Địa điểm du lịch Kênh gym

Ký sự chuyến đi dọc miền văn hóa Đông Hồ Thác Bà

02/01/2015 - 2530 view
Ký sự chuyến đi dọc miền văn hóa Đông Hồ Thác Bà

Từ thị trấn Thác Bà (Yên Bình, Yên Bái), qua cầu Thác Ông ngược lên thượng nguồn sông Chảy, sẽ gặp những bản làng của người Cao Lan tại xã Vũ Linh - nơi bắt đầu của chặng đường Đông hồ Thác Bà, để được tìm hiểu, khám phá những câu hát ví của gái bản, trai làng trong điệu hát Sình Ca; những tình tiết trong lời kể, điệu hát của dân tộc Cao Lan...

Ngòi Tu

Giai điệu được cất lên, quyện vào giọng hát trầm bổng, tiếng kèn pí lè sẽ làm say đắm lòng người trong những đêm hát... cứ như thể dẫn lối du khách vào niềm cảm xúc trào dâng, chân lạc bước vào vùng văn hóa khác - làng văn hóa người Dao quần trắng - Ngòi Tu. Đường Đông hồ Thác Bà rẽ vào bản làng Ngòi Tu chừng vài cây số.

Làng Ngòi Tu nằm sát bên mép hồ Thác Bà, nép mình dưới tán cọ và những dải rừng xum xuê lá. Vì thế mà ông Tây Pedro Bình - người Pháp lại đến đây mở công ty, xây dựng nhà nghỉ, nhà hàng làm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Nền văn hóa nguyên bản của người Dao quần trắng Ngòi Tu đã mê hoặc, cuốn hút ông. Nên, thay vì nhà xây kiểu phương Tây thì nhà nghỉ ở khu nghỉ dưỡng Ngòi Tu chủ yếu dựng lên bằng tre, nứa, lợp bằng lá cọ đúng như những ngôi nhà đang ở của người Dao quần trắng. Những điệu hát dân ca, điệu múa trong lễ Cấp sắc của người Dao đã được khôi phục, truyền dạy để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, thưởng ngoạn của du khách đến đây.

Những bữa ăn cũng được khai thác, chế biến từ ẩm thực của người Dao, do chính các đầu bếp là người địa phương - nhân viên trong Công ty phục vụ du khách. Nhờ vậy, khu du lịch nghỉ dưỡng Ngòi Tu bền bờ hồ Thác Bà dần trở thành điểm sáng, nơi nghỉ lý tưởng cho du khách đến từ các nước châu Âu, châu Mỹ lựa chọn.

Xuân Lai

Đường Đông hồ Thác Bà uốn mềm như dải lụa vắt qua bản làng các dân tộc sinh sống. Con đường khi luồn dưới những tán cây, vách núi, khi lại thoáng đãng ngay cạnh mép hồ làm cho khung cảnh trời - mây - nước mở ra trước mắt du khách thật mênh mang, thơ mộng. Miền đất Xuân Lai (Yên Bình) lại mời gọi du khách đến với những điệu hát Cọi, hát Quan làng, Khảm hải của dân tộc Tày. Nơi đây có một gia đình người Tày với ba thế hệ viết văn, gìn giữ nét văn hóa dân gian của dân tộc Tày, mà một trong đó nổi tiếng trên văn đàn thế kỷ 20 chính là nhà văn Hoàng Hạc.

Giờ đây, tôi lại được gặp con trai ông - nghệ nhân, nhà sưu tầm nghiên cứu dân gian Hoàng Tương Lai hay hát Cọi trong các cuộc thi hát dân ca của các dân tộc thiểu số Việt Nam trên sóng truyền hình toàn quốc và biết ông đã giành nhiều giải cao. Thế nhưng, trực tiếp nghe ông cất lên lời hát Cọi cùng các bà, các chị trong lúc đang đan rọ tôm dù chỉ một lần mà đã để lại ấn tượng sâu sắc. Điệu Cọi ông cất lúc cao vút, ngân vang như tiếng vọng của núi rừng, lúc lại mảnh mai như sợi chỉ nhẹ rung trong thanh quản... Cứ như thế, từng câu từng từ trong điệu Cọi réo rắt kể người nghe về văn hóa ngàn đời của người Tày Xuân Lai.

Ông Hoàng Tương Lai hiện là nhà văn, hội viên Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái, nắm giữ trong tay kho tàng văn hóa dân gian dân tộc Tày khá đồ sộ mà ông đã tự sưu tầm, biên soạn và trình diễn. Đặc biệt hơn, cháu ngoại ông - tác giả Nông Quang Khiêm hiện là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đang hứa hẹn tiếp bước cha ông làm giàu thêm bản sắc văn hóa miền Đông hồ Thác Bà.

Lục Yên

Còn một địa danh cuối chặng đường Đông hồ Thác Bà, đó là miền đất ngọc Lục Yên - quê hương của đá ruby, saphia, hồng ngọc nổi tiếng, quê hương của cam sành, hồng không hạt với vị ngọt dịu nhẹ. Lục Yên còn là quê hương của nghệ nhân, nhạc sỹ người Nùng cả cuộc đời cống hiến cho đam mê nghệ thuật văn hóa dân tộc. Nhắc đến Hoàng Nừng, người ta nhớ đến một nhạc công chơi đàn violin ở Đoàn Nghệ thuật Quân đội và Văn công tỉnh Yên Bái ngày nào. Ông còn là người cho ra đời nhiều tác phẩm gắn liền với văn hóa dân tộc, vùng đất quê hương ông. Ở độ tuổi bát tuần, ông vẫn đi giới thiệu, truyền dạy cách chơi đàn tính, hát then, hát cọi cho các đội văn nghệ các thôn, xã trong vùng nhằm bảo tồn văn hóa các dân tộc mà ông yêu quý. Nhắc đến ông, người dân vùng Yên Thế, Minh Tiến, Liễu Đô... đều nhớ đến một nghệ nhân, nhạc sỹ gắn liền với con người và vùng đất quê hương.


Dọc theo miền văn hóa Đông hồ Thác Bà còn rất nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống, còn nhiều nét độc đáo của ẩm thực, văn hóa dân gian, văn hóa giao tiếp, ứng xử của các dân tộc mà chưa có điều kiện tìm hiểu hết. Vì vậy, với sự đa dạng của một chặng đường độc đáo về văn hóa, sẽ thật may mắn cho những ai tiếp tục có cơ hội được khám phá, tìm hiểu để làm giàu thêm kho tri thức của bản thân đối với một vùng văn hóa đậm đà bản sắc đang từng ngày đổi mới.

TTXT du lịch Yên Bái

Tin du lịch Yên Bái

Mục lục

Du lịch Yên Bái
          - Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
          - Đèo Khau Phạ
          - Hồ Thác Bà
          - Làng nghề tranh đá quý Lục Yên
          - Đền Đông Cuông