Địa điểm du lịch Kênh gym

Chùa Cầu Hội An, quan điểm và giải pháp trùng tu

16/08/2016 - 4408 view
Chùa Cầu Hội An, quan điểm và giải pháp trùng tu

Chùa Cầu Hội An xuống cấp ở mức độ nào, thông số kỹ thuật ra sao và nếu phải tu bổ thì giải pháp nào phù hợp... là những vấn đề được đặt ra trong hội thảo “Giải pháp trùng tu Chùa Cầu - quan điểm và giải pháp” do UBND tỉnh phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức vào ngày 16/8 tại Hội An.

Đánh giá tình trạng xuống cấp

Chùa Cầu là biểu tượng nổi bật của phố cổ Hội An, trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình tham quan của du khách khi đến với Hội An. Thống kê cho thấy, bình quân mỗi ngày Chùa Cầu Hội An đón tiếp khoảng 4.000 lượt khách tham quan, đã gây áp lực chịu tải lớn lên kiến trúc này. Đặc biệt, dưới tác động của dòng chảy Khe Ồ Ồ phía dưới cầu và môi trường ẩm ướt của sông nước đã làm cho các mố, trụ cầu bị nứt, nhiều cột, kèo có dấu hiệu bị hư hỏng. Theo nghiên cứu của PGS-TS. Nguyễn Xuân Toản - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, dù về kết cấu khung (cột, giằng, kèo...) cơ bản còn đủ khả năng chống đỡ trong điều kiện bình thường và chịu được tải trọng bản thân của kết cấu, nhưng nhìn tổng thể hiện nhiều bộ phận kết cấu của Chùa Cầu Hội An đã bị rạn nứt, mục, cần gia cố sửa chữa và thay thế. Đặc biệt, đầu và cuối các bộ phận kết cấu; đầu cột chân cột thường bị nứt và mục, các mối nối, liên kết bị cong vênh hoặc nhả mộng không đảm bảo chắc chắn. Ngoài ra, các dầm thép thay thế trước đây đã bị gỉ và đứt rất nguy hiểm... “Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy kết cấu khung, dầm đỡ, sàn đỡ đáy hiện tại đủ khả năng chịu tải trọng bản thân và tải trọng con người. Tuy nhiên, có một số kết cấu bị mục và nứt, làm suy giảm khả năng chịu lực cần phải gia cường hoặc thay thế” - PGS-TS. Nguyễn Xuân Toản cho biết.

Trong lịch sử Chùa Cầu Hội An đến nay đã trải qua 7 đợt tu bổ lớn nhỏ, chủ yếu ở hệ mái, hệ vì kèo, trụ, đà, sàn... Tuy vậy, có thể nhận thấy sự xuống cấp của Chùa Cầu đã hiện hữu rất rõ, nhưng cụ thể ở mức độ nào, với những thông số kỹ thuật ra sao và nếu phải tu bổ thì giải pháp nào là phù hợp... cần phải được nghiên cứu, tính toán khoa học. Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng, việc tu bổ Chùa Cầu cần được nhìn nhận ở nhiều góc độ, đó là giải pháp trùng tu phải đảm bảo phù hợp với nguyên tắc bảo tồn tính chân xác; phù hợp với mức độ xuống cấp của di tích. Bên cạnh đó, các vấn đề về nguồn vốn, cơ chế, chính sách đầu tư; sự liên kết giữa các nhà khoa học và lực lượng thi công trong quá trình tu bổ hay bố trí thời gian thi công phù hợp để không ảnh hưởng đến việc tham quan của khách du lịch tại một di tích vừa là công trình giao thông vừa là công trình tín ngưỡng... “Đây là một vấn đề khoa học và kỹ thuật, tu bổ di tích rất phức tạp không chỉ của riêng Hội An, Quảng Nam mà còn ở tầm quốc gia và quốc tế” - ông Dũng nhìn nhận.

