Địa điểm du lịch Kênh gym

Phả hồn cho đất nung ở làng gốm Thanh Hà

12/10/2014 - 4873 view
Phả hồn cho đất nung ở làng gốm Thanh Hà

Không chỉ những con tò he, hòn binh hay vật dụng bằng đất nho nhỏ như xưa, bây giờ làng gốm Thanh Hà (Hội An) còn làm nên “duyên gốm” với công viên đất nung, với những sản phẩm mới đa dạng về mẫu mã từ chính vật liệu cũ và không gian vẫn như trăm năm trước...

Cuộc chơi với gốm

Thanh Hà là một làng nghề nhỏ ven sông đã ngót 500 năm tồn tại, đủ để làm nên tên gọi một làng gốm cổ. Dù lắm thăng trầm nhưng cái tên làng gốm Thanh Hà với những sản phẩm đẹp và bền đã làm nên thương hiệu cho làng nghề ở phố cổ Hội An. Người làm gốm ở làng sống cùng gốm, từ những con tò he, những dãy hòn binh ngập lối vào nhà, hay những mảng tượng ông Táo chiều 23 tháng Chạp vẫn thấy bày bán đầy chợ... Làng gốm Thanh Hà như được tách bạch khỏi cái không khí “nhà nhà làm du lịch” của Hội An, dù làng vẫn nằm trong phố. Cái đáng quý của nơi này là một không gian làng truyền thống, với dãy hàng rào chè tàu, với nếp sinh hoạt truyền thống đậm tính cộng đồng trong những ngày lễ hội của làng. Và vẫn còn những lò nung đỏ lửa, dù thời của gốm đã qua từ lâu. Cuộc chơi với gốm, với đất nung, được mở ra rộng rãi hơn, khi một ngày không xa “công viên đất nung Thanh Hà” được thành lập. Công viên này được người dân làng gốm kỳ vọng sẽ là điểm nhấn của làng, sẽ làm thức dậy những xúc cảm với đất - nước - lửa...

Nằm giữa làng gốm Thanh Hà, công viên đất nung Thanh Hà hội đủ điều kiện để đi tới cùng mục đích “bảo tồn làng nghề gốm truyền thống”. Không chỉ vậy, những người tâm huyết với nền văn hóa phố Hội, còn muốn biến nơi đây thành một không gian sáng tạo. “Về lâu dài, đây không chỉ là nơi để trưng bày, triển lãm sản phẩm từ gốm, đất nung mà sẽ trở thành không gian sáng tác của nghệ sĩ từ khắp mọi nơi. Tuần tự hai tháng một lần, chúng tôi sẽ tổ chức trại sáng tác tại đây. Ngôi làng ven sông sẽ trở thành nơi sáng tạo của đông đảo nghệ sĩ, tương tự như mô hình nhà sáng tác tại Đà Lạt” - nghệ sĩ Đoàn Xuân Hùng, Câu lạc bộ Mỹ thuật gốm TP. Hồ Chí Minh, người cộng sự về chuyên môn của anh Nguyễn Văn Nguyên, hiện là chủ đầu tư chính của công viên đất nung Thanh Hà, chia sẻ. Ngày 29/8 vừa qua, công viên đất nung Thanh Hà tổ chức triển lãm đầu tiên, kể từ ngày xây dựng, với chủ đề “Giai điệu gốm Thanh Hà” là sự khởi đầu để đánh thức những xúc cảm nghệ thuật với đất nung, vốn dĩ lâu nay ít được chú ý. Từ nguyên vật liệu của làng gốm Thanh Hà, hơn 170 tác phẩm nghệ thuật của 18 nghệ sĩ gốm ra đời. Và gốm, không còn đơn điệu nhờ đôi bàn tay của người nghệ sĩ. Các nghệ nhân Thanh Hà khi chiêm ngưỡng các tác phẩm gốm nghệ thuật đã công nhận người nghệ sĩ đã phả thêm sức sống vào làng gốm cổ, là sự tao ngộ đầy hữu ý để đánh thức một làng nghề.

