Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Yên Bái phát huy tiềm năng lễ hội truyền thống

27/01/2016 - 2606 view
Du lịch Yên Bái phát huy tiềm năng lễ hội truyền thống

Lễ hội truyền thống là một trong những loại hình di sản độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Với hơn 30 dân tộc cùng chung sống, nên các lễ hội ở Yên Bái có những nét đặc trưng riêng, song đều mang tính nhân văn sâu sắc.

Các lễ hội đều thực hiện theo nghi lễ truyền thống, tập tục của dân tộc, được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân và du khách gần xa như: lễ hội đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn (Văn Yên), lễ hội đền Đại Cại (Lục Yên), lễ hội đền Thác Bà (Yên Bình), lễ hội đền Tuần Quán, Chùa Am, đền Nam Cường (thành phố Yên Bái)... Ngoài ra, còn có một số lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: hội Hạn Khuống, lễ hội Hoa ban của người Thái, lễ đón "Mẹ lúa" của người Khơ Mú, lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, lễ hội Cầu cơm mới dân tộc Tày... Lễ hội truyền thống đã trở thành sản phẩm du lịch và là tiềm năng để phát triển du lịch Yên Bái.

Trong những năm qua việc khôi phục, bảo tồn các lễ hội truyền thống các dân tộc được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái xác định là nhiệm vụ quan trọng, nhằm mục đích tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đồng thời để quảng bá, giới thiệu về bản sắc văn hóa các dân tộc, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tạo động lực cho du lịch phát triển, thu hút khách đến du lịch Yên Bái. Đáng chú ý là công tác bảo tồn, phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống như: lễ Mừng cơm mới, dân tộc Xá phó, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên; Tết nhảy, dân tộc Dao đỏ, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên; Lễ hội Xé then, dân tộc Thái, thị xã Nghĩa Lộ; tết Síp xí, dân tộc Thái đen, huyện Văn Chấn; lễ hội đền Đông Cuông, dân tộc Tày, xã Đông Cuông; lễ cấp sắc dân tộc Dao, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên...

Ngoài công tác bảo tồn các lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch Yên Bái còn chú trọng xây dựng các lễ hội thành sản phẩm du lịch được tổ chức hàng năm như: lễ hội Khám phá Thác Bà (năm 2009), lễ hội Âm vang hồ thác (năm 2011) tại huyện Yên Bình; lễ hội Sông Hồng gắn với lễ hội đền Mẫu Đông Cuông, huyện Văn Yên (năm 2013); lễ hội đèo Lũng Lô tại huyện Văn Chấn (năm 2014); lễ hội Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải và Tuần văn hóa du lịch Mường Lò (diễn ra hàng năm).

Đặc biệt năm 2013, tổ chức màn đại xòe xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam tại thị xã Nghĩa Lộ, với sự tham gia biểu diễn của 2013 diễn viên, nghệ nhân. Năm 2015, trong Tuần văn hóa du lịch Mường Lò, với chủ đề "Mường Lò - hội tụ sắc màu văn hóa" có sự tham gia của 1.500 nghệ nhân, diễn viên làm nên màn đại xòe, nhân Xòe Thái Mường Lò được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; Lễ hội Quế Văn Yên năm 2015. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Yên Bái tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Lễ hội “Festival đá quý” tại huyện Lục Yên và “Lễ hội văn hóa Chè Suối Giàng” tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Việc bảo tồn các làng cổ dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch Yên Bái đã và đang được triển khai như: làng cổ Pang Cáng - dân tộc Mông, xã Suối Giàng; làng cổ Viềng công - dân tộc Thái, xã Hạnh Sơn huyện Văn Chấn... đó là các làng còn lưu giữ được nhiều các giá trị về kiến trúc, khuôn viên làng nghề thủ công, nhà cửa và văn hóa phi vật thể, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch. Du khách đến với các lễ hội ở Yên Bái sẽ được trải nghiệm thú vị độc đáo về những phong tục tập quán, đời sống tâm linh, lối sống, trang phục, văn hóa, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền; được thưởng thức ẩm thực độc đáo từ các món ăn đặc trưng của mỗi dân tộc.

Năm 2012, Sở VHTT&DL đã xây dựng Dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp Văn hóa Thể thao và Du lịch Yên Bái, giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, trình UBND tỉnh phê duyệt, trong đó định hướng cho du lịch Yên Bái trong những năm tới thu hút các nhà đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng các dân tộc để ngày càng hấp dẫn du khách. Trong mùa lễ hội năm 2015, tỉnh Yên Bái đã đón khoảng 466 nghìn lượt khách tới tham quan du lịch lễ hội truyền thống tại các di tích, lễ hội dân gian truyền thống, danh thắng của tỉnh, tăng 7,2% so với năm 2014. Đây thực sự là một tín hiệu mừng cho ngành du lịch tỉnh Yên Bái.

Tuy nhiên, để tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch thông qua các lễ hội truyền thống, ngành du lịch Yên Bái cần xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư về du lịch, tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá một cách hợp lý các sản phẩm du lịch của tỉnh; phối hợp đồng bộ với các cơ quan ban ngành của tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về phát triển du lịch; tổ chức tập huấn về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch; tăng cường đầu tư, nâng cấp, tôn tạo và bảo vệ di tích, danh thắng, tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống tạo thành sản phẩm du lịch; Chú trọng việc khai thác tiềm năng du lịch thông qua xây dựng các sản phẩm du lịch, quà lưu niệm, ẩm thực độc đáo mang thương hiệu Yên Bái để thu hút và lưu giữ khách; tiếp tục duy trì tổ chức tốt các sự kiện văn hóa du lịch mang tính thương hiệu hàng năm như: Lễ hội Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Tuần văn hóa du lịch Mường Lò; Lễ hội Quế Văn Yên... gắn với công tác xúc tiến quảng bá, thu hút khách du lịch.

TTXT du lịch Yên Bái

Tin du lịch Yên Bái

Mục lục

Du lịch Yên Bái
          - Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
          - Đèo Khau Phạ
          - Hồ Thác Bà
          - Làng nghề tranh đá quý Lục Yên
          - Đền Đông Cuông