Hạ giải toàn bộ kiến trúc gỗ

Vị trí và hình ảnh Chùa Cầu Hội An trong tổng thể khu phố cổ là rất đặc biệt, vì vậy việc can thiệp vào di tích này như thế nào phải rất thận trọng và phù hợp. Tại hội thảo, đa số ý kiến đều thống nhất, việc trùng tu bảo tồn Chùa Cầu cần phải sớm được tiến hành trên cơ sở giải quyết triệt để các vấn đề về kết cấu để đảm bảo sự ổn định lâu dài của di tích. Theo GS-TSKH. Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Chùa Cầu nên được trùng tu theo quan điểm đồng bộ, toàn diện mọi mặt, nhất là về phương diện kiến trúc di tích. Vì vậy nên tháo dỡ toàn bộ, làm hồ sơ chi tiết, gia cố, phục chế những bộ phận hư hỏng nặng rồi dựng lại chứ không nên kéo dài tình trạng hư đâu sửa đấy khiến cho di tích dần biến dạng và mất hẳn tính nguyên gốc. “Phải đối xử với Chùa Cầu như một di sản văn hóa có giá trị nên cần tính đến chuyện chấm dứt công năng giao thông của cây cầu. Trước khi tu sửa phải làm cầu thay thế để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Tôi nghĩ nên nhân đó thiết kế hai cây cầu thanh mảnh, tạo dáng đẹp bắc hai bên Chùa Cầu để thay thế công năng giao thông của di tích. Đồng thời trong tương lai đây cũng là nơi du khách đứng chiêm ngưỡng, chụp ảnh di tích. Như vậy, di sản vừa được bảo vệ tốt, vừa tôn tạo vẻ đẹp và có giá trị thiêng liêng” - ông Giang đề xuất.

Đồng ý quan điểm trên, theo PGS-TS. Nguyễn Quốc Hùng - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, muốn thực hiện công tác trùng tu, điều đầu tiên phải tổ chức khảo sát thật kỹ hiện trạng của cầu, vì có chẩn đoán đúng bệnh mới có thể đề ra phương pháp tu bổ phù hợp. Hiện có 3 phương án trùng tu Chùa Cầu Hội An cần nghiên cứu gồm: phương án cục bộ, hỏng chỗ nào sửa chỗ ấy. Phương án này có ưu điểm không tác động nhiều đến toàn bộ di tích trong quá trình tu bổ, tuy nhiên việc tu bổ sẽ không triệt để vì sự hư hại của cầu tiềm ẩn bên trong kiến trúc. Phương án tiếp theo là tu bổ theo cách hạ giải từng phần và phương án tu bổ theo phương pháp hạ giải hoàn toàn. Phương án này có điều bất lợi là trong quá trình tu bổ phải ngừng các hoạt động tham quan và những sinh hoạt văn hóa liên quan đến Chùa Cầu. Tuy vậy, nếu hạ giải toàn bộ sẽ giúp việc nghiên cứu, đánh giá chất lượng các hạng mục và cấu kiện của cầu, nhất là có điều kiện để gia cố nền móng và chỉnh lại hệ thống chân cầu, các cấu kiện gỗ hư được phân loại và xử lý triệt để. “Trong 3 phương án trên, theo tôi phương án hạ giải toàn bộ để xử lý triệt để các hạng mục của cầu là phù hợp với hiện trạng xuống cấp của Chùa Cầu hiện nay” - PGS-TS. Nguyễn Quốc Hùng nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh: Sẽ đưa dự án trùng tu Chùa Cầu vào đầu tư trung hạn. Để hoạt động bảo tồn đạt hiệu quả, di tích Chùa Cầu Hội An cần phải được tiếp cận nghiên cứu thận trọng. Do đó, việc trùng tu Chùa Cầu cần phải được sớm tiến hành trên cơ sở giải quyết triệt để các vấn đề về kết cấu để đảm bảo sự ổn định lâu dài của di tích. Đặc biệt, quan điểm sẽ là hạ giải toàn bộ phần kiến trúc gỗ đã xuống cấp nặng, gia cố vững chắc hệ móng, trùng tu tổng thể triệt để nhưng phải phù hợp với các nguyên tắc bảo tồn. Ngoài ra, vì đây là một dự án quan trọng nên cần có đề án giải pháp kỹ thuật, yêu cầu đảm bảo nguyên tắc trùng tu bảo tồn chất lượng di tích, đảm bảo tính chân xác, quan tâm đến hậu trùng tu. UBND tỉnh và các cơ quan chức năng sẽ sớm hoàn thành các thủ tục đưa dự án vào kế hoạch đầu tư trung hạn (2017 - 2020) để có thể sớm triển khai.