Tín hiệu đáng mừng

Theo Trung tâm Văn hóa TP. Hội An, từ năm 2000, làng gốm Thanh Hà đã trở thành một địa điểm du lịch trên cung đường di sản Hội An. Hơn 60% nguồn thu từ việc bán vé du lịch sẽ được giao lại cho phường Thanh Hà nhằm thực hiện công tác bảo tồn và chia cho các hộ trình diễn gốm trong làng. 40% còn lại được trích để trả cho đội ngũ quản lý, bảo vệ làng gốm cổ truyền. Tuy nhiên, màu đỏ gan gà cổ điển của những mẻ gốm cũ vẫn không thể vực dậy cả một làng nghề dần mai một. Không gian làng xưa vẫn còn, nhưng người làm nghề dần thưa. Các sản phẩm chính của làng như chum, vại, nồi niêu, bình, lọ và gạch ngói... dần mất chỗ đứng trên thị trường, do sự ồ ạt xâm nhập của những sản phẩm mới do các nơi khác sản xuất.

Cải thiện mẫu mã sản phẩm trên nền nguyên liệu cũ, tập trung vào mặt hàng lưu niệm với những chạm khắc tinh xảo, mới mong vực dậy làng gốm Thanh Hà đã từng có một thời gian dài hưng thịnh. Suy nghĩ của những nghệ nhân già ở làng gốm giờ đây đã trở thành hiện thực, khi chứng kiến những tác phẩm gốm ra đời từ đôi bàn tay của những nghệ sĩ các nơi về làng gốm sáng tạo. Ông Nguyễn Lành - nghệ nhân làng gốm Thanh Hà, chia sẻ: “Chuyển hướng sản xuất gốm, nhắm đến những mặt hàng tinh xảo, kết hợp cùng du lịch là cơ hội để ngành nghề thủ công mỹ nghệ của làng nghề sống bền vững”. Những năm gần đây, ngoài những sản phẩm truyền thống, gốm Thanh Hà còn có thêm đèn lồng gốm, gạch hoa gốm, phù điêu, mặt nạ từ gốm... Và bây giờ, những nghệ nhân làng gốm còn có thêm những hình tượng đất nung nghệ thuật khác để đa dạng hóa sản phẩm gốm của làng mình.

Cơ hội đón du khách trong và ngoài nước đi khắp nơi đến quan chiêm và tham gia tạo tác các sản phẩm gốm đang dần mở ra đối với làng gốm Thanh Hà khi công viên đất nung Thanh Hà xây dựng xong và đi vào hoạt động. Và nữa, lúc đó cái tên Thanh Hà sẽ được ghi trong bản đồ sáng tác của nghệ sĩ tạo hình...

TTXT du lịch Hội An

Mục lục

Du lịch Quảng Nam
- Du lịch Hội An
    I) Phố cổ Hội An
       1) Nhà cổ Hội An
                  - Nhà cổ Tấn Ký
                  - Nhà cổ Đức An
                  - Nhà cổ Quân Thắng
                  - Nhà cổ Phùng Hưng
                  - Nhà thờ cổ tộc Trần
                  - Nhà thờ tộc Nguyễn Tường
       2) Hội quán Hội An
                  - Hội quán Phúc Kiến
                  - Hội quán Quảng Đông
                  - Hội quán Triều Châu
       3) Công trình văn hóa Hội An
                  - Chùa Cầu
                  - Đình Cẩm Phô
                  - Miếu Quan Công
                  - Tụy Tiên Đường Minh Hương
       4) Bảo tàng
                  - Văn hóa dân gian Hội An
                  - Gốm sứ mậu dịch Hội An
                  - Lịch sử văn hóa Hội An
                  - Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An
       5) Điểm tham quan khác
                  - Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
                  - Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền
                  - Giếng cổ Bá Lễ
   II) Làng nghề Hội An
             - Làng gốm Thanh Hà
             - Làng rau Trà Quế
             - Làng mộc Kim Bồng
   III) Quanh Hội An
             - Bãi biển Cửa Đại
             - Bãi biển An Bàng
             - Cù Lao Chàm
             - Rừng dừa Bảy Mẫu
             - Thánh địa Mỹ Sơn