệt, huyện đã tổ chức thành công Tuần Văn hóa - Du lịch danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2015 với nhiều hoạt động phong phú như: khèn Mông, chọi dê, giã bánh dày, giã cốm và phiên chợ vùng cao đặc sắc đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan và cổ vũ. “Mùa vàng trên non” đã thu hút sự quan tâm của biết bao du khách trong và ngoài nước, đưa cái tên Mù Cang Chải đến gần hơn với thế giới.

Homestay

Anh Phạm Văn Thành - Trưởng phòng Văn hóa huyện cho biết: “Trong một loạt các hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho địa phương phải kể đến dịch vụ du lịch cộng đồng. Đó là thôn Bản Thái tại thị trấn Mù Cang Chải, bản La Pán Tẩn thuộc xã La Pán Tẩn và thôn Làng Sang thuộc xã Nậm Khắt là 3 điểm được tập trung tuyên truyền, vận động làm du lịch cộng đồng”.

Theo cán bộ Phòng Văn hóa huyện, từ trung tâm thị trấn, chạy qua cây cầu Kim Nọi, rẽ trái chưa đầy 1km, chúng tôi tìm đến Làng văn hóa khu 4, tổ 9, 10 Bản Thái. 100% dân số của thôn là dân tộc Thái. Thôn có 81 hộ thì có 10 hộ làm du lịch cộng đồng. Manh nha hoạt động du lịch cộng đồng này đã có từ khoảng chục năm nay, nhưng phát triển mạnh phải tính từ thời điểm năm 2010. Các gia đình: ông Lường Văn Sanh, Lương Văn Tư và Tòng Văn Dơn là những gia đình đầu tiên làm dịch vụ này. Đa phần các gia đình đều phục vụ ăn, nghỉ và tắm lá thuốc. Du khách lên ngắm ruộng bậc thang Mù Cang Chải có thêm chỗ lưu trú thú vị. Cảm giác đầu tiên khi đặt chân vào các hộ làm du lịch cộng đồng đó là mặc dù vẫn giữ nguyên bản sắc dân tộc Thái với ngôi nhà sàn truyền thống nhưng nếp sinh hoạt, cách bài trí đã được cải tiến rất nhiều. Không gian sạch sẽ, thoáng mát, chăn màn được gấp gọn gàng, thơm tho.

Đặc biệt, tất cả những nhà chúng tôi vào tham quan đều có khu vệ sinh riêng biệt, mới xây và được ốp lát đẹp đẽ. Nhìn con đường bê tông sạch sẽ, người dân thân thiện chào hỏi, tôi không giấu được những lời khen. Anh Trúc - cán bộ văn hóa đi cùng chia sẻ: “Tất cả là nhờ du lịch cộng đồng đấy chị ạ. Nhờ có dịch vụ này mà ý thức người dân được nâng lên rõ rệt, văn hóa ứng xử của bà con khác trước nhiều và đặc biệt là đời sống kinh tế của người dân đã được cải thiện”.