GS. Tomoda Hiromichi - Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa: Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trùng tu Chùa Cầu. Một lần nữa chúng ta phải khẳng định Chùa Cầu là một biểu tượng của mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản. Và đến nay cũng ngót gần 20 năm kể từ khi phía Nhật Bản tiến hành khảo sát, tìm hiểu về Chùa Cầu Hội An, nhưng sau đó do khả năng kỹ thuật của phía Hội An đã có nhiều tiến bộ đáng kể nên dường như phía Nhật Bản ít tham gia xây dựng kế hoạch tu bổ di tích này. Nói như vậy, nhưng năm ngoái và năm kia tôi đã xem xét, khảo sát kỹ tình trạng Chùa Cầu, tôi đã lưu ý về tính chất nghiêm trọng làm cho cầu hư hỏng, vì vậy tôi rất quan tâm đến vấn đề này. Do đó, tôi rất vui mừng và yên tâm khi nghe đang có kế hoạch tu bổ Chùa Cầu. Tôi thật sự mong rằng chúng ta sẽ có phương án tu bổ Chùa Cầu mà không làm ảnh hưởng đến giá trị văn hóa của di tích này. Sau khi đề xuất được phương án tu bổ, phía Nhật Bản rất vui và mong muốn tham gia góp ý dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản.

KTS. Lê Thành Vinh - Viện Bảo tồn di tích: Cần có những giải pháp đồng bộ. Để giải quyết đầy đủ các vấn đề về Chùa Cầu Hội An, cần xác định và thống nhất những quan điểm cơ bản cho việc trùng tu bảo tồn di tích này trong bảo tồn tổng thể khu phố cổ Hội An. Cụ thể là thực hiện đồng thời bảo tồn giá trị và duy trì chức năng của di tích, tức là có những biện pháp bảo tồn đặc điểm, giá trị vốn có của di tích, đảm bảo độ ổn định và bền vững của di tích nhưng vẫn duy trì chức năng giao thông của nó trong việc điều tiết lượng người qua cầu một cách hợp lý. Thứ hai, bảo tồn công trình gắn với tổng thể cảnh quan vốn có xung quan di tích, tức là việc bảo tồn trùng tu di tích Chùa Cầu Hội An phải gắn liền với việc tu bổ chỉnh trang các thành phần kiến trúc, đoạn sông nhỏ (lạch nước) dưới cầu và lân cận cũng như không gian cảnh quanh khu vực xung quanh. Điều này cũng có nghĩa là không xây dựng cầu phụ (nếu có) gần di tích (trong phạm vi tầm nhìn của du khách) để không phá vỡ cảnh quan vốn có của khu vực này. Thứ ba, giải quyết triệt để các vấn đề về kết cấu để đảm bảo sự ổn định lâu dài của di tích. Cụ thể, cùng với việc tu bổ hệ thống khung gỗ và cấu trúc cơ bản thì cần giải quyết các vấn đề về nền móng và gia cố kè của lạch nước, đảm bảo sự ổn định của tổng thể công trình...

TTXT du lịch Hội An

Mục lục

Du lịch Quảng Nam
- Du lịch Hội An
    I) Phố cổ Hội An
       1) Nhà cổ Hội An
                  - Nhà cổ Tấn Ký
                  - Nhà cổ Đức An
                  - Nhà cổ Quân Thắng
                  - Nhà cổ Phùng Hưng
                  - Nhà thờ cổ tộc Trần
                  - Nhà thờ tộc Nguyễn Tường
       2) Hội quán Hội An
                  - Hội quán Phúc Kiến
                  - Hội quán Quảng Đông
                  - Hội quán Triều Châu
       3) Công trình văn hóa Hội An
                  - Chùa Cầu
                  - Đình Cẩm Phô
                  - Miếu Quan Công
                  - Tụy Tiên Đường Minh Hương
       4) Bảo tàng
                  - Văn hóa dân gian Hội An
                  - Gốm sứ mậu dịch Hội An
                  - Lịch sử văn hóa Hội An
                  - Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An
       5) Điểm tham quan khác
                  - Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
                  - Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền
                  - Giếng cổ Bá Lễ
   II) Làng nghề Hội An
             - Làng gốm Thanh Hà
             - Làng rau Trà Quế
             - Làng mộc Kim Bồng
   III) Quanh Hội An
             - Bãi biển Cửa Đại
             - Bãi biển An Bàng
             - Cù Lao Chàm
             - Rừng dừa Bảy Mẫu
             - Thánh địa Mỹ Sơn