Địa điểm du lịch Kênh gym

Vườn quốc gia Tam Đảo, chuyện dưới tán rừng

05/11/2018 - 2510 view
Vườn quốc gia Tam Đảo, chuyện dưới tán rừng

Dưới tán rừng già Vườn quốc gia Tam Đảo Vĩnh Phúc, có những người cả cuộc đời tình nguyện gắn mình với màu xanh của cây lá, với tiếng râm ran, rả rích của côn trùng... Câu chuyện họ kể về rừng nghe thú vị và gợi nhiều suy ngẫm.

Ông Nguyễn Đức Long vốn yêu rừng từ bé. Từ vùng đồng bằng Thái Bình, cha mẹ ông lên định cư ở thị trấn Tam Đảo năm 1923. Ông được sinh ra ở đó và rất tự nhiên, tuổi thơ ông gắn với những cánh rừng già. Gần 60 năm đi rừng, bao nhiêu lối mòn, bao nhiêu tảng đá, ông thuộc như lòng bàn tay. “Rừng bạt ngàn, có đi đến cuối đời cũng khó mà biết hết” - ông trầm ngâm. Bởi vậy, mỗi lần đi rừng đối với ông đều hứng khởi, sức hấp dẫn từ cái mới, cái đẹp của tự nhiên cứ như thỏi nam châm cuốn người thợ rừng dày dặn kinh nghiệm vào những chuyến khám phá.

Luồn sâu vào rừng cùng những đoàn nghiên cứu của Viện Sinh thái tài nguyên và môi trường, Bảo tàng tự nhiên, Viện Lâm nghiệp, Viện Gen, các trường đại học, ông có những ngày tháng không thể nào quên trong rừng. Với hệ côn trùng giàu nhất nhì miền Bắc, thảm thực vật phong phú, Vườn quốc gia Tam Đảo thu hút hằng năm đoàn chuyên gia nghiên cứu về thực vật, côn trùng, môi trường, sinh thái. Riêng ông Long mỗi năm dẫn khoảng hơn 30 đoàn. Trong vai trò người dẫn đường, ông cùng đoàn đã ăn ngủ với rừng mỗi đợt ít nhất 3 ngày, nhiều cũng khoảng 10 ngày, hiểu rõ tập tính của mỗi loài vật nhỏ: Chuột nước hay ở rừng khép tán, ven suối nhỏ; ếch san hô thường bám vào lá cây, nhìn như những đám rêu; rắn thường ở các khe suối nhiều ếch nhái; thằn lằn không chân lại ở các kè, khu vực đá lô xô không có cây. Cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, tính đa dạng sinh học cao, Vườn quốc gia Tam Đảo cũng là nơi bảo tồn các nguồn gen động - thực vật quý hiếm. Hệ thực vật đa dạng với nhiều chủng loài, trong đó có các loài nổi bật như: lan hài Tam Đảo, hoàng thảo Tam Đảo, trà hoa đỏ, trà hoa vàng, trà Camellia, đỗ quyên, lan kim tuyền, dẻ tùng sọc trắng, thạch tùng răng cưa, cây hoa tiên, dó đất... Cùng với đó là hệ động vật phong phú, đông đúc với lớp côn trùng gồm 651 loài, lớp chim có 239 loài... Dãy Tam Đảo như mái nhà xanh chở che cho hàng vạn cư dân sinh sống dưới chân núi.

Ông Long Kể, nhiều chục năm về trước, sinh kế của người dân ở đây chủ yếu dựa vào rừng. Tình trạng người dân vào khu vực rừng đánh bắt, bẫy thú diễn ra thường xuyên, nhưng hiện nay, việc bảo tồn đa dạng sinh học ở đây đang được người dân và lực lượng bảo vệ rừng chăm chút từng ngày. Các hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường; thực hiện chính sách chia sẻ lợi ích đối với người dân bản địa; tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân vùng đệm Vườn quốc gia Tam Đảo đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mừng bởi Vườn quốc gia Tam Đảo ngày càng được bảo vệ tốt hơn nhưng việc giữ gìn cảnh quan, môi trường sinh thái thì vẫn còn nhiều điều đáng nói. Trong những chuyến dẫn đoàn đi điều tra, sưu tập mẫu vật, ông có dịp làm việc với các chuyên gia người Nga, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Bỉ... “Ngoài tình yêu nghề, yêu thiên nhiên và sự tận tụy với công việc, họ luôn có ý thức rất cao trong việc bảo vệ môi trường. Những dụng cụ không còn dùng đến hay giấy kẹo, vỏ, hộp đựng đồ ăn thức uống, họ thu gom cả để khi về bỏ vào thùng rác. Ăn xong quả trứng, quả cam, họ đào lỗ chôn vỏ xuống đất. Những lúc nghỉ ngơi rảnh rỗi hay trên đường đi, họ không ngại ngần thu dọn những giấy, rác, vỏ lon bia... của những người đi rừng hay khách du lịch vứt bừa bãi. Yêu rừng, nâng niu vẻ đẹp của tự nhiên, họ thực hiện đúng phương châm “không để lại gì ngoài những dấu chân” trên hành trình về với đại ngàn” - ông Long nói.

Còn đây là câu chuyện khiến ông nhớ mãi: “Có một lần, tôi dẫn đoàn chuyên gia Nga vào rừng tìm kiếm mẫu côn trùng. Hoàn thành công việc, họ thu dọn hết các công cụ: Bông, giấy, dây treo, chai lọ... để đem về khách sạn. Ngay lúc đó có một người phụ nữ xuất hiện và xin lại toàn bộ số nguyên liệu này để bán ve chai. Họ vui vẻ đồng ý. Một hồi sau, chúng tôi quay ra thì ôi thôi, những đồ có thể bán đã được người phụ nữ kia mang đi hết, chỉ còn lại những bông, giấy, dây treo vứt vương vãi giữa rừng. Cả đoàn chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm...”. Ông Long cho biết, gần đây, Vườn quốc gia Tam Đảo đã đưa vào khai thác một số tuyến du lịch sinh thái. Tuy nhiên, lượng khách đến tham quan đông hơn cũng làm gia tăng tình trạng vứt rác bừa bãi, tác động xấu đến hệ sinh thái rừng và gây mất mỹ quan. Ông đau đáu: “Để giữ được màu xanh thuần khiết của rừng, việc cần thiết và quan trong nhất vẫn là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái của người dân.”

Bây giờ đang là mùa khô - thời điểm lý tưởng để đi Vườn quốc gia Tam Đảo bởi mùa này rừng ít muỗi, vắt, nguy cơ tai nạn rình rập không nhiều. Nai nịt gọn gàng, xốc chiếc ba lô đựng những vật dụng thiết yếu, ông Long lại bắt đầu một hành trình mới kiếm tìm những mẫu vật quý hiếm bổ sung vào bộ sưu tập của riêng mình. Đó cũng là cách ông thể hiện tình yêu với rừng: nhân lên những cá thể đang ngày càng bị mai một, để rừng không chỉ là nơi trú ngụ của chim muông, cây cỏ mà còn là kho thuốc vô tận, nơi con người có thể nương tựa, thấy được niềm hy vọng và sức sống.

TTXT du lịch Vĩnh Phúc

Mục lục

Du lịch Vĩnh Phúc
             - Khu du lịch Tam Đảo
             - Vườn quốc gia Tam Đảo
             - Danh thắng Tây Thiên
             - Hồ Đại Lải
             - Làng gốm Hương Canh