Tôi hiểu, để có được những mô hình du lịch cộng đồng hiện nay, không chỉ nhờ nỗ lực của người dân mà đằng sau đó là sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo huyện Mù Cang Chải. Huyện không chỉ tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn làm du lịch cộng đồng mà còn hỗ trợ các gia đình sưu tầm các vật dụng văn hóa truyền thống như khăn, pí pặp, pí thiu, cối giã gạo của dân tộc Thái... Trong năm 2015, huyện còn chủ trương cho mỗi hộ dân vay 20 triệu đồng để xây dựng nhà vệ sinh đúng quy cách nhằm phục vụ du khách đến ngắm ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Riêng thôn Bản Thái có 6 hộ được cho vay với số tiền 120 triệu đồng trong thời hạn 3 năm không lãi. Chính việc làm thiết thực này đã đẩy hoạt động văn hóa du lịch của địa phương theo hướng văn hóa, văn minh, dần đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đêm tràn xuống mang theo không khí rất riêng của vùng cao. Một chút sương, một chút mưa, một chút lạnh thấm sâu vào da thịt mang đến cho du khách những cảm nhận rất lạ. Đoàn chúng tôi khoác thêm chiếc khăn lụa thả bộ dọc con đường thị trấn. Khác với những năm trước, dù đã hơn mười giờ đêm nhưng ánh điện vẫn sáng lung linh. Những quán ăn đêm, những dãy nhà nghỉ, rồi những hàng ngô, khoai nướng vẫn đón chờ du khách. Ngồi nhâm nhi bắp ngô nếp dẻo thơm, ngọt lừ vị sữa, lắng nghe tiếng suối rì rầm chảy dưới cây cầu Kim Nọi bỗng thấy yêu thật nhiều mảnh đất vùng cao. Lại thêm nụ cười thân thiện, cách nói chuyện rất duyên của cô gái bán hàng khiến lòng người như phơi phới.

Tôi chợt nhớ đến lời của một lãnh đạo tỉnh, chị rất quan tâm đến việc phát triển du lịch trên mảnh đất này. Chị mong muốn ngay tại trung tâm thị trấn Mù Cang Chải sẽ được quy hoạch đồng bộ để có thể hình thành một chợ đêm như ở Sa Pa - Lào Cai với những món ẩm thực độc đáo của dân tộc Mông, dân tộc Thái, với những mặt hàng nông cụ, nhạc cụ, trang phục đặc trưng của đồng bào. Khi đó, rau cải Mông, su su, gạo Séng cù, gà đen, cá ruộng, mật ong, táo mèo, rượu thóc La Pán Tẩn, dao rèn, khèn Mông và những bộ trang phục thổ cẩm phải mất hàng năm trời mới xong sẽ được trưng bày, mua bán.

Kỳ vọng

Tạm biệt Mù Cang Chải, chúng tôi trở về thành phố. Sắc hồng của hoa đào, sắc trắng tinh khôi của hoa mận, sắc xanh của núi rừng như ẩn như hiện giữa bồng bềnh mây. Bức tranh vùng cao tuyệt đẹp dường như đang lắng lại trong lòng du khách. Dưới kia những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải hệt như những dàn sóng nhạc đang ngân lên những bản tình ca của núi rừng Tây Bắc. Đây “Đế giầy”, “Mâm xôi” nơi bản Pú Nhu xã La Pán Tẩn, kia “Lưng hổ” dưới chân đỉnh Khau Phạ mịt mùng sương... Những kỳ quan mà ruộng bậc thang của đồng bào Mông tạc lên cứ vấn vít mãi trong trí nhớ của đoàn chúng tôi.

Thiên nhiên nơi đây đã đẹp nhưng rồi sẽ đẹp hơn khi chẳng bao lâu nữa dọc hai bên đường quốc lộ 32 thuộc địa phận Mù Cang Chải sẽ mọc lên những hàng cây xanh đổ bóng râm mát. Và rồi, đối diện khu đồi mâm xôi, du khách sẽ có cơ hội ngắm rừng hoa tam giác mạch đẹp tuyệt vời theo đúng quy hoạch của huyện. Với sự chỉ đạo đồng bộ của huyện từ khâu tuyên truyền, quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ môi trường du lịch, các hoạt động lữ hành - lưu trú, việc đầu tư xây dựng các công trình phục vụ công tác du lịch và đặc biệt là sự nhất trí, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, chắc rằng, trong thời gian không xa, danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải và thị trấn vùng cao sẽ bứt phá trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.

TTXT du lịch Yên Bái

Tin du lịch Yên Bái

Mục lục

Du lịch Yên Bái
          - Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
          - Đèo Khau Phạ
          - Hồ Thác Bà
          - Làng nghề tranh đá quý Lục Yên
          - Đền Đông Cuông